Cục trưởng cho biết, Theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì mỗi người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều phải được lập hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, y tế và pháp lý; mỗi người bệnh chỉ có một hồ sơ bệnh án trong mỗi lần khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án phải được lập bằng giấy hoặc bản điện tử và phải được ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật theo quy định và thời gian lưu trữ từ 10 đến 20 năm tùy từng trường hợp.
Như vậy, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã cho phép việc lập hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, cho đến năm 2018 trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định hồ sơ bệnh án điện tử chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ bệnh án điện tử.
Cùng với sự phát triển của công nghệ nói chung, sự hoàn thiện cơ sở pháp lý về ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, góp phần hiện đại hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 28 tháng 12 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo PGS.TS. Trần Quý Tường, ngành Y tế Việt Nam đang hướng tới xây dựng y tế thông minh. Do vậy, đẩy mạnh triển khai Bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí là cần thiết. Cục CNTT – Bộ Y tế đã xây dựng lộ trình để đảm bảo đến 31/12/2030 tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử.
Lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Cụ thể, tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT đã đề ra lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử gồm 2 giai đoạn:
Giai đoạn từ năm 2019 – 2023
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư này.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 135 bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt, số bệnh viện này phải triển khai bệnh án điện tử xong trước 31/12/2023.
Giai đoạn từ năm 2024 – 2028
Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 31/12/2030.
Nội dung và giải pháp đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử
Xây dựng chính sách và các quy định về bệnh án điện tử; Cơ chế tài chính; Trình tự ứng dụng CNTT khi triển khai bệnh án điện tử; Triển khai chữ ký số; Triển khai giải pháp thanh toán điện tử; Đào tạo, tập huấn; Hướng dẫn các bước triển khai đầu tư hoặc thuê dịch vụ CNTT; Kinh phí triển khai bệnh án điện tử.
PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Cục trưởng nhấn mạnh: ‘Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số của ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần hiện đại hóa ngành y tế thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới’.
Ban Biên tập TTTĐT Cục CNTT
Nguồn:https://ehealth.gov.vn/?action=News&newsId=47646