Từ 01/01/2021, điều trị nội trú trái tuyến tỉnh được hưởng 100% mức đúng tuyến
Chính sách này được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014:
Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến với tỷ lệ như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (hiện nay chỉ được thanh toán là 60%);
- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, tất cả người dân tham gia BHYT, khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Đồng nghĩa với đó, người bệnh có thể điều trị nội trú ở bất kì tỉnh thành nào trên cả nước cũng đều được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh như trường hợp đúng tuyến.
Việc triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT trong thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân và tạo ra sự cạnh tranh bằng chất lượng cho các cơ sở y tế, với mục tiêu cao nhất là thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT cũng đồng nghĩa với việc người bệnh có quyền được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh tốt nhất để điều trị. Điều đó đòi hỏi những cơ sở khám, chữa bệnh trước đây trông chờ vào số bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh. Đồng thời đây cũng là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ nhằm thu hút bệnh nhân. Và điều quan trọng hơn, bệnh nhân vẫn là người hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ được tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Thực tế, vẫn còn một số tư tưởng lạc hậu cho rằng thông tuyến sẽ gây áp lực và gây nên tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến trên, nhất là ở các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao….Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau hơn 3 năm triển khai thông tuyến huyện, quy định thông tuyến đã thúc đẩy chất lượng KCB của các cơ sở y tế tuyến huyện; buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ. Đối với chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT. Điều đó cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc thông tuyến, làm gia tăng tính phát triển tại các cơ sở KCB tuyến dưới.
Do vậy, thực hiện lộ trình thông tuyến tỉnh từ ngày 01/1/2020 là bước tiến quan trọng trong đổi mới tư duy trông chờ, ỷ lại, chất lượng phục vụ của ngành y tế Việt Nam. Quy định này đã tạo ra áp lực đối với các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện hạng 3 tuyến huyện. Chính vì vậy, để thu hút người dân đến KCB, bắt buộc các cơ sở y tế phải tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.