NHỮNG KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU TRONG LUẬT BHYT VÀ LUẬT ĐẦU TƯ

Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam được mời tham dự Hội nghị do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức. Thay mặt Ban chấp hành,Tôi xin trân trọng cảm ơn UB các vấn đề xã hội của Quốc hội trong thời gian qua luôn quan tâm, theo dõi và chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập đối với khối bệnh viện tư nhân Việt Nam. Hiệp hội đã kiến nghị Chính Phủ, Bộ Y tế xem xét, giải quyết 8 chính sách có liên quan đến hoạt động của khối bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các kiến nghị của Hiệp hội vẫn chưa được giải quyết. Hiệp hội xin báo cáo cụ thể như sau:

  1. Về khám, chữa bệnh vào ngày lễ và ngoài giờ

Sau khi ban hành Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 Hiệp hội nhận thấy quy định tại khoản 5 Điều 13 là chưa phù hợp, Hiệp hội đã kiến nghị Bộ y tế và Chính phủ cho sửa đổi. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ y tế, nhưng mãi đến ngày 02 tháng 7 năm 2015 là sau 7 tháng được Bộ y tế, Bộ Tài chính sửa đổi, tại Thông tư số 16/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 2/7/2015). Tuy nhiên đến ngày 1/9/2015 thông tư mới có hiệu lực, Như vậy Thông tư sau khi ban hành phải mất 60 ngày mới có hiệu lực. Việc sửa đổi Thông tư đã chậm trễ, lại kéo dài thời gian thi hành là điều bất cập, gây khó khăn cho khối y tế tư nhân. Trong khi khối y tế tư nhân đang rất cần sửa đổi điều này để phục vụ nhân dân BHYT. Rõ ràng các ngành chức năng vẫn chưa khắc phục được sự chậm trễ trong việc ban hành, sửa đổi văn bản, tính cầu thị vì người dân vì doanh nghiệp chưa được đề cao làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở, quyền và lợi ich chính đáng của nhân dân.

  1. Về mua thuốc, vật tư y tế theo Điều 52 Luật đấu thầu

Theo quy định tại Điều 52 Luật Đấu thầu nếu các cơ sở tư nhân không áp dụng theo Luật thì được thanh toán từ nguồn BHYT  theo đúng mặt hàng thuốc, VTYT đã trúng thầu trên cùng một địa bàn. Nhưng đến nay Luật đã có hiệu lực gần một năm nhưng không có Bộ, ngành nào hướng dẫn thực hiện. Hiệp hội đã gửi văn bản đến Bộ y tế, BHXH Việt Nam đề nghị hướng dẫn và được Bộ y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời các địa phương phải thực hiện theo Luật. Hiện nay , mới chỉ có một số bệnh viện tư nhân khu vực phía Bắc thực hiện, còn khu vực miền Trung và miền Nam chưa được thực hiện. Vậy Hiệp hội sẽ phải đề nghị cấp nào hướng dẫn thực hiện. Rõ ràng việc thực hiện Luật còn nhiều bất cập, phụ thuộc vào Thông tư và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành. Đây là vấn đề đang tồn tại hiện nay đã được cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét. Hiệp hội rất mong Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội quan tâm vấn đề này.

  1. Về chính sách đào tạo.

Nhiều năm qua khi khối y tế tư nhân gửi cán bộ đi đào tạo tại các trường Đại học y khoa thì mức thu học phí gấp 2-2,5 lần. Hiệp hội đã kiến nghị vấn đề này và được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cam kết chỉ đạo và đã có văn bản chỉ đạo các trường tổng hợp báo cáo Bộ trưởng giải quyết, nhưng đến nay đã gần 1 năm vấn đề này vẫn chưa được Bộ GD&ĐT giải quyết. Đây là sự phân biệt giữa công lập và tư nhân, khối y tế tư nhân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi cử cán bộ đi đào tạo. Hiệp hội đề nghị Bộ GD&ĐT sớm xem xét và giải quyết vấn đề này.

  1. Kết hợp Công – Tư

Nghị quyết 93 của Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển y tế. Nghị quyết quy định các chuyên gia, bác sỹ ở bệnh viện công lập được quyền đến bệnh viện tư để thực hiện các ca kỹ thuật cao trên tinh thần tự nguyện, dân chủ và bệnh viện thanh toán chế độ BHYT. Nhưng trên thực tế khi các Bệnh viện tư nhân mời các chuyên gia, bác sỹ đến thực hiện thì BHYT không thanh toán. Hiện nay, Hiệp hội đẽ đề nghị vấn đề này với BHYT thì lại vướng mắc ở Luật Công chức, viên chức, khi chuyên gia, bác sỹ đến làm việc ngoài giờ phải được sự đồng ý của Giám đốc. Đề nghị Bộ y tế và BHXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn để khối bệnh viện Tư nhân phối hợp với khối bệnh viện Công lập triển khai vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

  1.  Về khám, giám định cho người nhiễm chất độc hóa học và KCB cho người nghèo.

          Theo quy định của Thông tư liên tịch BYT-BTC số 41 ngày 18/01/2013 chỉ có bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên mới được giám định cho các đối tượng nhiễm chất độc hóa học, còn các bệnh viện Tư nhân dù tuyến tỉnh cũng không được công nhận. Theo Hiệp hội, quy định này không phù hợp, có sự phân biệt đối xử giữa Công và Tư. Việc quy định được giám định phải trên cơ sở điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị chứ không phải lấy điều kiện là bệnh viện công lập mới được giám định.

