Ngày 06/01/2021 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Y tế toàn quốc nhằm đánh giá những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển của toàn Ngành trong thời gian tới. Hơn 500 đại biểu của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương tham dự Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân, công tác y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bộ Y tế đã đạt được những mục tiêu như:
– Thực hiện đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020: (1) số giường bệnh trên vạn dân giao 28, đạt 28; (2) tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế giao 90,7%, đạt 90,85%. Đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020.
– Thể chế, tổ chức, quản lý nhà nước về y tế tiếp tục được cải thiện:
Đã trình và được Quốc hội thông qua ngay trong một kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ ban hành 04 Nghị định và 01 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 Chỉ thị và 21 Quyết định, trong đó có nhiều chính sách quan trọng đối với ngành Y tế. Hoàn thành kết nối 85 thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế và 31 thủ tục hành chính với Cổng thông tin một cửa quốc gia…
– Về y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe Nhân dân: Đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước. Làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Đồng thời, chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bệnh bạch hầu ở khu vực Tây nguyên, bệnh Whitmore ở miền Trung, bệnh sốt mò ở một số tỉnh miền Bắc, không để xảy ra “dịch chồng dịch”…
– Đẩy mạnh triển khai Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới: Đổi mới hoạt động của y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tổng thể hoạt động trạm y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe là 23,9% năm 2019, ước 45,6% năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã triển khai dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng, 73,7% năm 2019, ước đạt 80,6% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở được nâng lên thông qua tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
– Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến: Ứng dụng thành công các kỹ thuật mới, tiên tiến: Bệnh viện Nhi đồng Tp.Hồ Chí Minh thực hiện ca đại phẫu tách hai bé gái dính liền phần bụng chậu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng trong 13 ngày. Đẩy mạnh áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh: bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa, đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước. Tiếp tục ban hành các hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị, trong đó có COVID-19, Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú tăng từ 74,8% năm 2018 lên 78,9%.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, toàn ngành Y tế đã nỗ lực thực hiện các giải pháp về dân số và phát triển, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2020 là 73,7 tuổi (tăng 0,1 tuổi so với năm 2019), duy trì 14 năm liên tiếp từ năm 2006 đạt mức sinh thay thế; Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm tử vong bà mẹ, trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; Triển khai thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê ngày 25/12/2019; Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân tăng cường trao quyền tự chủ, phân cấp cho các đơn vị nhưng có kiểm soát về khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhân lực làm việc tại các cơ sở xã hội hóa; Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ y tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh, giám định thanh toán BHYT.
Lĩnh vực hội nhập y tế quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đại dịch toàn cầu, ngành Y tế đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế nghiên cứu, triển khai, hoàn thiện phác đồ điều trị, nghiên cứu vắc xin, kêu gọi hỗ trợ vật chất, trang thiết bị y tế cần thiết; Công tác thông tin, báo chí, truyền thông hoạt động y tế đạt kết quả cao, góp phần củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với ngành Y tế.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết thêm: Năm 2020 cũng là một năm cải cách mạnh mẽ và có nhiều điểm nhấn của ngành Y tế, trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, dự phòng, dân số, khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế.
Về lĩnh vực khám chữa bệnh, chỉ trong 45 ngày, Ngành đã kết nối thành công 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa. Hiện đã có hơn 1.500 điểm cầu kết nối. Đề án đã phát huy hiệu qủa, cứu sống nhiều bệnh nhân ở cơ sở.
Là một trong hai bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia; ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19; Việt Nam đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, như tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19, chẩn đoán điều trị COVID-19 từ xa.
Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với dữ liệu trong các lĩnh vực: 62.438 dược phẩm, 28.000 trang thiết bị – vật tư y tế, 93.253 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ; Mạng Y tế Việt Nam (mạng nội bộ kết nối 100% cán bộ y tế toàn quốc)
Mạng Y tế cơ sở – V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã); 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội thành lập trong 5 tháng để chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh không dùng giấy. Năm 2020 ngành Y tế thực hiện những tiền đề quan trọng để vận hành nền y tế thông minh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, trong năm qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, khám chữa bệnh, giám định thanh toán BHYT, hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.
100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện; nhiều bệnh viện đã ứng dụng bệnh án điện tử; sử dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, nhiềubệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim. Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa – Telemedicine, kết nối vạn vật y tế – IoMT. Bộ Y tế được xếp hạng thứ 4 về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm 2021, ngành Y tế tiếp đối mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn
Về nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân; Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh phục vụ người dân hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành Y tế; Ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới; Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế để nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của y tế Việt Nam…
Tại Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, trong quý 1/2021, Bộ Y tế sẽ cố gắng trình Chính phủ Nghị định của Chính phủ về vấn đề xã hội hoá, liên doanh liên kết.
Ngành Y tế cũng dự kiến trình sửa đổi hai bộ luật quan trọng là Luật bảo hiểm y tế sửa đổi và luật Khám chữa bệnh, lập quy hoạch tổng thể (tất cả hoạt động của ngành, đào tạo nguồn nhân lực…), tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm tới.
Trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phục vụ người dân tốt hơn của ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay sẽ đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cả về chuyên môn nghiệp vụ và y đức. Trong đó, ngành Y tế lựa chọn khâu đột phá trong thi cấp chứng chỉ hành nghề y dược phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia. Xây dựng ngân hàng dữ liệu đề thi chuẩn bị chi thi cấp chứng chỉ hành nghề khi Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực.
Ngành Y tế sẽ thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế.
Cùng đó, xây dựng và triển khai Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn (cho 28 tỉnh), Đề án tổng thể tăng cường năng lực cán bộ y tế cơ sở, mục tiêu đến 2025 đảm bảo cơ bản nhân lực cho vùng sâu, vùng xa và đến năm 2030 đảm bảo đủ nhân lực.
Đặc biệt, ngành Y tế chú trọng nâng cao đạo đức ngành Y thông qua việc giáo dục y đức, tinh thần cống hiến, phục vụ Nhân dân đối với cán bộ viên chức ngành Y, nhất là lớp thầy thuốc trẻ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế.
Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành Y tế với các chương trình như hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh (hồ sơ sức khỏe điện tử, theo dõi, cảnh báo dịch bệnh, ứng dụng cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe…), hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh (khám chữa bệnh trực tuyến, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…), hệ thống quản trị y tế thông minh (quản lý, điều hành điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thống kê y tế điện tử, cơ sở dữ liệu y tế quốc gia)…
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ trưởng Chính phủ cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, Nhân dân để tiếp tục hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân./.
Nguồn: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-nam-2021-nganh-y-te-tiep-oi-moi-manh-me-toan-dien-e-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon