Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế, chuyên gia… để xây dựng các chính sách toàn diện, triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Chiều 9/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương, bệnh viện… về tiến độ triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (dự thảo Nghị định).
Bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cơ bản cho nhân dân
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Nghị định cần bám sát các nội dung, chính sách được thể chế hóa trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh; Quyết định số 172/QĐ-TTg năm 2023 về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
“Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế, chuyên gia… để xây dựng các chính sách toàn diện, đầy đủ để triển khai hiệu quả Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sau khi luật có hiệu lực,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ghi nhận các ý kiến trong cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí rõ ràng, đánh giá kỹ tác động của quá trình chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới đối với mạng lưới cơ sở y tế; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, nguồn lực…, bảo đảm sự vận hành thông suốt, không để xảy ra xung đột, cản trở công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với vấn đề xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, hướng dẫn chi tiết các điều, khoản trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, trên nguyên tắc y tế công lập bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cơ bản cho nhân dân; đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ bệnh viện công lập tại khu vực có trình độ phát triển, người dân có nhu cầu cao và khả năng chi trả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để người dân có thể tiếp cận từ xa những bác sĩ giỏi, phương pháp điều trị tốt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tập huấn chuyên môn, tổ chức lại lực lượng y tế dự phòng để tăng cường năng lực điều trị cho y tế cơ sở…
Làm rõ nguyên tắc vận hành, kết nối giữa các cấp chuyên môn
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dự thảo Nghị định bao gồm 5 nhóm nội dung chính: tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của người hành nghề; tổ chức cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (thiết bị y tế, huy động điều động, kinh phí, tự chủ, xã hội hóa, cơ chế tài chính trong trường hợp khẩn cấp); quy định về cấp giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp.
Bộ Y tế đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.
Về một số vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế đề xuất quy định về tự chủ trong chuyên môn và bộ máy tổ chức theo hướng các đơn vị vẫn chia thành 4 nhóm theo mức độ tự chủ tài chính và tùy vào mức độ tự chủ mà đơn vị được tự quyết định việc tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn.
Đối với vấn đề trích lập và chi thu nhập tăng thêm sau khi xác định chênh lệch thu chi, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị phân loại tự chủ nhóm 2 được trích lập và chi thu nhập tăng thêm tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất được cho phép trích lập và chi thu nhập tăng thêm 3 lần để đảm bảo khuyến khích, động viên các thầy thuốc, nhân viên y tế, giữ được nguồn nhân lực y tế công lập.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Hiện việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2023 đã thay khái niệm tuyến chuyên môn kỹ thuật bằng cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 nên có khoảng thời gian chênh lệch trong việc áp dụng quy định cấp chuyên môn kỹ thuật và chuyển cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đề xuất quy định tại Nghị định nội dung trong năm 2024, việc chuyển cơ sở khám, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Các vấn đề chung về tự chủ tài chính, Bộ Y tế đề xuất sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và trong Nghị định quy định chi tiết Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sẽ chỉ quy định các vấn đề mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế…
Tại cuộc họp, một số ý kiến kiến nghị làm rõ nguyên tắc vận hành, kết nối giữa các cấp chuyên môn kỹ thuật (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu) cùng danh mục kỹ thuật chuyên môn được phép thực hiện. Các quy định về việc cấp giấy chứng nhận giấy phép hành nghề đối với những loại hình nghề mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phải chi tiết, bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và vận dụng.
Một số đại biểu mong muốn dự thảo Nghị định tháo gỡ được vướng mắc trong việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam.
Đại diện một số bệnh viện, địa phương mong muốn dự thảo Nghị định làm rõ quy định đặc thù về cơ chế xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện công lập, hợp tác công tư, chính sách, tiêu chí phân cấp chuyên môn kỹ thuật…/.