Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam (Hiệp hội) nhận được Công văn số 1500/KCB-QLHN ngày 17/11/2022 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế về việc góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Dự thảo Nghị định).
Hiệp hội nhận thấy, việc xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề và cấp Giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, cần khẩn trương ban hành sớm nhằm thực hiện đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, tạo thuận lợi tốt nhất cho người hành nghề và cơ sở KCB hoạt động thuận lợi trong quá trình KCB, phục vụ nhân dân.
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung dự thảo Nghị định, tiếp thu, tổng hợp ý kiến góp ý của hội viên, Hiệp hội tham gia góp ý như sau:
- Về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.
Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế thực thi phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ Y tế về Sở Y tế nêu rõ: việc cấp giấy phép hoạt động; điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB tư nhân khi thay đổi quy mô giường bệnh hoặc cơ cấu tổ chức hoặc phạm vi hoạt động chuyên môn; hoặc khi cơ sở KCB tư nhân thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc thay đổi tên thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 42 dự thảo Nghị định lại quy định:
“2. Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành trên địa bàn quản lý trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an.”
- Đề nghị Bổ sung, sửa đổi như sau:
“2. Giám đốc Sở Y tế cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc thuộc các bộ, ngành trên địa bàn quản lý trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an.”
Lý do:
Sở Y tế tỉnh, thành phố hiện nay đủ năng lực cấp, điều chỉnh, bổ sung Giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế trên địa bàn tới quy mô 1.000 giường bệnh thì không có lý gì lại không đủ năng lực cấp, điều chỉnh, bổ sung Giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB tư nhân quy mô từ 10 giường bệnh trở lên trên địa bàn.
Câu hỏi đặt ra là:
– Vì sao Sở Y tế tỉnh, thành phố hiện nay đủ năng lực cấp, điều chỉnh, bổ sung Giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế trên địa bàn tới quy mô 1000 giường bệnh trong khi cơ sở KCB tư nhân khi cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB tư nhân với quy mô từ 10 giường bệnh trở lên vẫn phải gửi hồ sơ ra Bộ Y tế?.
– Vì sao trong dự thảo Nghị định, Bộ Y tế lại phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Bộ Y tế về Sở Y tế khi cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB thuộc các bộ, ngành trên địa bàn quản lý mà không có cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn?.
- Về trình tự xem xét việc đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở KCB.
Điểm b khoản 2 Điều 44 dự thảo Nghị định nêu quy định trình tự xem xét việc đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn đối với cơ sở KCB:
“b) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét để cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trong thời hạn 60 ngày đối với bệnh viện; 45 ngày đối với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.”
Như vậy, đối với bệnh viện phải đợi mất ít nhất 60 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết) để được xem xét để cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động. Trường hợp hồ sơ phải chỉnh sửa, bổ sung phải mất thêm 10 ngày làm việc, tổng cộng là 70 ngày làm việc. Quy định khoảng thời gian này là quá dài, gây lãng phí tiền của, tài sản của bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện tư nhân đều tự bỏ nguồn vốn ra đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nhân lực. Trước khi trình hồ sơ xem xét để cấp, điều chỉnh giấy phép hoạt động, bệnh viện đã hoàn chỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, nhân lực, và như vậy trong thời gian 60 (nếu không phải sửa hồ sơ) toàn bộ lực lượng này phải “chờ đợi” cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và ban hành cấp phép, gây thiệt hại cho đơn vị, bởi hầu như các bệnh viện đều đi vay để đầu tư.
- Do vậy, để đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung các nội dung sau:
– Điều chỉnh thời gian cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét để cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ:
+ Đối với bệnh viện: từ 60 ngày xuống 20 ngày làm việc;
+ Đối với các hình thức tổ chức KCB khác: Từ 45 ngày xuống 15 ngày làm việc.
– Trong quá trình thẩm định, giải quyết thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, trường hợp phát sinh yêu cầu phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc trả hồ sơ (nếu có) thì các đơn vị chuyển thông báo cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông Bộ Y tế bằng văn bản hoặc qua phương thức gửi nhận văn bản trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử để gửi cho tổ chức, cá nhân. Việc yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, cụ thể một lần, đúng quy định của pháp luật.
