BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG 9 THÁNG ĐẦU NĂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ 3 THÁNG CUỐI NĂM 2020 HIỆP HỘI

9 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tác động đến mọi lĩnh vực, hoạt động sản xuất và điều hành của doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực y tế tư nhân. Tuy nhiên, với sự năng động trong lãnh đạo điều hành, sự đoàn kết, thống nhất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội, đặc biệt là nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn của các hội viên, hoạt động của Hiệp hội vẫn tiếp tục được duy trì ổn định và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch, nhiệm vụ đề ra. Kết quả nổi bật cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

  1. Công tác ổn định tổ chức sau Đại hội.

Để đảm bảo đúng quy trình thủ tục pháp luật về hoạt động hội, ngay sau Đại hội, Hiệp hội đã có Công văn số 104/CV-BVTN ngày 22/12/2019 gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế về việc cáo cáo kết quả Đại hội Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam lần thứ 2, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Ngày 24/4/2020, do không nhận được văn bản phúc đáp chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Hiệp hội tiếp tục có Công văn số 34/BC-BVTN về việc phê duyệt kết quả Đại hội lần thứ 2 Hiệp hội BVTN Việt Nam.

Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng chờ đợi, đến ngày 24/8/2020, do không nhận được văn bản phúc đáp và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Thường trực Hiệp hội đã thống nhất gửi Bộ Trưởng Bộ Nội vụ văn bản số 74/CV-BVTN về việc báo cáo và kiến nghị xử lý sự chậm trễ trong thực thi nhiệm vụ cải cách hành chính tại Bộ Nội vụ. Ngay sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ đã có ý kiến chỉ đạo và ban hành quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội BVTN Việt Nam vào ngày 31/8/2020.

Trên cơ sở quyết định phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội BVTN Việt Nam của Bộ Nội vụ, Thường trực Hiệp hội đã chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động Hiệp hội và phân công nhiệm vụ của các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội khóa II, nhiệm kỳ 2019 – 2024 nhằm đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý, điều hành Hiệp hội đạt hiệu quả, chất lượng cao nhất.

  1. Công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngay sau thành công của đại hội, với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh, Thường trực Hiệp hội tiếp tục chú trọng chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành y tế.

– Thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là kiến thức về Bảo hiểm y tế (BHYT) cho toàn thể hội viên. Hoạt động tuyên truyền thực hiện chính sách pháp luật luôn được truyền thông, lồng ghép bằng nhiều hình thức (Như: Đăng tải trên trang thông tin điện tử Website Hiệp hội, Nhóm Zalo, Email…..) với các nội dung phong phú, thiết thực, giúp hội viên áp dụng vào việc quản trị cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) đạt hiệu quả.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp, Thường trực Hiệp hội xác định hoạt động KCB là nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân nên đã có công văn gửi các hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Chính Phủ, Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ y tế chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng tránh dịch bệnh; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dich bệnh… quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, nhân viên y tế.

  1. Kết quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng các dự án Luật và cơ chế, chính sách của Nhà nước

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hiệp hội đã tham gia góp ý cho nhiều dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư và một số văn bản dưới luật thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực y tế, BHYT, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, với uy tín, vị thế của Hiệp hội trong thời gian qua, Bộ Y tế đã mời đại diện lãnh đạo Hiệp hội tham gia làm thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập các dự thảo thông tư, nghị định như: Ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội tham gia làm thành viên Ban soạn thảo dự thảo Luật BHYT sửa đổi; ông Phạm Văn Học – Phó Chủ tịch Hiệp hội tham gia thành viên Tổ biên tập dự thảo Luật BHYT sửa đổi; ông Nguyễn Thanh Hồi – Ủy viên BCH Hiệp hội, Giám đốc BV Đa khoa Quốc tế Hải Phòng tham gia Tổ Thư ký biên tập Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP  ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về mức đóng, giảm trừ mức đóng BHYT; thẻ BHYT; mức hưởng, thanh toán chi phí KCB BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Cử ông Phạm Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hiệp hội và ông Trần Liên Việt – Ủy viên BCH Hiệp hội tham gia Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 17/9/2020.

