Chưa từng khoác lên người tấm áo blouse trắng, nhưng với y bác sỹ và bệnh nhân của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và với nhiều người, trong lồng ngực của Luật sư Phạm Văn Học là nhịp đập của trái tim một lương y chân chính.
Lẽ thường, khi viết về chủ đề Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, cánh phóng viên chúng tôi thường tìm viết về những y bác sỹ, hoặc đơn vị y tế có thành tích điển hình. Nhưng năm nay, tôi lại rất ấn tượng và muốn viết về Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) – người không trực tiếp khoác áo blouse trắng, nhưng mang trái tim của một vị bác sỹ có tâm – đức – tài, người thắp sáng và truyền giữ ngọn lửa y đức cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.
Lựa chọn lẽ sống
Sinh năm 1969 tại vùng quê nghèo của xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, từ nhỏ, mỗi khi được theo cha mẹ đến trạm y tế xã, không hiểu sao, cậu bé Học đã rất yêu mến màu áo trắng của các y bác sĩ nơi đây. Trong tâm trí non nớt, đơn thuần của một đứa trẻ, hình bóng ấy là cả một sự ngưỡng mộ: các bác sĩ rất giỏi và làm công việc cao cả là cứu người. Nhưng ước mơ theo đuổi ngành y đành gác lại trước cánh cửa đại học, vì cuối những năm 80, ở một tỉnh miền núi, thiếu thông tin và do không được định hướng, để mãi gần đến lúc thi, anh Học mới biết rằng khối cần thi vào y là Toán – Hóa – Sinh, trong khi bản thân lại Văn ôn, Sử luyện suốt những năm học cấp 3.
Gia đình từng có va vấp kiện tụng, bị xử thua một cách ấm ức nên lúc ấy, trong tình thế không thể xoay chuyển từ môn xã hội sang học khối tự nhiên, chàng trai Phạm Văn Học đăng ký thi ngành luật. Dẫu không phải là niềm đam mê từ nhỏ, nhưng anh có niềm hy vọng đẹp đẽ là sẽ trở thành một người đem lại sự công bằng cho xã hội. Luật sư Học đã mang mong muốn ấy đi trên một chặng đường dài gần 20 năm, bước thận trọng trong lặng lẽ, nhưng có đôi lúc bất đắc chí, bởi thấu hiểu những éo le và mặt trái mà ngành nào cũng có, nhiều đêm thở dài bởi lực bất tòng tâm.
“Những nỗi đau thường làm người ta tỉnh. Nếu không có những cú sốc ám ảnh trong đời về y tế, có lẽ tới giờ, tôi vẫn là một luật sư công tác ở Viện Kiểm sát Đoan Hùng, sống cuộc đời ít khó khăn, biến động”, ông Học ngậm ngùi…
Một đêm mùa đông năm 1988 rét cắt da, cắt thịt, trắng đêm thức trông theo từng giọt nước truyền vào người bố bị tai biến, cậu sinh viên luật đã trải qua những giây phút lo lắng đến nghẹt thở khi người bố của mình có những cơn giật. Tưởng bố bị sốc, anh vội vã lao đi đập ầm ầm vào cửa phòng bác sĩ trực trong sợ hãi. Nhưng phải đến gần chục phút, bác sĩ mới dậy mở cửa và thủng thẳng ra xem bệnh nhân. Sau đó, khi kết luận bố anh không phải bị sốc do truyền thuốc mà chỉ là phản ứng bình thường của người hôn mê khi truyền, vị bác sĩ đã không tiếc lời mắng mỏ anh. Những lời chửi bậy với ánh mắt giận giữ của vị bác sĩ đêm đó đã ám ảnh ông đến tận bây giờ.
Mấy năm sau thì bố mất, rồi tiếp tục lại đến mẹ bị tai biến, người thân họ hàng bị hết bệnh này, bệnh nọ… Rồi sau này, khi đi làm, ông phải thực hiện công việc khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông, các vụ án mạng khác và thường xuyên phải ra vào các viện, để rồi chứng kiến quá nhiều sự việc không thể chấp nhận được của đội ngũ y bác sĩ, nỗi đau cứ thế chất chứa và thôi thúc khao khát trong ông, phải có một cơ sở y tế mà ở đó, lương y phải thực sự như từ mẫu. Mặc dù có những thất vọng, nhưng bóng dáng chiếc áo blouse trắng và đẹp đẽ của ký ức thơ ấu vẫn thấp thoáng, ông vẫn tin tưởng vào những mặt tích cực, thêm động lực và niềm tin để bắt đầu bước chân vào con đường mang tên y tế.
