Nhiều khuất tất trong việc đình chỉ hoạt động Phòng khám đa khoa Tâm Đức?

Liên quan đến việc Phòng khám Đa khoa Tâm Đức bị tạm dừng hoạt động, theo BHXH tỉnh Bình Phước thông tin với các lý do như: Không đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động là PKĐK; Phòng khám không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu; Các bác sĩ hành nghề KCB ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ ngày lễ tại phòng khám chỉ ghi chung thời gian “ngoài giờ, ngày ra trực, thứ 7, chủ nhật” chứ không ghi giờ nào, ngày nào cụ thể; Sử dụng Y sĩ đa khoa để KCB về y học cổ truyền trái với quy định của Luật Khám bệnh và chữa bệnh; Phòng khám không được cấp phép hoạt động KCB về chuyên khoa Phục hồi chức năng nhưng vẫn được sở Y tế phê duyệt một số DVKT phục hồi chức năng, trái quy định; Phòng khám thực hiện miễn cùng chi trả cho người bệnh đến KCB BHYT, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đến KCB.

 

Phòng Khám Đa khoa Tâm Đức

Bà Ngô Minh Chiến, Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Tâm Đức (địa chỉ tại 746 Phú Riếng Đỏ, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) cho hay, thông tin xuất phát từ Biên bản quyết toán của năm 2016. “Chúng tôi nhận thấy rằng, các biên bản đó không đúng quy định, về số liệu quyết toán. Năm 2016, chúng tôi được tạm ứng với số tiền là 4.556.000.000. Trong khi đó, BHXH tỉnh mới thực hiện tạm ứng cho 70 triệu, còn lại chưa được tạm ứng”, bà Chiến nói.
Theo đó, bà Chiến được thông báo quỹ 3 và quỹ 4 là được chuyển qua kỳ sau, nhưng trên thực tế, quỹ 4 cũng không được tạm ứng. Đến quỹ 4, thanh quyết toán không đúng quy định. BHXH tỉnh Bình Phước cứ dùng dằng không chịu thanh quyết toán. Sau đó đưa cho bà bản thanh quyết toán năm, chỉ thể hiện số liệu đến quỹ 3 năm 2016.
Thế nhưng số tiền tạm ứng thể hiện trong quyết toán năm là đã được tạm ứng hết trong năm. Khi phát hiện được điểm sai trái của BHXH tỉnh, bà Chiến đã ban hành các công văn yêu cầu BHXH tỉnh giải thích rõ vì sao không được tạm ứng. Tại sao không được tạm ứng mà trong bản thanh quyết toán năm lại cho rằng đã được tạm ứng? Tại sao mới được chuyển tiền đến quỹ 3 và số tiền còn lại là 88 triệu không được thể hiện trong bảng quyết toán? Số tiền quỹ 4 cũng chưa được thể hiện trong quyết toán năm này.
Sau đó, bà Chiến đã yêu cầu BHXH tỉnh trả lại tất cả các khoản tiền mà cơ quan này còn nợ là hơn 22 tỷ, nếu không sẽ đến cơ quan chức năng để làm rõ. “Sau đó, BHXH tỉnh Bình Phước đã chuyển vào tài khoản của Tâm Đức là 6,2 tỷ số tiền tạm ứng cho quỹ 2 năm 2017 để hoạt động khám bệnh chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Số tiền còn lại thì im luôn và không trả lời”, bà Chiến cho biết.
Theo bà Chiến, ngày 19/5, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước gọi điện cho bà, thông báo có đoàn VTV1 đến phỏng vấn và làm việc với phòng khám, không rõ về nội dung. “Báo với tôi 10h nhưng 8h đã đến. Lúc đó tôi chưa lên công ty. Sau đó, đoàn VTV chụp hình, quay phim. Gây cản trở đến việc khám chữa bệnh nhân. Khi tôi lên đến thì gọi 2 – 3 lần mới vào phòng làm việc. Sau khi hỏi về mục đích và chương trình thanh kiểm tra thì cô phóng viên nói là “hỏi ngoài lề”. Khi tôi trả lời thì họ quay lén chứ không thực sự đứng quay?”, bà Chiến nói.
Theo phản ánh, có 1 người giới thiệu là bác sĩ Thao ở BHXH Việt Nam. “Khi tôi xin giấy giới thiệu của cơ quan, anh này nói là được anh Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cử đến làm việc, cử bằng mồm, không có giấy”, trích lời bà Chiến.
Trả lời về những vấn đề liên quan đến thông tin trên VTV, bà Chiến cho rằng có một số điểm sai sự thực. Cụ thể, nói vấn đề gia tăng đột biến, trong khi đó quỹ 4 đã được ông Giám đốc BHXH tỉnh cử người giám sát 24/24, giám sát cả đầu ra bệnh nhân, khi bệnh nhân ra đã ký tên và đếm hồ sơ hằng ngày thì sao lại nói là gia tăng đột biến?
Lý giải về việc này, bà Chiến cho rằng, việc so sánh việc khám chữa bệnh BHYT ở quỹ đầu tiên, chỉ có 9 thẻ đăng ký hồi đó, người dân chưa biết. Sau này người khám biết cơ sở, đến khám nhiều hơn nên việc tăng lên cũng là bình thường. Đến cuối năm 2016, lên đến hơn 5 nghìn thẻ là do người dân tự tìm về chứ không phải bên bảo hiểm phân thẻ về.
Dấu hiệu mập mờ trong chuyện này đã được Hiệp Hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam chỉ rõ, nếu sự việc đúng như bà Chiến phán ánh thì BHXH tỉnh Bình Phước và BHXH Việt Nam cần tiến hành xác minh lại người tự xưng tên Thao có phải là người của BHXH Việt Nam hay không? Nếu đúng là người của cơ quan này thì tại sao đến làm việc với doanh nghiệp mà không có giấy giới thiệu, không có kế hoạch, không có biên bản… Quy trình làm việc giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp như vậy đã đúng quy định chưa? Buổi làm việc không chính thức trên có đủ căn cứ để cơ quan BHXH tạm dừng hợp đồng với Phòng khám đa khoa Tâm Đức?. Có hay không việc chèn ép, trù úm doanh nghiệp trong việc chỉ đạo tạm dừng hợp đồng KCB BHYT một cách đột ngột như vậy?
Theo công văn số 31/BVTN của Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam (bà Chiến là thành viên của hiệp hội) gửi các cơ quan liên quan, về việc đề nghị không tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đối với PKĐK Tâm Đức, Bình Phước thì: Việc tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đối với cơ sở KCB phả căn cứ vào nội dung các điều khoản của hợp đồng đã ký giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB và quy định tại Phụ lục 03 Mẫu hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, ban hành theo thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT – BYT – BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Tham chiếu hợp đồng số 01/ HĐ KCB – BHYT ngày 30/12/2016 được ký giữa BHXH tỉnh Bình Phước với Công ty TNHH MTV Phòng khám Đa khoa Tâm Đức thì BHXH Việt Nam có văn bản chỉ đạo BHXH Bình Phước tạm ngừng hợp đồng KCB BHYT đối với Phòng Khám Đa khoa Tâm Đức là vi phạm hợp đồng đã ký giữa 2 bên, trái với quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính?
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn: http://suckhoemoitruong.com.vn/dieu-tra-ban-doc/nhieu-khuat-tat-trong-viec-dinh-chi-hoat-dong-phong-kham-da-khoa-tam-duc-id19923n.html