Học võ là vi phạm Y Đức?

Trong lúc bế tắc trước nạn bạo hành nhân viên y tế, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân buộc phải chọn cho mình một cách để tự bảo vệ riêng, trang bị võ thuật cho bác sỹ và nhân viên y tế ở BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) là một biện pháp đã được dư luận xã hội quan tâm và nhiều lần nhắc đến, đã mang lại nhiều hiệu quả ngay tại BV này.
Gần đây, mà hình như cũng không phải gần đây, đã nhiều năm nay rồi ở khắp mọi nơi, thành thị, nông thôn, vùng xâu vùng xa,… cứ ở đâu có bệnh viện, có bác sỹ, có bệnh nhân là ở đó có bạo hành y tế. Thật đáng buồn, đáng sợ, đáng lên án lắm thay!  Nước mắt, máu của bác sỹ đã nhiều lần đổ xuống và nhuộm đỏ. Những trang bệnh án, nhân phẩm, sức khỏe và cả tính mạng của bác sỹ đã nhiều lần bị ngay chính bệnh nhân hoặc thân nhân của bệnh nhân tước đoạt!

Có lẽ chưa bao giờ chúng ta, những người thầy thuốc, những chiến sỹ thầm lặng, những thiên thần áo trắng, những khắc tinh của thần chết, những người đang sống để làm cái nghề mà người ta gọi là nghề cao quý… lại sống trong cảnh hoang mang lo sợ như lúc này. Bất lực! Thực sự là chúng ta đang bất lực, ở miền Nam xa xôi, Bác sỹ Võ Xuân Sơn – người mà mỗi khi nhắc tới, không ít thầy thuốc trong và ngoài nước phải kính nể, họ kính nể ông không phải chỉ vì ông giỏi chuyên môn mà nhiều năm nay ông đã chiến đấu, chiến đấu không mệt mỏi để kêu gọi mọi người siết chặt vòng tay, tạo sức mạnh để chống lại bạo hành y tế, nhưng rốt cuộc trên trang facebook của mình ông cũng bày tỏ sự chán nản và… bất lực. Vâng, chúng ta bất lực còn vì nhiều lý do khác nữa, còn nhớ hồi năm ngoái một nữ bác sỹ ở bệnh viện 115  trong ca trực đã bị một “Doanh nhân thành đạt” vô cớ hành hung, một cuộc điều tra “Đúng quy trình” đã  được thực hiện và cuối cùng vị Doanh nhân thừa tiền  nhưng thiếu văn hóa ấy hình như đã bị phạt mất mấy triệu đồng…? và gần đây ở một tỉnh miền núi phía bắc, một sỹ quan quân Y  đã tung trưởng hành hung chính đồng nghiệp của mình, gần một tháng đã trôi qua mà chúng ta không hề biết vị sỹ quân quân y kia đã được xử lý “Đúng quy trình hay chưa?”. Việc nọ nối tiếp việc kia, sau mỗi vụ bào hành là một vài bài báo, một vài sự bức xúc nhưng cũng có cả sự im lặng nữa và cuối cùng tất cả lại rơi vào quên lãng. Liệu có khó hiểu không khi mà nạn bạo hành vẫn tiếp diễn, ngày càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn?

Theo tôi thì không, hoàn toàn không, bởi lẽ chỉ lên án, chỉ dậy sóng, chỉ bức xúc, uất ức không thôi thì sẽ không bao giờ là đủ và không bao giờ có thể ngăn chặn được những hành động vô lương tâm, coi thường đạo lý và chà đạp lên pháp luật đó được, đánh bác sỹ xong vẫn ung dung với danh hiệu Doanh nhân thành đạt, hành hung đồng nghiệp xong vẫn đường hoàng là sỹ quan quân y. Hàng chục vụ bạo hành khắp nơi trên cả nước khiến cả ngành y rúng động, căm phẫn và mong ngóng chờ đợi nhưng rốt cuộc không biết kết cục là kẻ thủ ác đã và sẽ bị xử lý như thế nào? Pháp luật đã vào cuộc nhung hình như chưa thỏa đáng, chưa đủ mạnh, một số nơi, một số việc, việc xử lý chưa thật sự nghiêm minh.