Đối với Dự thảo Luật KCB sửa đổi, bên cạnh tham gia góp ý bằng nhiều văn bản tới ban soạn thảo Bộ Y tế, Thường trực Hiệp hội cũng đã tham gia  góp ý trực tiếp tại các Hội nghị như: Hội nghị góp ý dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi do Thường trực Chính phủ tổ chức (Hội nghị do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì) và 2 Hội nghị góp ý dự thảo Luật KCB sửa đổi do Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng tích cực tham gia góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn Bộ Luật Lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi do Bộ LĐTB&XH chủ trì; dự thảo dự thảo Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo giá dịch vụ do Bộ Y tế chủ trì; góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với bác sỹ đa khoa. Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế cung cấp thông tin về các vướng mắc liên quan văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế và xây dựng dự thảo Nghị định quy định về đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở KCB…

  1. Công tác hỗ trợ, bảo về quyền lợi cho hội viên

4.1 Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để góp phần cùng Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, Hiệp hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị hội viên thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; thông tin đầy đủ các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế và các địa phương; kiên định với quan điểm sâu sắc “chống dịch như chống giặc” và thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bảo đảm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tại đơn vị.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ y tế, Bộ Công thương có giải pháp cung cấp, hỗ trợ khẩn cấp khẩu trang và trang phục phòng, chống dịch bệnh virus corona, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở y tế tư nhân, đồng thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để trục lợi, vi phạm pháp luật. Đồng thời cung cấp thông tin đến các đơn vị hội viên có nhu cầu sử dụng cho người dân đến KCB hoặc giao dịch làm việc chủ động liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn do Bộ Công thương, Bộ Y tế cung cấp; phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư  thông tin phản ánh khó khăn, vướng mắc của cộng đồng y tế tư nhân trong bối cảnh chịu tác động do ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về chủ trương ngành y tế cả nước cùng “chia lửa” với thành phố Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trong thời gian qua, Hiệp hội đã vận động, kêu gọi các hội viên chung tay chia sẻ, hỗ trợ các cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Gia đình Đà Nẵng và Bệnh viện ĐK Vĩnh Đức Quảng Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị, chăm sóc các bệnh nhân mắc dịch bệnh COVID-19.

Trong một thời gian ngắn, Hiệp hội đã nhận được sự quan tâm đóng góp, ủng hộ rất lớn về tình cảm, trách nhiệm, vật chất của nhiều hội viên với tổng số tiền trên 600.000.000đ (Sáu trăm triệu đồng). Số tiền hỗ trợ đã được Văn phòng Hiệp hội liên hệ mua ủng hộ Bệnh viện ĐK Gia đình Đà Nẵng 2500 khẩu trang N95 3M, 12.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, 500 chai nước rửa tay diệt khuẩn; ủng hộ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức 10 thùng khẩu trang y tế, 2.000 bộ quần áo bảo hộ và một số cơ sở y tế khác để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

4.2 Về công tác bảo vệ quyền, lợi ích cho hội viên

Bên cạnh việc góp ý các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư và một số văn bản dưới luật, Hiệp hội đã phản ánh, kiến nghị bằng văn bản tới Chính Phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các cơ quan ban ngành về khó khăn, vướng mắc trong chính sách chung về lĩnh vực y tế. Những kiến nghị cuả Hiệp hội đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, điều chỉnh một số chính sách y tế cho phù hợp với thực tiễn hoạt động và yêu cầu phát triển của khối y tế tư nhân theo hướng bình đẳng giữa y tế nhà nước với y tế tư nhân, cụ thể như sau:

– Sau khi Hiệp hội nhận được những kiến nghị, phản ánh của các đơn vị hội viên về việc Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thống nhất hướng dẫn thanh toán chi phí các phẫu thuật, thủ thuật được thực hiện bằng các phương pháp vô cảm gây mê, gây tê, treo hàng trăm tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2019, khiến cho các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gây ra, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Ngày 20/5/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3963/VPCP-KGVX  truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó Thủ tướng CP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý kiến nghị của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tại văn bản số 40/CV-BVTN ngày 05/5/2020; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, Hiệp hội BVTN Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị thống nhất phương án giải quyết và ban hành Công văn số 3321/BYT-KHTC ngày 17/6/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội về sự không thống nhất trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT.

– Trước khó khăn về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho hệ thống y tế tư nhân, khiến cho hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, Hiệp hội đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TBXH và các Trường ĐH Y dược Thái Bình, Đại học Y dược Hải Phòng….Hiệp hội đã nhận được sự quan tâm và được Chính phủ, Bộ Y tế và các trường đại học y dược đồng tình, hỗ trợ cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phép Hiệp hội xây dựng kế hoạch, báo cáo chỉ tiêu đào tạo liên thông Đại học chuyên ngành bác sỹ đa khoa trong năm 2020 cho các đối tượng Trung cấp y sỹ có năng lực, thâm niên công tác, đảm bảo các điều kiện tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, khắc phục thực trạng thiếu nguồn nhân lực bác sỹ tại khối y tế ngoài công lập như hiện nay.