– Đơn vị, công chức đang trực tiếp giải quyết thủ tục sử dụng chức năng trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử chuyển hồ sơ điện tử về Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông Bộ Y tế để chờ tiếp nhận bổ sung hoặc trả hồ sơ. Trong vòng 04 (bốn) giờ làm việc sau khi nhận được văn bản của đơn vị giải quyết thủ tục hành chính, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông Bộ Y tế có trách nhiệm thông báo đến tổ chức, cá nhân bằng các hình thức phù hợp như: gửi qua đường bưu điện, qua thư điện tử, qua điện thoại và các phương tiện điện tử thông minh, hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến… được cấp có thẩm quyền cho phép.
– Trường hợp cơ quan được giao nhiệm vụ không giải quyết hồ sơ theo đúng thời hạn ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả phải chịu trách nhiệm trước quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời trong thời hạn chậm nhất 01 (một) ngày trước ngày hết hạn thì cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thẩm định, giải quyết hồ sơ phải thông báo kèm Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông Bộ Y tế để gửi cho tổ chức, cá nhân theo quy định. Việc hẹn lại ngày trả kết quả phải được thực hiện không quá một lần.
- Quy định về cấp phép cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp.
Điều 27 quy định điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở KCB. Ngoài quy định chung về cơ sở vật chất, nhân lực, điểm b khoản 2 Điều 27 quy định:
“b) Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp ít nhất phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa;”
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định: Riêng cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp phải đầu tư bộ phận xét nghiệm sinh hóa, máy chụp X-Quang, Máy siêu âm, Thiết bị đo chức năng hô hấp,…. và cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp thuộc Bệnh viện, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bởi thực tế hiện nay, tình trạng thành lập các cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp tràn lan, hoạt động với cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị yếu kém, nhân lực vay mượn, không đảm chất lượng, nhằm hợp thức hồ sơ thủ tục sau đó thành lập với mục đích ký hợp đồng khám bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ y tế, qua mặt cơ quan chức năng và quy định pháp luật về KCB nghề nghiệp.
Ngoài ra, theo biểu mẫu phiếu khám sức khoẻ bệnh nghề nghiệp gồm 02 phần, phần khám sức khoẻ theo Thông tư 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp. Do vậy, muốn kết luận bệnh nghề nghiệp thì phải hoàn thành mục khám sức khỏe theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về Hướng dẫn khám sức khỏe và kết quả khám bệnh nghề nghiệp, trong khi đó các Phòng khám hiện nay không đủ năng lực, do vậy đề nghị: bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đủ điều kiện mới cấp giấy phép khám bệnh nghề nghiệp.
- Về nhân lực quản lý cơ sở KCB.
- Điểm a khoản 3 Điều 27 quy định: Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
– Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định: Không nhất thiết người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có chuyên môn kỹ thuật. Nhưng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó phải cử một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Bởi hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngành y tế đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ chế tự chủ tài chính. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, đặc biệt tránh tình trạng đánh mất các giáo sư, chuyên gia giỏi như thời gian qua, đề nghị Bộ Y tế nên đổi mới chủ trương người đứng đầu cơ sở KCB không cần phải có chuyên môn kỹ thuật, mà nên để người giỏi về nghiệp vụ quản lý để điều hành hoạt động của cơ sở KCB.
- Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB
Gạch đầu dòng ( – ) thứ 5 Điểm a khoản 3 Điều 27 quy định:
“- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở”.
- Đề nghị làm rõ điều này, vì thực tế hiện nay các phòng khám đa khoa chỉ có 01 phụ trách, nhưng các bộ phận như khám Nội, Ngoại, Sản, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh …, Sở Y tế vẫn yêu cầu người trực tiếp liên quan đến các bộ phận này phải đủ thời gian hành nghề 54 tháng hoặc 36 tháng theo quy định.
- Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động đối với bệnh viện.
Điều 28 quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện. Trong đó quy định rõ quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định: Quá trình thành lập bệnh viện phải có đầy đủ thủ tục về đầu tư bệnh viện do cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: Giấy chứng nhận đầu tư dự án, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế cơ sở, quy hoạch sử dụng đất y tế, quyết định giao đất, cho thuê đất, … tránh tình trạng sử dụng đất sai mục đích trong thành lập, cấp phép bệnh viện.
- Về tên gọi của Nghị định
Dự thảo Nghị định có tên gọi là “Nghị định hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Đề nghị sửa tên thành: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bởi, đối chiếu giữa dự thảo Nghị định với Nghị định 109/2016/NĐ-CP, các nội dung, Chương, Điều, khoản quy định không có nhiều thay đổi lớn, (vẫn là 5 Chương, 51 Điều), chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ trong cắt, giảm thủ tục hành chính lĩnh vực khám, chữa bệnh, chỉ là bố cục lại một số Điều, khoản so với Nghị định 109/2016/NĐ-CP và tập trung điều chỉnh các nhóm thủ tục hành chính theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Quy định tại mục D, Phụ lục XVIII phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg).
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉ nêu những quy định, nội dung cần sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung trong Nghị định 109/2016/NĐ-CP, có nhất thiết nêu lại nhiều nội dung trùng lặp của Nghị định 109/2016/NĐ-CP?.
- Việc cấp lại chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp
Điểm b khoản 2 Điều 4 quy định việc cấp lại chứng chỉ hành nghề áp dụng đối với các trường hợp
“b) Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng.”
- Đề nghị sửa, bổ sung thành:
“b) Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc hư hỏng, ghi không đúng nội dung từ cơ quan quản lý”.
- Điều kiện cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề
- i) Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ y học dự phòng, bác sỹ y học cổ truyền.
- Đề nghị bỏ “bác sỹ y học dự phòng, y học cổ truyền” ra nội dung hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 dự thảo quy định điều kiện cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề. Bởi nếu quy định như vậy thì các bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ y học dự phòng sẽ đổ xô đi học thêm văn bằng chuyên khoa, sau đó đủ thời gian thực hành để được cấp văn bằng chuyên khoa đã được cấp và cấp chứng chỉ KCB để hành nghề. Hơn nữa, điều này cũng tạo thêm tâm lý bác sỹ có chứng chỉ KCB không thuộc ngành y học cổ truyền cũng sẽ bỏ các Bệnh viện y học cổ truyền để chuyển sang làm lĩnh vực Tây y, chưa nói đến chất lượng tuyển đầu vào.
- ii) Thời gian cấp văn bằng chuyên khoa
Điểm c khoản 2 Điều 6 quy định:
…. “Thời gian cấp văn bằng chuyên khoa không quá 24 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Trường hợp thời điểm cấp văn bằng chuyên khoa quá 24 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề thì phải bổ sung thêm giấy xác nhận thực hành 18 tháng theo chuyên khoa đề nghị cấp”.
- Đề nghị bỏ câu: “Thời gian cấp văn bằng chuyên khoa không quá 24 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề”, bởi để câu này dễ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương sẽ cso cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho người hành nghề.
Ví dụ: Ngay sau khi tốt nghiệp, bác sỹ đa khoa ra trường rồi đi thực hành ngay, theo quy định đủ 18 tháng thực hành sẽ cấp chứng chỉ hành nghề.
iii) Điểm c khoản 2 Điều 4 có nêu nội dung trong ngoặc đơn: (Thời gian học định hướng chuyên khoa, chứng chỉ đào tạo liên tục định hướng chuyên khoa không được tính là thời gian thực hành)
- Đề nghị bỏ ý này, điều này hoàn toàn phi lý, vì theo quy định 01 bác sỹ đa khoa thực hành đủ 18 tháng chuyên khoa thì được cấp Chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó theo quy định này, nếu bác sĩ đa khoa đi học định hướng ít nhất 6 tháng sau đó 18 tháng thực hành được cấp chứng chỉ? Đề nghị nên tính vào thời gian thực hành.
