Chỉ 1 ngày, có thêm 92.445 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại 56 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Hiện cả nước có 425.638 người được tiêm vaccine ở nước ta. Người được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Trong số gần 92.500 người được tiêm hôm qua 28/4 tại 56 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, địa phương triển khai tiêm số lượng lớn nhất là TP HCM với 11.107 người; Nghệ An: 9.507 người; Hải Dương: 7.840 người; Bắc Giang: 4.085 người; Hà Nội: 3.765 người…
Bộ Công an ngày hôm qua cũng triển khai tiêm vaccine cho 2.418 người thuộc nhóm vaccine từ nguồn đợt 1.
Hơn 425.000 người Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tính từ 18h ngày 28/4 đến 6h ngày 29/4, Việt Nam không phát hiện ca mắc mới COVID-19. Tổng số ca mắc vẫn là 2.865. Cả nước hiện đang cách ly phòng dịch cho hơn 38.000 người.
Về tình hình điều trị, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết số ca khỏi bệnh ở nước ta đã hiện là 2.516/2.865; 35 ca tử vong; 4 ca tử vong sau khi âm tính từ 3 – 4 lần. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 48 người đã chuyển âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-3 lần.
Thế giới tới sáng 29/4 ghi nhận tổng cộng hơn 150 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 3,1 triệu ca tử vong. Có gần 18,7 triệu bệnh nhân đang điều trị tích cực và hơn 110.000 ca nguy kịch.
Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do đại dịch COVID-19 gây ra khi số ca mắc mới được ghi nhận ở mức cao kỷ lục và số ca tử vong vượt mốc 200.000. Các chuyên gia lo ngại số ca mắc COVID-19 thực tế ở nước này có thể cao gấp 30 lần con số báo cáo, lên hơn nửa tỷ người.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, đến nay biến thể B.1.617 có nguồn gốc tại Ấn Độ đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gene có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 17 nước.
Việt Nam có hai cơ sở đang triển khai giải trình tự gene để xác định biến chủng virus từ mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh từ Ấn Độ trong thời gian gần đây, đó là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương. Dự kiến trong tuần này sẽ có kết quả.
Bộ Y tế vừa ra mắt Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế – làm Trưởng ban; PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh làm Phó Trưởng Ban thường trực.
Các thành viên còn lại là lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế, các chuyên gia lĩnh vực hồi sức cấp cứu, bệnh truyền nhiễm, dịch tễ… của Bộ Y tế.
Ban chỉ đạo còn có Tiểu ban Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng do GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam – làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức xử trí sự cố bất lợi sau tiểm chủng vaccine phòng COVID-19 do GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức Cấp cứu và chống độc Việt Nam – làm Trưởng Tiểu ban. Nhóm chuyên gia tư vấn có đại diện của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Võ Thu