Hiện nay vấn đề an ninh bệnh viện vô cùng lỏng lẻo,mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ bạo hành y tế. Nhận thức được vấn đề này,Bộ chủ quản đã bổ sung nhiều quy định vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.Tuy nhiên,đa số ý kiến cho rằng: Các quy định trên vẫn chưa thật sự cụ thể và mang tính răn đe…
Nỗi đau không chỉ riêng ai…
Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Những vụ điển hình về nạn bạo hành y tế tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh (CSKBCB) gần đây, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ (70%) và điều dưỡng (15%). 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh và còn rất nhiều vụ việc thuộc nhóm bạo hành y tế đã xảy ra nhưng vì nhiều lý do khác nhau không được thống kê, không được giải quyết xử lý. Đối tượng bạo hành nhân viên y tế khá phức tạp từ người nhà bệnh nhân, người đi cùng người bệnh bị kích động hoặc bức xúc do không thông cảm, không hiểu hết quá trình thăm khám điều trị của bác sỹ, nhân viên y tế dẫn đến hành hung.
Từ thực tế đáng buồn trên, Bộ chủ quản nhận định: Vấn đề an ninh bệnh viện mới được tiếp cận dưới góc độ quy định các quyền và nghĩa vụ của người bệnh; Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề; Quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh nhưng chưa có quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm an ninh bệnh viện.
Những biện pháp tổ chức bảo đảm an ninh chung, sự tham gia của lực lượng công an trong bảo đảm an ninh bệnh viện, đặc biệt vấn đề kinh phí cho hoạt động an ninh đang bị…bỏ ngỏ. Vì lẽ đó, Bộ Y tế cho rằng, cần quy định chặt chẽ các hành vi bị nghiêm cấm đối với người bệnh và thân nhân bệnh nhân như: Thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí gây khó khăn cho CSKBCB; Cấm lưu trú trong cơ sở y tế không vì mục đích KBCB; Cấm sử dụng rượu bia khi đi KBCB; Cấm đập phá tài sản, cấm bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức; Cấm tự ý xâm nhập vào khu vực chuyên môn của nhân viên y tế…
Bên cạnh quyền tôn trọng, bảo vệ sức khỏe, được quyền lựa chọn CSKBCB thì người bệnh phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, môi trường làm việc cho nhân viên y tế cũng như người sử dụng dịch vụ y tế khác tại bệnh viện. Với thực trạng người nhà bệnh nhân và một số đối tượng khác gây mất trật tự và bạo hành tại các CSKBCB, Bộ Y tế đề nghị cần bổ sung những quy định, nghĩa vụ đối với tất cả các đối tượng đến CSKBCB chứ không chỉ là người bệnh.
Cần cơ chế pháp lý rõ ràng, đủ mạnh
Theo Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương, Phú Thọ: Điều 121 Dự thảo Luật KBCB với đề mục: Bảo đảm an ninh trật tự cho CSKBCB và an toàn cho nhân viên y tế. Các quy định đưa ra chưa thật sự rõ ràng, cụ thể, các chế tài chưa đủ mạnh và mang tính răn đe các đối tượng vi phạm.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Luật sư Phạm Văn Học đề nghị nên tách thành một chương riêng quy định về vấn đề này, cụ thể: Chương này quy định việc đảm bảo an ninh, trật tự trong chăm sóc và KBCB, đảm bảo an toàn cho người hành nghề.
Theo đó:
1: Cần nêu rõ khái niệm “CSKBCB và người hành nghề”.
2: “Những nguyên tắc đảm bảo an ninh trật tự trong CSKBCB” (Đối với người hành nghề; Đối với người bệnh; Đối với thân nhân người bệnh và những người khác có mặt trong CSKBCB…). Đặc biệt phải quy định cụ thể: “Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế là hành vi chống người thi hành công vụ và bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật“. Đồng thời đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc: Xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật về chống người thi hành công vụ; Buộc phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại nơi người đó cư trú hoặc tại nơi người đó làm việc hoặc tại CSKBCB nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, nhân viên y tế…
3: “Nhân viên an ninh trong các CSKBCB”, cần thiết phải quy định rõ khái niệm: Nhân viên an ninh, bảo vệ của CSKBCB là những người được cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp hoặc CSKBCB tuyển dụng, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong CSKBCB… Ngoài ra, nên bổ sung quy định: Nhân viên an ninh, bảo vệ khi làm nhiệm vụ được phép sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, được phép kiểm tra, giám sát người và các phương tiện ra vào khu vực thuộc quyền quản lý của CSKBCB, bao gồm: Kiểm tra, kiểm soát tư trang, hành lý của người và phương tiện nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi đưa các chất/vật dụng nguy hiểm bị cấm đưa vào CSKBCB; Bắt giữ người phạm tội quả tang, lập biên bản và dẫn giải người bị bắt đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Lập biên bản người có hành vi vi phạm hành chính, người có lời nói hoặc hành động vi phạm pháp luật khác, vi phạm nội quy quy chế của CSKBCB và có nguy cơ uy hiếp, đe dọa trật tự an ninh trong CSKBCB… và chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
4: “Những vật cấm không được đưa vào CSKBCB”: Cần quy định rõ việc: Nghiêm cấm đưa vào CSKBCB các loại chất kích thích, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, dao gậy… có khả năng gây sát thương, trừ danh mục thuốc, vật tư trong danh mục được mua sắm, trang bị của CSKBCB hoặc được CSKBCB cho phép đưa vào CSKBCB nhằm phục vụ công tác chuyên môn.