Bỏ một công việc nếu bằng lòng có thể gọi là “tạm ổn” để khởi nghiệp vào tuổi đã qua nhiều va vấp, ở một môi trường hoàn toàn mới, lại liên quan đến tính mạng con người, nhiều người sẽ cho là là liều lĩnh, ngông cuồng. Nhưng với Luật sư Học, đó là lựa chọn lẽ sống.
“Khi bắt đầu xây dựng cơ sở y tế đầu tiên năm 2005 là phòng khám ở Cẩm Khê, tôi ở trạng thái 3 không: Không có mối quan hệ, không có tiền và cũng chẳng có kinh nghiệm. Thứ duy nhất tôi có là nhiệt huyết. Thật không may mắn, tôi đóng cửa phòng khám sau đó chỉ vài tháng. Năm 2006, tôi mở tiếp phòng khám ở Yên Bái và tự đánh giá là hoạt động tốt, nhưng sau đó tôi chuyển giao cho người khác. Mọi người nghĩ tôi thất bại, nhưng với tôi, đó chính là thành công, vì rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm giá trị, kết giao được những mối quan hệ cùng “tần số”, nhiệt huyết và niềm tin cũng lên một tầm mới, nên thứ duy nhất tổn thất là kinh tế, mà người đời có câu “mất tiền là chẳng mất gì”, bởi so những điều trân quý tôi có được, đâu thể đong đếm bằng tiền” – ông Phạm Văn Học chia sẻ.
Niềm tin là thế, nhưng con đường xây dựng để có được bệnh viện Hùng Vương khang trang và được nhân dân tin yêu như hiện nay, cũng không hề đơn giản.
Tâm sáng tạo niềm tin
Khi niềm tin đã đủ lớn, ông đã bàn với người em thân thiết của mình là ông Trần Liên Việt (hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị), để thành lập Công ty TNHH Phát triển Y Học Việt, đơn vị chủ quản của Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương. Lẽ thường, khi muốn thuyết phục người khác về một dự án, người ta phải đưa ra phần tươi sáng nhất, những lộ trình thuận lợi hứa hẹn kết quả rực rỡ nhất, lợi nhuận tối ưu nhất. Ông Học thì ngược lại. Như con tằm đã chắt chiu tích lũy đủ thời gian để chờ ngày nhả kén, chỉ trong hai đêm, ông đã hoàn thành “Đề án xây dựng bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương” với hơn hai mươi trang giấy.
Nhưng đề án chỉ tập trung vào việc chỉ ra những kinh nghiệm để khắc phục phần yếu, phần khó khi triển khai xây dựng và cam kết mạnh mẽ về giá trị cốt lõi của một bệnh viện thực sự đề cao “con người” và lấy bệnh nhân làm trọng tâm. Lợi ích được đề cập đến, trên hết, chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ông Học chia sẻ, ngay khi dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương được phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng rộng hơn 2,3 ha cũng chỉ trong đúng 3 ngày.
“Nhà, xe vào ngân hàng. Nhà, đất hai bên nội ngoại anh em bạn bè… cũng đều vào ngân hàng. Mà chắc thấy mình tâm huyết quá nên ai cũng ủng hộ, người ta dốc lòng cho mình vay hết của người ta đã đành, thậm chí còn đi vay hộ nữa… Bao nhiêu người ủng hộ mình như vậy, quý hóa như vậy, nên tôi càng quyết tâm, đó là sức ép nhưng cũng là động lực buộc tôi phải làm đâu ra đấy”, ông Học khẳng định.
Bệnh viện không khẩu hiệu y đức
“Các bạn đi khắp viện tìm thử xem chúng tôi có khẩu hiệu nào kêu gọi “Lương y như từ mẫu” hay “Thầy thuốc như mẹ hiền” không? Khẩu hiệu treo tường để làm gì, khi điều đó đã được mặc định? khi những bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã được thấm nhuần tư tưởng: “coi bệnh nhân như người thân”, được giáo dục y đức xuyên suốt, là thường trực trong tim, trong đầu, trong từng phát ngôn, cử chỉ?”. Không ngẫu nhiên mà ông Học có thể tự tin phát biểu như vậy, bởi đó là “trái ngọt” của một quá trình bồi dưỡng, vun đắp từ những ngày đầu đặt viên gạch xây lên bệnh viện.
