(CLO) “Tôi vẫn làm việc mỗi ngày 16-18h. Lễ tết, tôi không có quà mà ngược lại phải lo lương, thưởng cho người lao động. Tôi nghĩ không nên đặt ra vấn đề “chủ” – “thợ” trong quan hệ lao động. Chúng tôi đang cùng đi chung trên một con thuyền” – Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.
Những ngày gần đây, diễn đàn quốc hội đang nóng lên khi bàn về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó, pháp luật lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Bàn về Dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, cần phải tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Bởi so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp (ví dụ, Campuchia, Philippines không khống chế số giờ làm thêm tối đa, Indonesia 56 giờ/tháng; Singapore 72 giờ/tháng; Thái Lan 36 giờ/tuần; Malaysia 104 giờ/tháng; Lào 45 giờ/tháng…). Như vậy đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời kích thích sản xuất phát triển, tạo thêm cơ hội thu nhập cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm vì như thế là đang đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai của người lao động, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội…
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, không nên tiếp cận vấn đề từ lợi ích của doanh nghiệp hay từ người lao động một cách phiến diện. Cần phải nhìn nhận vấn đề khách quan, xuất phát từ thực tiễn nền kinh tế đất nước, tôn trọng thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, trên cơ sở dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
“Tôi cho rằng, một số người đang mang tâm lý nặng nề của quan hệ chủ – thợ để bàn về quan hệ lao động ở nước ta. Đó là quan niệm lạc hậu, phiến diện, chưa thoát ra khỏi những hạn chế của lịch sử. Quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động hôm nay là quan hệ cộng sinh. Nghĩa là chúng tôi đang cũng đi trên một con thuyền. Muốn con thuyền ấy vượt sóng ra khơi, cả người cầm lái và …thủy thủ phải chung sức, đồng lòng”- ông Đệ nêu quan điểm của mình.
Vấn đề không phải là thêm 300 giờ hay 400 giờ/năm mà mấu chốt là giữa chủ doanh nghiệp và người lao động có cảm thấy thoải mái không khi cam kết thực hiện “khế ước” đó. Doanh nghiệp có phát triển, có đơn hàng, có thị trường thì mới có cơ hội để làm thêm và tăng thu nhập cho người lao động. Người lao động làm thêm giờ người ta có cảm thấy hạnh phúc hay không bởi thực tế cuộc sống rất khác với chính sách vĩ mô của những nhà làm luật. Tôi đơn cử ví dụ như thế này: tại một doanh nghiệp, mỗi người mỗi hoàn cảnh sống khác nhau dù họ có cùng mức thu nhập. Có người cuộc sống tạm ổn do người thân có điều kiện nhưng cũng có người là lao động chính, phải cáng đáng thêm thu nhập mới có thể nuôi sống gia đình. Vì thế, họ có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập. Đó phải là nhu cầu chính đáng. Phía doanh nghiệp cũng vậy, họ phải là những người giỏi giang, sáng tạo, biết tranh thủ cơ hội mới có thể mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động. Hai nhu cầu chính đáng ấy gặp nhau để cùng tạo ra giá trị mới, có lợi cho cả đôi bên. Theo tôi, điều cốt lõi ở đây là nhà nước phải giám sát xem, chủ doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động về giờ làm thêm có đảm bảo các điều kiện cho người lao động hay không. Tức là lương, thưởng, BHXH, an toàn lao động…có đầy đủ theo quy định hay không? Và, doanh nghiệp có cố tình ép người lao động phải làm thêm hay không? Còn nếu đó là thỏa thuận giữa hai bên thì cần phải được tôn trọng.
Quan điểm duy trì “ngày làm 8h” của một số vị đại biểu quốc hội có thể không sai nhưng nó vẫn là “mơ ước” trong điều kiện nền kinh tế xã hội ở nước ta. Người lao động, công nhân của chúng ta phần lớn đều rời “lũy tre làng” để đi vào nhà máy công xưởng. Cả tay nghề chuyên môn và kỷ luật lao động đều không cao. Khi tác phong công nghiệp hạn chế thì chất lượng lao động trong “8h vàng ngọc” ấy sẽ không thể so sánh với chừng ấy thời gian của người lao động ở các nước công nghiệp phát triển. Đi ra nước ngoài, tôi quan sát thấy giờ làm việc đường giao thông, quán xá khá vắng vẻ nhưng ở nước ta thì rất khác. Giờ làm việc nhưng quán cà-pê vẫn đông nghịt người, quán nhậu vẫn hoạt động bình thường, các sân thể thao nhiều cán bộ vẫn hăng say luyện tập kể cả chiều thứ 6, thứ 7 hay chủ nhật. Chưa kể mặt trái của sự phát triển công nghệ, khiến cho người lao động bị thu hút sự chú ý vào mạng xã hội trên các nền tảng công nghệ số dẫn đến chất lượng giờ lao động không đảm bảo. Việc tăng giờ làm thêm, nhìn ở góc độ này có thể thấy như một cách để “bù lỗ” đối với chất lượng lao động của chúng ta.
Thưởng cho…lao công, bảo vệ đi du lịch Thái Lan.
