Ngày 26.8, tại Tp.Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự còn có các các chuyên gia y tế, chuyên gia pháp lý, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành Trung ương, các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Nam; đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Viêt Nam GS.TS Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên UB TW MTTQ Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội. GS Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hiệp hội, ông Trần Tiến Quân – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Lấy người bệnh làm trung tâm
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về một số nội dung như: hệ thống tổ chức khám, chữa bệnh; việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh; đánh giá chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh; cơ chế tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh; xã hội hóa, hợp tác công – tư trong khám, chữa bệnh; khám, chữa bệnh từ xa; giá dịch vụ khám, chữa bệnh…
“Ủy ban Xã hội xác định đây là dự thảo Luật tương đối khó, phức tạp do những vấn đề còn chưa thống nhất nêu trên là những vấn đề lớn, quan trọng, có chuyên môn sâu của ngành y tế, nhưng lại có liên quan đến các ngành khác nhau và đặc biệt là những nội dung thay đổi trong dự án Luật sẽ có tác động trực tiếp đến hàng trăm nghìn cán bộ y tế, hơn chục nghìn cơ sở khám chữa bệnh và đến hàng triệu người dân, người đi khám bệnh, chữa bệnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là đạo luật quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội nên Đảng, Nhà nước và Nhân dân rất quan tâm. Mục đích, yêu cầu khi sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh chính là triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, nhìn chung, dự thảo Luật đến nay đã có những thay đổi tích cực, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; chú trọng xử lý những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Quá trình xây dựng dự án Luật đã bám sát định hướng “lấy người bệnh làm trung tâm”, các giải pháp chính sách của dự thảo Luật cơ bản phù hợp, thể chế hoá cơ bản các chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
Quang cảnh hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá, hoạt động khám, chữa bệnh ở nước ta hiện nay nhìn chung có nhiều tiến bộ so với trước; dịch vụ y tế phát triển, nhiều kỹ thuật, phương pháp mới, tiên tiến được áp dụng; người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề như chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh còn thấp, nhất là tuyến cơ sở, quá tải trầm trọng ở tuyến trên…gây bức xúc trong nhân dân; tỷ lệ nhân lực y tế trên dân số còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, quản lý y tế có mặt còn yếu kém, nặng bao cấp, chậm đổi mới, nhất là các bệnh viện công lập.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn trong ngành y tế tập trung phân tích, góp ý, thảo luận 5 nhóm vấn đề về: thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh; quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh; hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.
Quy định cụ thể vai trò của cơ quan chủ quản
Tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặt ra, chuyên gia cho rằng, cần thống nhất quan điểm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý phát triển hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động phát triển cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản, hệ thống cấp cứu ngoại viện. Một số ý kiến đề nghị bổ sung ưu tiên kinh phí cho việc đầu tư các cơ sở y tế chuyên sâu để phát triển các kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội thảo
Về đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, một số ý kiến cho rằng, việc giao cho các tổ chức đánh giá, chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Người đánh giá chất lượng phải có chứng chỉ đánh giá phù hợp theo quy định của pháp luật. Đây là một bước tiến công bằng trong đánh giá chất lượng cơ sở y tế, tuy nhiên cần quy định cụ thể vai trò của Sở Y tế, Bộ Y tế là cơ quan chủ quản của các cơ sở y tế trong việc đánh giá chất lượng.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Sau phiên góp ý tổng thể đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chiều nay, hội thảo sẽ thảo luận chuyên đề về xã hội hoá và đầu tư theo phương thức đối tác công – tư trong khám, chữa bệnh.
(Theo Báo Đại biểu nhân dân)