Bên cạnh việc giải quyết các khó khăn, bất cập chung của cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, Ban, ngành Trung ương xem xét, giải quyết các vướng mắc của các đơn vị hội viên cụ thể như sau:

– Kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam giải quyết vướng mắc của Phòng khám đa khoa Thanh Bình, tỉnh Hải Dương về việc BHXH tỉnh Hải Dương từ chối ký hợp đồng KCB BHYT đối với chuyên khoa phục hồi chức năng tại các Phòng khám đa khoa tư nhân trong toàn tỉnh Hải Dương, trong đó có Phòng khám đa khoa Thanh Bình thuộc Công ty Cổ phần Đại Đồng Đường.

– Đề nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cấp có thẩm quyền tỉnh Phú Thọ xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ việc hành hung, chống đối nhân viên phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương – Phú Thọ.

– Kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam giải quyết vướng mắc của Bệnh viện Mắt Cao Nguyên trong ký hợp đồng bảo hiểm y tế năm 2020. Trong đó, mặc dù Bệnh viện Mắt Cao Nguyên có đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ KCB BHYT vào các ngày Nghỉ, ngày Lễ và đề nghị BHXH tỉnh Gia Lai đưa nội dung này vào Hợp đồng KCB BHYT năm 2020, tuy nhiên BHXH tỉnh Gia Lai chưa đồng ý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân có thẻ BHYT, không đúng theo quy định tại Khoản 10 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

– Đề nghị Bộ Y tế xem xét, giải quyết kiến nghị của Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hà Thành, Bệnh viện đa khoa An Việt, Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 phản ánh về việc bị cơ quan BHXH giảm trừ số liệu quyết toán quý 1/2019 do quyết định phân hạng bệnh viện chậm.

– Kiến nghị BHXH Việt Nam giải quyết vướng mắc của Bệnh viện Đa khoa Sơn Uyên Bắc Giang phản ánh về sự không thống nhất về nội dung giữa Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp và Công văn số 285/BHXH-CSYT ngày 25/01/2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 39/2018/TT-BYT, gây thiệt thòi, khó khăn, tạo phân biệt đối xử với cơ sở y tế tư nhân trong quá trình thực hiện các quy định về thanh toán chi phí KCB BHYT và vướng mắc trong quá trình thực hiện rà soát, đối chiếu chi phí liên quan đến thanh quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2019 tại Bệnh viện Sơn Uyên, BHXH tỉnh Bắc Giang từ chối thanh toán tiền giường của Bệnh viện Sơn Uyên với lý do Bệnh viện Sơn Uyên bố trí giường ghép và áp dụng thực hiện theo nội dung Công văn số 285/BHXH-CSYT.

Liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT của hội viên, trong 9 tháng qua, Hiệp hội đã có các văn bản báo cáo, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các cơ quan của Quốc hội, MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Hội đồng quản lý quỹ BHXH Việt Nam xem xét giải quyết cho các đơn vị như:

– Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB năm 2018, 2019 tại Bệnh viện đa khoa Cửa Đông với số tiền hơn 6 tỷ đồng và Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức Quảng Nam gần 7 tỷ đồng.

– Kiến nghị BHXH Việt Nam giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2019 của Bệnh viện Đa khoa An Phước – Bình Thuận.

– Kiến nghị Kiểm toán Nhà nước và BHXH Việt Nam làm rõ kiến nghị của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông về việc giảm trừ chi phí dịch vụ kỹ thuật trên cơ sở đúng quy định pháp luật về KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của cơ sở KCB và người tham gia BHYT, đồng thời kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết việc thanh toán số tiền vượt định mức năm 2016 cho Bệnh viện đa khoa Cửa Đông với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.

– Kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết kiến nghị của Bệnh viện viện Mắt Tây Nguyên về việc xác định tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2019.

– Kiến nghị BHXH Việt Nam giải quyết khó khăn của Bệnh viện đa khoa 103 – Yên Bái về việc làm rõ việc thanh toán chi phí vật tư mổ đục thủy tinh thể nhân tạo, đăng ký nội dung KCB BHYT vào các ngày nghỉ, ngày lễ trong năm 2020 và một số nội dung liên quan đến cách tính bình quân đơn điều trị nội trú, ngoại trú.