5: “Những người không được vào CSKBCB”, bao gồm: Những người đang trong trạng thái say rượu, bia; Những người trong trạng thái mất kiểm soát do sử dụng chất kích thích, chất cấm trừ trường hợp họ đang là bệnh nhân trong tình trạng cần cấp cứu; Những người có lời nói hoặc hành động thiếu tôn trọng nhân viên y tế, đe dọa, uy hiếp trật tự an ninh đối với CSKBCB; Những người khác không có nhiệm vụ trong trường hợp người đứng đầu CSKBCB tuyên bố đang trong thời gian xảy ra thảm họa y tế, sự cố y khoa nghiêm trọng.
6: “Quyền của người đứng đầu CSKBCB, của người chỉ huy trực tiếp trong kíp trực hoặc ở các điểm KBCB lưu động, trên các phương tiện vận chuyển, cấp cứu bên ngoài CSKBCB, của bác sỹ đang trực tiếp làm công tác KBCB”: Người đứng đầu CSKBCB, người chỉ huy trực tiếp trong kíp trực hoặc ở các điểm KBCB lưu động, trên các phương tiện vận chuyển, cấp cứu bên ngoài CSKBCB. Bác sỹ đang trực tiếp làm công tác KBCB có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm duy trì trật tự, an ninh trong CSKBCB, bao gồm: Ra lệnh giới nghiêm, hạn chế tiếp xúc hoặc cấm tiếp xúc theo thời gian và không gian cụ thể; Trục xuất hoặc dùng biện pháp cưỡng chế khác buộc những người có lời nói, hành động vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của CSKBCB, những người có hành vi uy hiếp, đe dọa gây mất trật tự an ninh… (nhưng chưa đến mức xử lý về hình sự) ra khỏi khuôn viên CSKBCB.
7 “Khu vực cấm, khu vực hạn chế”: Người đứng đầu CSKBCB được quyền quy định các khu vực cấm, khu vực hạn chế, khu vực cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong khuôn viên CSKBCB. Bệnh nhân và tất cả những người có mặt trong khu vực thuộc quyền quản lý, kiểm soát của CSKBCB có nghĩa vụ chấp hành và không được vào những khu vực cấm/khu vực hạn chế .
9: “Trách nhiệm cung cấp thông tin, giới hạn cung cấp thông tin, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan truyền thông”: CSKBCB/người bệnh và cơ quan truyền thông phải thực hiện các quy định của Luật KBCB, Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Mỗi CSKBCB quy định cho phép một hoặc một số người nhất định được quyền phát ngôn và cung cấp các thông tin thuộc phạm vi công tác KBCB cho cơ quan truyền thông/báo chí.
Các cơ quan truyền thông/báo chí bao gồm cả các trang mạng xã hội chỉ được thông tin trên các phương tiện truyền thông/báo chí/mạng xã hội những thông tin liên quan đến công tác khám bệnh/chữa bệnh khi đã được người đứng đầu CSKBCB hoặc người phát ngôn của CSKBCB cung cấp; Các cơ quan truyền thông/báo chí phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải các thông tin liên quan đến công tác khám bệnh/chữa bệnh; Nghiêm cấm tiết lộ những thông tin liên quan đến công tác KBCB gây hoang mang/kích động đối với người bệnh/thân nhân người bệnh và xã hội hoặc trong trường hợp chưa được sự đồng ý của người đứng đầu/người phát ngôn của CSKBCB.
Trên thực tế hiện nay Luật KBCB năm 2009 đang có hiệu lực thi hành và cả Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung do Bộ Y tế xây dựng cũng vẫn chưa đề cập đến những nội dung này…
Bên cạnh quyền tôn trọng, bảo vệ sức khỏe, được quyền lựa chọn CSKBCB thì người bệnh phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, môi trường làm việc cho nhân viên y tế cũng như người sử dụng dịch vụ y tế khác tại bệnh viện”.
Nguồn: https://doanhnhan.vn/dam-bao-an-ninh-benh-vien-can-mot-co-che-phap-ly-du-manh-d27837.html