Ông Học rất tâm đắc với câu “Tâm sáng mới dụng được người tài”, “tâm có sáng thì trí mới minh”, “tâm sáng thì mới tạo được niềm tin”…, bởi vậy ông luôn coi con người là yếu tố tiên quyết. Là người cẩn trọng và tinh tế, ông Học phát hiện ra rằng, chính điều dưỡng mới là người tiếp xúc gần gũi và chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ và tác động đến tư tưởng, tình cảm của bệnh nhân nhiều nhất. Do đó, trong hai năm đầu, song song với công tác xây dựng cơ sở vật chất bệnh viện, thuyết phục và tuyển chọn những bác sĩ “vừa hồng vừa chuyên”, ông đã tuyển chọn 40 điều dưỡng để gửi đi đào tạo nâng cao theo tiêu chuẩn mới. Bên cạnh đó, các hoạt động tìm kiếm nguồn cung cấp máy móc, trang thiết bị y tế và tìm các giải pháp xử lý những tình huống khó cũng được nghiên cứu thực hiện. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt, khi chính thức khánh thành ngày 28/09/2010, mọi hoạt động của bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã được diễn ra thông suốt, nhất quán và thuận lợi ngay từ những ngày đầu tiên. Sức thu hút của bệnh viện còn nằm ở chỗ, bệnh viện đã thực hiện được những kỹ thuật khó mà trước đó tại địa bàn chưa có đơn vị nào có thể làm được.
Trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã khẳng định uy tín và vị thế điểm sáng y tế của cả vùng: là bệnh viện tư nhân đầu tiên trong cả nước trở thành Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung Ương và tham gia vào Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai; liên kết, hợp tác với nhiều bệnh viện lớn trên thế giới…. Hiện bệnh viện có 13 khoa, 10 phòng với hơn 160 bác sỹ, 270 điều dưỡng, gần 50 kỹ thuật viên… Bệnh viện cũng mới thành lập thêm hai phòng khám vệ tinh, một ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và một ở xã Châm Mộng, huyện Đoan Hùng, sẽ được Khai trương đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 này. Đặc biệt, ngày 08/02/2021, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ra văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Gia Lai có quy mô thiết kế 300 giường bệnh với tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH Phát triển Y Học Việt là chủ đầu tư chính.
Song song với công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bệnh viện cũng chú trọng đến các công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cán bộ nhân viên để họ yên tâm gắn bó và cống hiến. Thường xuyên hỗ trợ cộng đồng bằng việc tổ chức các hoạt động kết nối yêu thương, lan tỏa giá trị sống, như các đợt khám bệnh miễn phí, phát động các phong trào tặng quà, tặng suất ăn từ thiện; miễn phí vận chuyển 24/24 cho các trường hợp bị tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn Đoan Hùng, miễn hoặc giảm một phần viện phí cho các trường hợp bệnh nhân khó khăn… Bệnh viện còn nhận nuôi dạy trẻ mồ côi, sản xuất thực phẩm sạch để phục vụ các bữa ăn tại viện, hệ thống siêu thị sữa và thực phẩm chức năng nhập khẩu 100% từ các hãng nổi tiếng và uy tín trên thế giới…
Với những thành tích đạt được dưới sự điều hành của Ban lãnh đạo, mà người đứng đầu là luật sư Phạm Văn Học, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã vinh dự được nhận 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, trong tháng 12/2021, ông Phạm Văn Học đã đại diện cho bệnh viện đa khoa Hùng Vương dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
“Bí quyết thành công đối với tôi không hẳn mối quan hệ, tài chính, mà chính là niềm tin và sự đoàn kết, đồng thuận của cả tập thể. Mình phải truyền được tư tưởng, tâm huyết và mong muốn cống hiến cho cộng sự, thì mới có thể đưa bệnh viện ngày càng phát triển vững mạnh. Vì vậy, thứ quý giá nhất đối với chúng tôi chính là nụ cười, là sức khỏe của người bệnh”, ông Học khẳng định.
Chưa từng khoác lên người tấm áo blouse trắng, nhưng với y bác sỹ và bệnh nhân của Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và với nhiều người, trong lồng ngực của Luật sư Phạm Văn Học là nhịp đập của trái tim một lương y chân chính.
Nguồn: https://baotintuc.vn/benh-vien-bac-si/ky-niem-ngay-thay-thuoc-viet-nam-272-luat-su-co-trai-tim-bac-si-20210226085734386.htm