  1. Tổ chức các phong trào hưởng ứng các nội dung do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam phát động.

Là tổ chức thành viên của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam và hội viên của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua, bám sát các nội dung, kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo của UBTW MTTQ Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội thường xuyên tuyên truyền, triển khai tới các đơn vị hội viên, nhất là các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước do UBTW MTTQ Việt Nam phát động; các kế hoạch tổng hợp báo cáo, phản ánh khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực y tế do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam yêu cầu. Với vai trò là Ủy viên BCH, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Phòng TMCN Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội thảo do Phòng TMCN Việt Nam tổ chức và trực tiếp đi giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn cả nước do Chủ tịch Phòng TMCN Việt Nam phân công. Ngoài ra, tham gia thường xuyên các hoạt động của Cụm thi đua các tổ chức thành viên lĩnh vực y tế môi trường do UBTW MTTQ Việt Nam thành lập.

  1. Kết quả việc phát triển mở rộng, tập hợp hội viên và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức.

Ngay sau Đại hội lần 2, nhiệm kỳ 2019 – 2024, Ban chấp hành Hiệp hội thường xuyên trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, qua đó đã vận động, kết nạp được các hội viên tham gia tổ chức Hội và có biện pháp hỗ trợ giải quyết khó khăn kịp thời. 09 tháng đầu năm 2020, Hiệp hội đã kết nạp thêm 06 hội viên mới. Bên cạnh đó, Ban chấp hành Hiệp hội luôn quan tâm đến công tác động viên thăm hỏi hội viên. Những hoạt động trên được duy trì đều đặn, kịp thời, tạo nên mối liên kết bền chặt và gắn bó giữa hội viên và Ban chấp hành Hiệp hội.

  1. Kết quả hoạt động chuyên môn.

Theo thông tin của các đơn vị hội viên, 9 tháng đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, hầu hết các đơn vị đều bị giảm số lượt KCB, đặc biệt là các bệnh viện chuyên khoa mắt, các phòng khám tư nhân có thời điểm phải đóng cửa hoạt động do chính quyền địa phương áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Một số bệnh viện tư nhân do nằm trong vùng dịch và phải thực hiện điều trị các bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 như Bệnh viện Đa khoa Gia đình Đà Nẵng, Bệnh viện Vĩnh Đức Quảng Nam…phải chịu thiệt thòi cả về tài chính và nhân lực.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động KCB, hầu hết các hội viên Hiệp hội đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp tích cực trong hoạt động KCB. Trong đó, công tác KCB cho người dân tại các đơn vị có nhiều chuyển biến tốt, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật, chẩn đoán, xét nghiệm… đều đạt chỉ tiêu. Một số hội viên tiếp tục thành lập mới các bệnh viện, mở rộng quy mô bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vĩnh Bảo; Bệnh viện Đa khoa Hùng Cường, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Bệnh viện Đa khoa Đại An…. Một số phòng khám đã nâng cấp quy mô và thành lập Bệnh viện như: Phòng khám Đa khoa Phúc Sơn; Phòng khám Đa khoa Anh Quất…Nhiều cơ sở hội viên tiếp tục ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, cải tiến quy trình, thủ tục khám bệnh, triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động khám, chữa bệnh, … góp phần giảm thời gian chờ đợi khám bệnh và lãng phí của người bệnh.

Hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, chuyên môn nghiệp vụ giữa các hội viên, đồng nghiệp trong Hiệp hội được thường xuyên liên tục. Qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biến tiến bộ của y học để áp dụng vào thực tiễn nghề nghiệp, chia sẻ với đồng nghiệp những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, cùng nhau đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tải cho các cơ sở y tế công lập.

  1. Hoạt động thi đua, khen thưởng

Hoạt động thi đua khen thưởng tiếp tục được quan tâm, đổi mới. Trong 9 tháng qua, Ban chấp hành Hiệp hội đã tổ chức trao tặng 250 Bằng khen cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển hội; Xây dựng, bàn hành Quy chế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển y tế tư nhân Việt Nam”  và tổ chức trao Kỷ niệm chương cho 20 cá nhân đã có những thành tích, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam. Đã đề nghị Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các doanh nhân là hội viên Hiệp hội đã có những đóng góp trong xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

II. ƯU ĐIỂM VÀ TỒN TẠI, HẠN CHẾ

1.Ưu điểm

Thời gian qua, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, đặc biệt, với sự tâm huyết, đoàn kết, năng động, sáng tạo và nhất trí cao trong Ban chấp hành và sự đồng hành ủng hộ của cộng đồng y tế tư nhân, Hiệp hội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên; tư vấn, hỗ trợ cơ chế, chính sách y tế; là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hội viên. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của Hiệp hội trong xã hội, vị thế của Hiệp hội ngày càng được nâng cao, hội viên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Những hoạt động của Hiệp hội đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các đơn vị hội viên, góp phần quan trọng vào chủ trương xã hội hóa y tế.

  1. Tồn tại, hạn chế

Quá trình hoạt động của Hiệp hội còn gặp khó khăn, cụ thể như sau.

