Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam ra đời để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các bệnh viện ngoài công lập. Bởi, tất cả đội ngũ, y bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện tư nhân luôn ý thức được rằng: bệnh viện hay cơ sở khám chữa bệnh đều là những nơi chăm sóc sức khỏe cho con người – dù đó là bệnh viện công hay bệnh viện tư – ông Nguyễn Văn Đệ, tân Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam (nhiệm kỳ 2014 – 2019) chia sẻ với VietnamPotentials.
(Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam (nhiệm kỳ I, 2014-2019))
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế từ nhiều năm nay, ông có nhận xét và đánh giá như thế nào qua 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế?
Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế của Đảng, nhà nước, cùng với sự hỗ trợ, quan tâm về cơ chế, chính sách từ Trung ương đến địa phương, nhiều doanh nhân có tâm huyết đã tin tưởng, tích cực, chủ động bỏ vốn hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng bệnh viện, chia sẻ trách nhiệm với hệ thống bệnh viện công, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh. Vì vậy đến nay khối bệnh viện tư nhân không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn toàn quốc đã có 170 bệnh viện tư nhân, Trong đó nhiều bệnh viện quy mô lớn từ 400 – 500 giường bệnh được đầu tư trang thiết bị hiện đại, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, chu đáo, điều đó góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân như bệnh viện Vinmec, ICTO, Hoàn Mỹ, Hợp Lực, Triều An… với tổng số khoảng 45.000 giường nội trú, tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện tư nhân cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế, phát triển nguồn nhân lực; có nhiều cơ chế đãi ngộ đặc biệt để thu hút đông đảo đội ngũ các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa II, chuyên khoa I giàu kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức… nhằm phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh.
Hiện nay, một số bệnh viện đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật cao như: can thiệp tim mạch, mổ não, cột sống, lồng ngực, nuôi cấy tế bào gốc… cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà trước đây phải chuyển lên tuyến Trung ương, giảm đáng kể chi phí đi lại, ăn ở, điều trị cho bệnh viện tuyến trên.
Có thể khẳng định chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về y tế đã huy động được các nhà đầu tư, giảm đáng kể nguồn ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động y tế; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Ngoài ra, việc các bệnh viện tư nhân ra đời cũng làm thay đổi nhận thức, thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y, bác sĩ khối bệnh viện công lập. Kết quả 10 năm thực hiện xã hội hóa về y tế đã khẳng định chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn và rất thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp 2014, ông đã phát biểu và nêu lên những khó khăn, bất cập mà khối bệnh viện tư nhân gặp phải khiến cho nhiều bệnh viện phải ngừng hoạt động. Theo ông đâu là những nguyên nhân chính?
Đó là một số chính sách sau đầu tư chưa theo kịp với sự phát triển của công tác khám chữa bệnh và nhu cầu, lợi ích của người bệnh. Đặc biệt, nhiều chủ trương, chính sách củaNhà nước, bộ, ngành chỉ đề cập đến các bệnh viện công mà ít phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi đến khối bệnh viện tư. Trong khi hầu hết các chủ trương, chính sách quy định đối với bệnh viện công nhưng khối bệnh viện tư vẫn phải thực hiện nên có nhiều khó khăn, bất cập.
Các chính sách quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động của bệnh viện như: chính sách phân thẻ BHYT, chuyển tuyến, xếp hạng bệnh viện, chính sách đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, chính sách đào tạo, khám chữa bệnh cho người nghèo, khám, giám định bệnh tật, dị dạng có liên quan đến phôi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, thanh quyết toán BHYT, tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ còn nhiều bất cấp.
Các bệnh viện tư đang làm việc dưới tải nhưng lại không có chuyện bệnh viện công chuyển bệnh nhân sang bệnh viện tư. Hơn nữa nhiều bệnh viện công muốn quá tải để xin đầu tư, mở rộng, nâng cấp, mua sắm thiết bị… vì tất cả quá trình đó đều sinh ra lợi nhuận, thậm chí cả lợi ích cá nhân.
Bệnh viện tư nhân rất cần sự phối hợp chuyên môn của các bác sỹ giỏi, có chuyên môn sâu hiện đang làm việc tại các bệnh viện công để thực hiện những ca mổ khó mà phạm vi chuyên môn bệnh viện tư chưa đảm nhiệm được. Tuy nhiên, cơ chế này đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt trong thủ tục hành chính. Mặt khác ở một số ngành có một bộ phận công chức có tư tưởng, quan điểm phân biệt đối xử không đúng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư.
Có một thực tế là cho dù được đầu tư rất lớn cả về quy mô lẫn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhưng hiệu suất sử dụng của một số bệnh viện tư chưa đạt như kỳ vọng; việc nắm bắt và chấp hành chính sách, pháp luật còn chưa kịp thời.
(Nhiều bệnh viện tư nhân hiện nay có quy mô lớn từ 400-500 giường bệnh như Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực Thanh Hóa)
Và đây chính là lí do để ra đời Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, thưa ông?
Ngay từ đầu bước vào lĩnh vực y tế, tôi cũng đã tự đặt ra được những khó khăn và thuận lợi cho chính mình, liệu khi đầu tư xây bệnh viện lớn như vậy mình có giữ và duy trì được nó hoạt động hay không?. Thành lập bệnh viện tư đã khó, nhưng giữ được còn khó hơn nhiều. Và nếu các bệnh viện tư không thể tồn tại như trong tình hình hiện nay thì sẽ gây lãng phí lớn về tài sản và tiền bạc của xã hội.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước, của ngành y tế, đòi hỏi khối bệnh viện tư nhân phải không ngừng đổi mới về mọi mặt, đặc biệt là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh sự quản lý của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, Sở Y tế và chính quyền các địa phương thì cũng rất cần một tổ chức Hiệp hội ra đời để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hội viên. Đây là cầu nối giữa các bệnh viện tư với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ địa phương đến Trung ương. Thông qua tổ chức Hiệp hội, các bộ ban ngành từ Trung ương đến địa phương nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn để có những chính sách điều chỉnh hợp lí, kịp thời.
Nói như vậy thì Hiệp hội bệnh viên tư nhân Việt Nam đã trở thành “mái nhà chung” cho các hội viên?
Đúng vậy. Sự ra đời của Hiệp hội bệnh viện tư nhân không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của ngành y tế ngoài công lập, mà còn trở thành “mái nhà chung” để các hội viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm đầu tư, quản lý bệnh viện, nâng cao nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, giáo dục y đức, hỗ trợ nâng cao hoạt động và chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời tạo sự đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Nguồn: http://www.thegioianh.vn/