Cần xóa bỏ” Rào cản” trong KCB tại khối bệnh viện tư nhân

Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, khối bệnh viện tư nhân đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Song, hiện vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BVTN Việt Nam.

Thứ nhất, trong lĩnh vực phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung danh mục kỹ thuật dành cho khối Bệnh viện tư nhân (BVTN), Chính phủ nên giao thẩm quyền phê duyệt cho Sở Y tế, thay vì giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế phụ trách. Quy định này không còn phù hợp, tạo ra sự phân biệt “con nuôi- con đẻ”. Cụ thể, cùng một dịch vụ kỹ thuật, bệnh viện công lập được Sở Y tế địa phương phê duyệt, nhưng BVTN phải trình lên Bộ trưởng Bộ Y tế?

Đáng nói hơn, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật đối với BVTN đã gây phiền hà, tốn thời gian, công sức, thậm chí tạo cơ chế “xin -cho”. Với những quy định trên, quy trình này sẽ phải kéo dài trong nhiều tháng, gây hàng loạt khó khăn, dẫn đến bức xúc, áp lực cho các BVTN, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động, doanh thu của họ.

Thứ 2, quy định về nguyên tắc hai bước “Áp dụng thí điểm và áp dụng chính thức” đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới trong hoạt động KCB. Quy định này chỉ nên áp dụng một quy trình thẩm định duy nhất là áp dụng chính thức hoặc áp dụng thí điểm đối với những phương pháp mới, kỹ thuật mới, lần đầu triển khai tại Việt Nam. Đồng thời giao Sở Y tế các địa phương thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Quy định này cho thấy thêm sự thiếu công bằng giữa khối Bệnh viện công lập và tư nhân trên cùng địa bàn. Vì nếu Sở Y tế có khả năng thẩm định, phê duyệt hồ sơ kỹ thuật mới, phương pháp mới của bệnh viện công lập hạng 1 tuyến tỉnh thuộc địa bàn, đồng nghĩa với việc Sở hoàn toàn có thể xem xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ tương tự cho khối BVTN hạng 3 tuyến huyện hoặc hạng 1, hạng 2 tuyến tỉnh cùng địa bàn.

Đoàn y, bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch Covid -19.

Theo phản ánh của một số BVTN, trong những năm qua, rất nhiều người nghèo bao gồm các nhóm đối tượng như: người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn; người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh hiểm nghèo khác, chi phí cao nhưng không đủ khả năng chi trả viện phí.

Những đối tượng này đều có thẻ BHYT hộ nghèo, điều trị nội trú tại BVTN, nhưng lại không được hưởng chính sách hỗ trợ một phần tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí KCB BHYT theo quy định. Việc công nhận kết quả khám, điều trị của bệnh viện tư nhân đối với người bệnh có bệnh, tật, dị dạng, dị tật (liên quan đến nhóm đối tượng phơi nhiễm chất độc da cam) cũng còn bất hợp lý.

Thêm một quy định rất bất hợp lý nữa dành cho các BVTN, đó là về thẩm quyền cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấp phép BVTN. Theo quy định hiện hành, tất cả các BVTN (bất kể lớn hay nhỏ, hiện đại hay không), khi có nhu cầu cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đều phải trình hồ sơ, thủ tục lên Bộ trưởng Bộ Y tế.

Quy định này đã gây không ít phiền hà, tốn thời gian, công sức và không loại trừ cả kinh phí “bôi trơn”. Để tháo gỡ những bất hợp lý trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BVTN Việt Nam cho biết. Mới đây, Hiệp hội đã gửi bản kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế phù hợp với thực tiễn. Hy vọng nó sẽ sớm được xem xét, tháo gỡ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, Hiệp hội BVTN Việt Nam trong thời gian qua đã có những việc làm thiết thực, quyên góp trên 600 triệu đồng ủng hộ cho công tác phòng chống dịch. Cùng với đó, sáng ngày 6/8/2021, đoàn y, bác sỹ, điều dưỡng viên của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực gồm 17 thành viên đã lên đường chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh. Được biết, sau đợt chi viện của Bệnh viện Hợp Lực, Hiệp hội BVTN Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thêm các đội tình nguyện, chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid 19.

Phương Giang