  • Trong 9 tháng đầu năm, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên các hoạt động chung của Hiệp hội bị ảnh hưởng, nhất là kế hoạch tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề về lĩnh vực y tế tư nhân phải tạm hoãn. Dịch Covid-19 cũng đã tác động đến hoạt động KCB của các đơn vị hội viên.
  • Do việc phê duyệt điều lệ của Bộ Nội vụ có chậm nên ảnh hưởng đến việc ban hành các văn bản liên quan như Quy chế hoạt động Hiệp hội, Phân công nhiệm vụ của các đồng chí Ủy viên BCH.
  • Cán bộ Hiệp hội chủ yếu là các chủ doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực y tế, đều kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo hội nên thời gian dành cho công tác hội có phần hạn chế, gặp khó khăn cho việc triển khai một số nhiệm vụ.
  • Một số hội viên chưa tích cực tham gia hoạt động hội, chưa gương mẫu trong hội họp, đóng góp hội phí, kinh phí xây dựng hội; chưa nghiên cứu sâu các cơ chế, chính sách, khó khăn vướng mắc chung của lĩnh vực y tế để tham gia đóng góp ý kiến cùng với Ban thường trực, Ban chấp hành Hội xây dựng tiếng nói chung, xây dựng hoạt động hội đoàn kết, vững mạnh.
  • Hoạt động liên kết, hỗ trợ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý bệnh viện, KCB giữa các hội viên chưa được thường xuyên.
  • Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu được huy động từ nguồn tài trợ của số ít lãnh đạo Hiệp hội nên gặp khó khăn trong hoạt động.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU NHIỆM VỤ NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2020

Phát huy những kết quả đạt được, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam quyết tâm vượt qua khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động, tăng cường các hoạt động của hội theo hướng bảo vệ quyền lợi cho hội viên, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, là cầu nối tin cậy giữa các hội viên với Quốc hội, Chính phủ, UBTW MTTQ Việt Nam, Phòng Công nghiệp – Thương mại Việt Nam, các Bộ, ngành TƯ và các cấp chính quyền địa phương trong cả nước.

  1. Phấn đấu 100% hội viên được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và địa phương.
  2. Tham gia đầy đủ và có hiệu quả các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn liên quan đến cơ chế, chính sách về lĩnh vực y tế, BHYT, về phát triển doanh nghiệp, thực hiện tốt chức năng đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
  3. Tiếp tục tham gia góp ý dự thảo Luật KCB, Luật BHXH theo hướng có lợi cho cơ sở KCB , đặc biệt những vấn đề liên quan đến thanh quyết toán BHYT, cải cách hành chính trong cơ sở y tế, tạo sự công bằng giữa công tư trong hoạt động KCB…
  4. Phối hợp với Bộ y tế, BHXH tổ chức chương trình phối hợp hoạt động nhằm tạo sự gắn kết, hợp tác giữa y tế tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước.
  5. Tổ chức và phối hợp tổ chức được từ 2-3 hội nghị, chương trình tư vấn, hỗ trợ hội viên; tổ chức được ít nhất 1-2 chuyến thăm quan, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong hội.
  6. Phấn đấu có 100% hội viên đăng ký tham gia các phong trào thi đua do Hiệp hội, Cụm thi đua lĩnh vực y tế phát động; hơn 70% hội viên tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện.
  7. Tích cực tuyên truyền kết nạp thêm nhiều hội viên mới; Thường xuyên kiểm tra củng cố tổ chức Hiệp hội, Ban chấp hành Hiệp hội, nội bộ Hiệp hội đoàn kết chặt chẽ; chủ động phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ, UBTW MTTQ Việt Nam, Phòng Công nghiệp – Thương mại Việt Nam, các Bộ, ngành TƯ và các cấp chính quyền địa phương … về lĩnh vực y tế.
  8. Tuyên truyền, phổ biến đến hội viên thực hiện tốt công tác KCB phục vụ nhân dân, luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phụ vụ người bệnh, coi người bệnh như người thân của mình, gìn giữ phẩm chất đạo đức, y đức, 12 điều y đức của ngành y tế, 9 điều y huấn của Hải Thượng Lãn Ông, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy:“Lương y như từ mẫu”. Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, phát huy y thuật, khám chữa bệnh đạt hiệu quả cao không để xảy ra vi phạm.
  9. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, diễn đàn chuyên gia trao đổi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành, quản lý lĩnh vực y tế.
  10. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, trong đó phấn đấu đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho tập thể Hiệp hội; Bộ Y tế tặng Bằng khen cho các đơn vị hội viên có thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covidd-19.

Trên đây là kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020./.