Tôi rất buồn khi vẫn có ý kiến cho rằng tăng giờ làm thêm là “bóc lột” sức lao động. Vậy tại sao ngày 13/10 hằng năm chúng ta lại đang tôn vinh doanh nhân với tư cách là những người tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Bóc lột” là tàn dư của chế độ cũ. Xã hội chúng ta đang xây dựng là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng làm gì có sự bóc lột. Thế nên, quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động là quan hệ hợp tác cùng phát triển. Những ai còn bị đè nặng bởi quan điểm “bóc lột” sức lao động nghĩa là đang “xát muối” vào trái tim của doanh nhân và xúc phạm vào lòng tự trọng của đội ngũ đang ngày đêm hăng say lao động để xây dựng tổ quốc, đội ngũ đang được Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ, kiến tạo để phát triển. Đó là chưa kể những doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp, hay hàng trăm, hàng nghìn chủ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, gặp những điều bất hạnh do cơ chế thị trường, do rào cản về chính sách, thậm chí phá sản, mất hết tài sản, của cải vật chất, làm cho nhiều lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ, thậm chí rơi vào lòng lao lý mà không ai chia sẻ và thương xót, sẽ thui chột ý chí vực dậy doanh nghiệp để phát triển kinh tế.
Tôi nghĩ cần phải nhấn mạnh lại rằng: điều quan trọng là người lao động có cảm thấy hài lòng khi làm thêm giờ hay không. Nếu họ làm thêm, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có điều kiện để quan tâm hơn đến đời sống của người lao động. Tôi nghĩ, đó mới là cốt lõi của an sinh xã hội. “Tôi ví dụ như thế này cho dễ hiểu. Tôi làm bệnh viện tư nhân đã 15 năm. Nếu bệnh viện mà cứ máy móc áp dụng ngày 8h vàng ngọc thì người bệnh sẽ ra sao. Đặc biệt, người bệnh lại hay ốm đau thất thường, cấp cứu, sinh đẻ vào ban đêm. Nếu chỉ quy định số lượng người lao động, giờ lao động trực đêm có hạn, việc phục vụ người bệnh sẽ gặp khó khăn, người bệnh sẽ không được phục vụ tốt nhất. Vì thế, có những nhân viên y tế ở bệnh viện chúng tôi xin được làm thêm giờ để có thêm thu nhập và khẳng định trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp. Những người như thế, mình không thể có đạo đức lương tâm để từ chối và cũng phải có trách nhiệm đặc biệt với họ” – ông Đệ giãy bày.
Năm 2017, khi Công ty chúng tôi tổ chức đoàn tham quan, du lịch tại Thái Lan, anh em văn phòng trình lên danh sách đa số là lãnh đạo, trưởng các khoa, phòng, tôi đã gạt đi nhiều người và đề nghị bình bầu bổ sung thêm những người tuy chỉ là nhân viên bình thường nhưng cần mẫn, trách nhiệm. Kết quả là cả bác bảo vệ và chị lao công cũng được doanh nghiệp đài thọ đi du lịch tại những khu nghỉ dưỡng đẹp nhất châu Á…
Cân nhắc khi dùng khái niệm “giới chủ” ở nước ta.
Có thể trên bình diện quốc tế, khái niệm này khá phổ biến nhưng trong điều kiện nước ta, việc dùng từ “giới chủ” tại các diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng dễ dẫn đến những cách hiểu sai lệch bản chất của chế độ. Thậm chí nó có thể khoét sâu thêm vào những định kiến có tính lịch sử về quan hệ giới chủ – thợ thuyền. Tôi rất thích khái niệm doanh nhân, dùng để chỉ người “cầm lái” doanh nghiệp. Hai chữ “doanh nhân” cũng đã được hiến định trong Hiến pháp 2013, Đảng ta cũng đã có Nghị quyết về doanh nhân. Xã hội ngày nay xem doanh nhân là người lính thời bình, đội quân xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế. Tôi vẫn có một mơ ước là đến một ngày nào đó, về mặt lý luận, chúng ta phải công nhận vị trí của doanh nhân trong khối liên minh “công – nông – trí – doanh”. Chủ doanh nghiệp bây giờ phải xem người lao động như tài sản của họ chứ không phải trong mối quan hệ giữa ông chủ với người làm thuê. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự hướng đến sự phát triển bền vững.
Việc Quốc hội đang bàn vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tôi cho rằng nó sẽ mâu thuẫn với chủ trương tinh giảm biên chế. Để giảm gánh nặng ngân sách trả lương, theo tôi cứ cho nghỉ hưu đúng tuổi như hiện nay. Nếu anh cảm thấy còn sức khỏe, còn năng lực, anh có thể tham gia lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Nhà nước hay tư nhân thì cũng vì mục tiêu chung là xây dựng phát triển đất nước.
Ai mới là người…làm thuê?
“Năm nay hơn 60 tuổi, nếu làm việc trong khu vực nhà nước thì tôi đã nghỉ hưu rồi. Nhưng tôi vẫn đang làm việc từ 16 – 18h mỗi ngày. Gần như cuộc sống của tôi là công việc, không có du lịch, nghỉ dưỡng gì cả. Nói vui thì tôi cũng đang vi phạm luật lao động. Nhiều lúc tôi tự hỏi, phải chăng chính mình mới là người đang đi …làm thuê cho xã hội”.
BOX: Quang Trần (ghi)