- Việc cho phép thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với chuyên khoa mà người hành nghề đã được ghi trong chứng chỉ hành nghề
Khoản 4 Điều 7 quy định:
“Việc cho phép thực hiện các kỹ thuật chuyên môn thuộc chuyên khoa khác với chuyên khoa mà người hành nghề đã được ghi trong chứng chỉ hành nghề: người hành nghề được thực hiện kỹ thuật sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn đó do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở cho phép thực hiện bằng văn bản.”
- Đề nghị làm rõ nội dung này, vì hiện nay các địa phương đang vướng mắc trong việc cho làm 01 kỹ thuật hay nhiều kỹ thuật. Ví dụ: bác sỹ cấp chứng chỉ KCB nội khoa, học sơ bộ 6 tháng về sản phụ khoa thì bác sỹ đó được làm tất cả các kỹ thuật hay chỉ 01 vài kỹ thuật vì có liên quan đến thanh toán BHYT. Điều này có thể sẽ không an toàn cho người bệnh,
- Điều kiện cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh
Điểm a khoản 2 Điều 8 nêu:
“a) Có văn bằng chuyên khoa phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị thay đổi và thời gian cấp bằng chưa quá 2 năm tính đến thời điểm người hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn.”
- Đề nghị làm rõ trong trường hợp vì lý do khách quan quá thời gian 01 ngày so với quy định, thì xử lý như thế nào?
- Về thời gian cấp, cấp lại và quản lý chứng chỉ hành nghề
Khoản 2 Điều 14 quy định:
“2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tiến hành thẩm định hồ sơ và có biên bản thẩm định.”
Đề nghị sửa thời gian thẩm định hồ sơ từ 20 ngày xuống còn 5 ngày làm việc. Để 20 ngày là quá lâu, làm chậm trễ và ảnh hưởng đến việc hành nghề của người hành nghề và cơ sở KCB.
- Hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam.
Khoản 5 Điều 9 quy định người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đề nghị cấp lần đầu chứng chỉ hành nghề.
Đề nghị hủy bỏ quy định này. Việc làm thủ tục Phiếu lý lịch tư pháp (mất 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ theo quy định tại Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009) gây tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức đối với người hành nghề và kéo theo thủ tục hành chính rườm rà, ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề của người hành nghề. Thay vào đó, chỉ cần yêu cầu người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề làm thủ tục xác nhận Sơ yếu lý lịch của chính quyền địa phương là đủ.
- Lỗi kỹ thuật
Do bố cục lại nội dung, nên trong dự thảo Nghị định có nhầm lẫn dẫn quy định về điều kiện đối với cơ sở giáo dục được kiểm tra và công nhận biết Tiếng Việt thành thạo… tại các Điều 21, Điều 22 dự thảo Nghị định nêu là Điều 19, nhưng thực tế quy định tại Điều 23.
- Về lộ trình ban hành Nghị định
Theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2022 – 2023, Bộ Y tế phải cơ bản thực thi các kiến nghị phân cấp giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, trong đó có sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Để đảm bảo đúng lộ trình Chính phủ giao nhiệm vụ, đề nghị Bộ Y tế sớm đẩy nhanh quy trình xây dựng nghị định này, sớm đưa vào thực tiễn áp dụng.
Trường hợp ban hành chậm sẽ không đạt kết quả cao, bởi dự kiến Luật KCB (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ hợp tới và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Nhiều nội dung, quy định mới sẽ thay đổi, Bộ Y tế sẽ lại tiếp tục ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó có việc sửa đổi việc hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấp phép hoạt động đối với cơ sở KCB, khiến Nghị định mới ban hành áp dụng lại tiếp tục thay thế, gây tốn kém thời gian, ngân sách Nhà nước.
Trên đây là góp ý của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn cấp Chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấp phép hoạt động đối với cơ sở KCB, kính gửi Bộ Y tế nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu.
Toàn văn bản: 102 CV Góp ý Dự thảo Nghị định 109 sửa đổi