Trong lúc bế tắc ấy, mỗi đơn vị, mỗi cá nhân buộc phải chọn cho mình một cách để tự bảo vệ riêng, trang bị võ thuật cho bác sỹ và nhân viên y tế ở BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ) là một biện pháp đã được dư luận xã hội quan tâm và nhiều lần nhắc đến. khen, chê, đồng tình, phản đối cũng là lẽ thường, nó hoàn toàn phụ thuộc vào suy nghĩ và cách nhìn nhận của mỗi người khác nhau, là người trong cuộc chúng tôi không tranh luận, đúng hay là sai, chỉ biết rằng chúng tôi đã làm, đang làm và sẽ làm như thế, vì học võ không phải để đánh nhau, học võ là học cái Đạo làm người, võ đạo là một phạm trù quá phong phú và rộng lớn, những kẻ tầm thường thì không thể hiểu, những kẻ đớn hèn thì không bao giờ biết, những kẻ lười biếng nhu nhược thì không bao giờ học được võ, đạo đức của võ là Trung với nước – Hiếu với cha mẹ – Tình nghĩa với thầy, bạn – Nhân ái với mọi người, phẩm chất của người học võ là tự trọng, tự tin, dũng cảm hào hiệp, độ lượng, khiêm tốn, cần mẫn, không khoe khoang, hợm hĩnh, không run sợ trước bạo lực, Học võ để biết mình biết người, hiểu đời với phương thức trầm tư, mặc tưởng, tham thiền, học võ để luôn biết làm chủ tình thế, làm chủ chính bản thân mình. Ngày xưa trong các ngôi cổ tự các nhà sư cũng ngày đêm rèn luyện võ thuật, họ đâu có muốn chiến đấu muốn đánh nhau, nhà sư sinh ra là để ngày đêm ăn chay, niệm phật, tụng kinh gõ mõ, cầu an trúc phúc  mong muốn mang lại an lành hạnh phúc cho thiên hạ, nhưng thủa ấy cũng có những kẻ vô đạo quấy phá rắp tâm hãm hại các nhà sư và cũng từ thủa ấy nhiều môn phái võ được hình thành ngay chính trong các ngôi cổ tự. Ngày nay người thầy thuốc cũng thế muốn mang y đức y thuật đến để cứu giúp người bệnh thì người thầy thuốc phải sống và phải khỏe mạnh, muốn trau dồi y đức, y thuật, y lý để hành nghề trị bệnh cứu người, muốn chống lại những kẻ thừa tiền nhưng vô văn hóa, những kẻ côn đồ ngu muội luôn muốn lấy oán trả ơn. Cuộc sống thì bao giờ và ở đâu cũng thế có bình có loạn có yên có nguy, có người tốt kẻ xấu, có người phải, kẻ trái, có anh hùng và cũng có kẻ khùng, thằng điên, có vĩ nhân thì cũng có tiểu nhân vì thế biết cách để tự bảo vệ mình bao giờ cũng hơn là không biết gì. Dù ai nói gì đi chăng nữa thì chúng tôi cũng sẽ làm theo pháp luật, Tự vệ không bao giờ sai, ai cũng có quyền được tự vệ, bác sỹ sẽ cứu chữa được bệnh nhân nhưng khi họ là nạn nhân thì họ chẳng thể cứu được ai nữa.

Đơn giản mục đích của việc học võ của chúng tôi chỉ có vậy thôi, chúng tôi không có quyền phán xét và cũng không có quyền khuyến cáo đề nghị với bất cứ ai. Tuy nhiên chúng tôi cũng cần có những sự nhìn nhận, chia sẻ, nhận xét một cách công tâm, đừng ai vì suy nghĩ của cá nhân mình mà vội vã quy chụp cho chúng tôi những cái tội tày đình mà Y tổ coi là kẻ thù của ngành Y, thật sự tôi rất buồn khi một quan chức trong ngành y khi nhận xét về chúng tôi lại cho rằng chúng tôi làm trái với đạo đức của người thầy thuốc…? Học võ là trái với đạo đức của thầy thuốc? Vậy Nhà sư học võ cũng trái với giáo lý nhà Phật hay sao? Và hàng ngày trên khắp thế giới  hàng triệu người đang học võ, chẳng lẽ họ cũng đang làm cái việc trái đạo đức…?
Tôi xin trích đăng lại bài viết của nhà báo  Hồng Sơn, trích đăng những quan điểm trái chiều để mọi người cùng tham khảo, bàn luận, riêng tôi, như đã nói ở trên chúng tôi đã làm, đang và sẽ tiếp tục làm như thế, chúng tôi học võ để phòng thân vì phòng thân là một việc làm được luật pháp cho phép, nếu chưa tin các bạn hãy xem  điều 22, Bộ luật hình sự năm 2015 thì sẽ rõ. Tôi xin phép được không tranh luận gì thêm…!