Tương tự như vậy những năm trước đây khối bệnh viện tư nhân được KCB cho đối tượng là người nghèo nhưng đến nay theo Quyết định số 14/2012 của Chính phủ quy định chỉ có bệnh viện công lập mới được KCB cho đối tượng này và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Trong khi các bệnh viện nhà nước được bao cấp, lại đang quá tải thì các bệnh viện tư nhân đang gặp khó khăn về bệnh nhân thì lại không được KCB và không được hỗ trợ kinh phí cho người bệnh. Hiệp hội xin kiến nghị Chính phủ, Bộ y tế và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quyết định này.

  1. Về phân thẻ BHYT hàng năm.

Theo quy định của Luật BHYT thì người tham gia BHYT có quyền đăng ký nơi KCB ban đầu tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Nhưng trên thực tế hàng năm việc phân thẻ lại do Sở y tế và BHXH địa phương phân bổ. Điều này dễ dẫn đến cơ chế xin cho, nẩy sinh tiêu cực. Vấn đề này đã được Hiệp hội kiến nghị Bộ y tế và BHXH Việt Nam sớm ban hành tiêu chí để có cơ sở phân bổ thẻ BHYT hàng năm cho các cơ sở đảm bảo công bằng, hợp lý và đáp ứng nhu cầu nhân dân.

7.Về cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến, vượt tuyến.

        a. Về cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.

Tại khoản 1 Điều 7  Luật BHYT quy định: Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện huyện đã được xếp hạng là bệnh viện hạng I,II nơi người tham gia BHYT cư trú. Trong khi đó bệnh viện tư nhân chưa được xếp hạng hoặc tương đương với hạng II trở lên thì người có thẻ BHYT không được quyền lựa chọn nơi đăng ký KCB ban đầu. Như vậy bệnh viện tư nhân tương đương hạng II thuộc tuyến nào?

          Tại khoản 2 Điều 7 Luật BHYt cũng quy định tương tự: Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở khám, chữa bệnh quy định tại Điều 1 và Điều 2 (y tế xã, bệnh viện đa khoa huyện hạng III, chưa xếp hạng…) hoặc các cơ sở đó không đáp ứng được việc khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT thì được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện hạng I, II và tương đương (kể cả bệnh viện tư nhân) thuộc tuyến tỉnh nhưng phải theo quy định của giám đốc BHXH Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương. Điều này vô tình tạo việc xin cho trong xếp hạng bệnh viện.

Tại khoản 3 Điều 7 Luật BHYT quy định trẻ em dưới 6 tuổi: chỉ được đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB công lập, không được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tư nhân, mặc dù bệnh viện tư có khoa nhi và đủ năng lực.

b.Vấn đề chuyển tuyến, vượt tuyến.

          Theo quy định của Luật BHYT tại khoản 2, Điều 8 quy định chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện đã được xếp hạng  là bệnh viện hạng I,II thuộc huyện nơi người tham gia bảo hiểm y tế cư trú được xác định là đúng tuyến. Còn bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn cùng hạng lại không được đề cập và coi như trái tuyến. Điều này tạo nên bức tường ngăn cản người bệnh chuyển đến bệnh viện tư nhân. và là nguyên nhân làm gia tăng quá tải ở bệnh viện.

          Tại khoản 2 Điều này cũng quy định: Từ ngày 01/01/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh: Trong khi đó bệnh viện đa khoa tư nhân đồng hạng với bệnh viện công (hạng I,II) lại không được xếp là tuyến huyện và cũng không được hưởng quyền lợi này.

Hơn nữa theo quy định của Luật BHYT người bệnh có quyền chuyển tuyến khi xét thấy cơ sở KCB ban đầu không đủ điều kiện KCB. Tuy nhiên, trong thực tế việc chuyển tuyến của người bệnh rất khó khăn, nhũng nhiễu, nẩy sinh tiêu cực, đặc biệt người bệnh muốn chuyển từ cơ sở công lập ra ngoài công lập lại càng khó khăn hơn. Do đó bệnh nhân phải vượt tuyến và chấp nhận mức hưởng thấp hơn. Hiệp hội xin đề nghị Quốc hội chỉ đạo cho sửa đổi một số điều khoản trên và khoản 2, Điều 6, Điều 22 Luật BHYT cho thông tuyến tỉnh cùng với tuyến huyện vào năm 2016 (thay vì đến năm 2021 như Luật). Để nhân dân được hưởng quyền lợi tốt hơn, giảm tải tuyến trên, phù hợp với xã hội hóa y tế trong thời kỳ hội nhập của đất nước.

  1. Chính sách khấu trừ thuế VAT

          Thực hiện việc chủ trương xã hội hóa y tế, khi các doanh nghiệp đầu tư bệnh viện tư nhân đã được nhà nước ưu đãi về một số chính sách . Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đầu tư bệnh viện và tổ chức hoạt động trong điều kiện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, từ vốn đầu tư, trang trải toàn bộ chi phí, đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ y tế và các khoản chi phí khác. Do đó thu không đủ chi. Đặc biệt, việc tái đầu tư và mở rộng quy mô, mua sắm trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho khối  tế tư nhân tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiệp hội đề nghị Quốc hội cho phép khối bệnh viện Tư nhân ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi hiện nay còn được khấu trừ thuế đầu vào khi xây dựng bệnh viện và mua máy móc, trang thiết bị y tế.

Trên đây là những kiến nghị về những chính sách có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của khối y tế tư nhân Việt Nam. Hiệp hội kính đề nghị Quốc hội chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng xem xét và giải quyết khó khăn, vướng mắc trên để khối y tế tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển bền vững góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)  

Nguyễn Văn Đệ

 

Nguồn: Ban Thường trực Hiệp hội