Phạm Văn Học – chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương – Phú Thọ
———————————————————————
Bác sĩ học võ: Cứu người hay chuẩn bị đối kháng?
Link bài viết: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bac-si-hoc-vo-cuu-nguoi-hay-chuan-bi-doi-khang-3354910/

Trao đổi việc một bệnh viện thuê võ sư dạy võ cho y, bác sĩ để biết cách phòng thân, lãnh đạo ngành Y yế tỉnh Quảng Nam phản đối quyết liệt.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thuê võ sư về dạy cho y, bác sĩ của bệnh viện để biết cách tư thế phòng thân và ứng xử với các tình huống cấp bách xảy ra của những đối tượng cá biệt như say rượu, côn đồ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đất Việt vào chiều ngày 21/3, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam là không đồng tình trước cách làm này bởi trách nhiệm đầu tiên của người thầy thuốc là cứu người chứ không phải đối phó với người bệnh.

Bác sĩ Phạm Ngọc Ẩn – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam nói: “Không. Tuyệt đối không. Bây giờ mình phải xem như là ở khía cạnh bệnh nhân như là một khách hàng. Nếu có sự việc gì xảy ra thì mình phải giải quyết một cách thấu đáo, nếu sai sót bên mình, hoặc nếu sai sót bên người bệnh thì cùng thấu hiểu, cùng hợp tác để mà khám chữa bệnh.
Tôi khẳng định Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam không có chủ trương như đi học võ để đối phó mấy chuyện đó.
Để bảo vệ nhân viên mình thì mình phải tăng cường trách nhiệm của lực lượng vệ sĩ, vệ sĩ mà bệnh viện hợp đồng thuê là đã có chức năng bảo vệ rồi.
Ccán bộ công chức phải lo khám chữa bệnh cho người bệnh chứ không có việc đi học võ để chỉ bảo vệ bản thân là trái với đạo đức của người Thầy thuốc.

Cùng quan điểm với cấp dưới mình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai nói rõ đến nay Bộ Y tế chưa có chủ trương việc này.
“Trách nhiệm của người Thầy thuốc là chữa bệnh cứu người chứ không thể đi học võ để phòng thân được.
Việc đầu tiên của y, bác sĩ là phải tích cực tập trung vào khám, cứu chữa cho người bệnh chứ thời gian đâu mà chú ý đến việc phòng thân đối với một vài trường hợp cá biệt. Nhưng mà giả sử như biểu tôi triển khai cái này thì tôi không thực hiện được” – người đứng đầu ngành Y tế tỉnh Quảng Nam nói.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói quan điểm việc này thực hiện thật sự mang tính đối kháng giữa y, bác sĩ và người bệnh rồi.
Trách nhiệm của tất cả cộng đồng, người dân và thầy thuốc là phải ý thức được để tránh việc không hay này xảy ra.
Người thầy thuốc phải ý thức được tất cả mọi nhiệm vụ được quy định của ngành Y, còn bệnh nhân thì phải biết tôn trọng y, bác sĩ.
Trước đó, ngày 28/9/2017, ông Phan Đình Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, đã ký Công văn số 399/BC-TTYT gửi các cơ quan chức năng đề nghị điều tra, xử lý việc một nhóm đối tượng có hành vi đánh người, gây rối tại Trung tâm.
Khi được hỏi đến việc làm của Bệnh viện Đa khao Hùng Vương (Phú Thọ), bác sĩ Phan Đình Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh phản đối ngay: “Cái này làm sao làm được. Tôi không tán thành việc này, thầy thuốc ai đi học võ để đi đối phó với bệnh nhân và người thân bệnh nhân được”.
“Không lẽ khi y, bác sĩ đang trực khám chữa bệnh mà thấy người dân cầm hung khí vào mà bỏ bệnh nhân để đánh nhau với họ.
Về mặt y đức, trách nhiệm của thầy thuốc không bao giờ làm việc này được, trách nhiệm đầu tiên là phải cứu người chứ không thể bỏ bệnh nhân để đi đôi co với họ được.
Nếu có tập võ thì để rèn luyện sức khỏe cho bản thân thôi”, bác sĩ Mỹ nói.
Hồng Sơn

Nguồn tin: benhvienhungvuong.org