Một góc nhìn về chuyện 3 bác sĩ Bạch Mai vào Buôn Ma Thuột

Kể cả khi đã hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật khó, phức tạp từ tuyến trên về tuyến dưới thì cũng không một người hành nghề y nào dám chắc 100% sẽ không xảy ra các sự cố đáng tiếc như tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.

LỜI TOÀ SOẠN

Ca tử vong sau thay vạn động mạnh chủ qua da tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột là một tai biến y khoa đáng tiếc và được dư luận quan tâm khi có sự tham gia của 3 bác sĩ đến từ Bệnh viện Bạch Mai. Đằng sau nỗi đau mất mát của gia đình bệnh nhân N.T. cũng là nỗi đau và sự day dứt của ê-kíp phẫu thuật khi vừa không thể níu giữ sự sống trong tay mình vừa phải chờ đợi những phán xét – có thể công tâm, cũng có thể rất phũ phàng.

Sự việc đang được các cơ quan xem xét xử lý. Trách nhiệm sẽ được làm rõ. Đúng sai sẽ phân minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Thế nhưng, công – tội với sự thành – bại trong nỗ lực giữa lằn ranh sinh – tử là một chuyện không thể định lượng vội vã. Báo Sức khoẻ và Đời sống xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Đệ – Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam – như một tiếng nói của một người trong ngành y để độc giả có thêm một góc nhìn về sự việc này.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của Báo Sức khoẻ và Đời sống.

Trước hết xin khẳng định, đây là sự việc đau lòng, đáng tiếc, xảy ra không ai mong muốn. Nhưng nếu không đánh giá vấn đề thật công tâm, khách quan và bao dung sẽ tiếp tục tạo ra cái nhìn tiêu cực của xã hội với toàn ngành y tế, gây hệ lụy nghiêm trọng đến sự ổn định, phát triển của ngành. Thậm chí tạo ra khủng hoảng tâm lý, phủ nhận những nỗ lực đóng góp của những người đang hành nghề cứu người.

Xin không bàn đến quy trình, các điều kiện, nội dung liên quan đến quá trình khám, điều trị bệnh đối với trường hợp bệnh nhân N.T. mà Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cung cấp. Việc này sẽ được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Tuy nhiên, dường như thật thiếu công bằng khi một số ít người đang nhìn vào những điểm còn thiếu, bề nổi của câu chuyện đáng tiếc xảy ra ở Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột mà không đánh giá khách quan, tường tận bằng sự công tâm, chia sẻ và đặt mình vào vị trí của những người đang cố gắng giành giật sự sống của bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần.

Thực tế, bệnh nhân N.T. trước khi được thực hiện thủ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) đã được đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai hội chẩn, hỗ trợ, giải thích cặn kẽ về lợi ích, tính rủi ro, sự phức tạp và nguy cơ xảy ra tai biến y khoa khi thực hiện kỹ thuật này. Đứng trước lằn ranh sinh tử của bệnh nhân N.T.Â, người thân đã đồng ý và ký cam kết để các bác sĩ thực hiện kỹ thuật.

Tôi tin rằng, không vì lợi ích cá nhân mà các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai phải lặn lội hàng nghìn km vào Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Ở đây, mục đích duy nhất là được cứu sống người bệnh. Tôi tin rằng, đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cố gắng hết sức có thể với một ca khó như vậy.

Sau khi sự cố xảy ra, gia đình người bệnh cũng đã có đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng về việc ghi nhận, biết ơn đội ngũ y bác sĩ đã tận tâm cứu chữa. Họ không có bất kỳ thắc mắc, khiếu kiện gì, đồng thời mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng tôn trọng quyền riêng tư và nguyện vọng của gia đình để tâm linh người thân được yên nghỉ.

Một góc nhìn về chuyện 3 bác sĩ Bạch Mai vào Buôn Ma Thuột- Ảnh 1.

Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.

Chúng ta đã nói rất nhiều về nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở, đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển giao kỹ thuật chuyên môn từ tuyến trên về tuyến dưới, để nhiều bệnh viện tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật khó, phức tạp hơn, cứu được nhiều người hơn. Từ đó, giảm gánh nặng cho người bệnh khi chuyển tuyến, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên…

Rõ ràng, khi hiện thực hóa được những mong mỏi, định hướng đó khó có thể tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Và kể cả khi đã hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật khó, phức tạp từ tuyến trên về tuyến dưới thì cũng không một người hành nghề y nào dám chắc 100% sẽ không xảy ra các sự cố.

Câu chuyện đáng tiếc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột không chỉ là nỗi buồn từ phía gia đình bệnh nhân, mà với các bác sĩ trực tiếp tham gia vào ca TAVI phức tạp kia cũng là nỗi day dứt khôn nguôi. Là cái nhìn của bạn bè, đồng nghiệp, là sự phán xét từ dư luận, từ cấp có thẩm quyền. Và sau đó là nỗi buồn dai dẳng của người bác sĩ sẽ theo họ suốt cả quãng đời hành nghề, là cái nghiệp mà không phải ngành nghề nào cũng trải qua như ngành y.

Chỉ cách đây 3 năm, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu đoàn y bác sĩ không kể già trẻ khắp ở các vùng miền trong cả nước đổ về tâm dịch TPHCM và các tỉnh phía Nam để cứu người. Và cũng chỉ mới cách đây không lâu, chúng ta đã chứng kiến câu chuyện nữ điều dưỡng A9 Bệnh viện Bạch Mai nhỏ bé đã kịp thời cứu người đàn ông ngừng tim trong quán ăn tại Đà Nẵng. Đó là phản xạ tự nhiên của nhân viên y tế khi phát hiện người bệnh có sự cố. Rõ ràng khi đó chúng ta không thể nghĩ đến thủ tục hành chính và đảm bảo quy trình chuyên môn đầy đủ!

Về việc một số người chỉ trích 3 chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai tham gia hỗ trợ ca can thiệp tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột mà không báo cáo làm thêm ngoài giờ, tôi cho rằng không nên suy xét sự việc quá mức cứng nhắc như vậy. Bởi nghề y là nghề đặc biệt, thực tế hàng ngày đã cho chúng ta thấy ở nhiều nơi, biết bao nhiêu bác sĩ đang phải chấp nhận vi phạm quy định pháp luật về lao động (làm thêm quá giờ hành chính trong ngày, hay quá 300 giờ trong năm) chỉ để cứu người.

Hàng ngày có hàng chục, hàng trăm ca mổ khó, ghép tạng, phức tạp kéo dài tới hàng chục giờ đồng hồ khiến cho đội ngũ y bác sĩ không còn có thời gian để nghĩ đến chuyện ăn uống. Và hàng nghìn y bác sĩ đang phải chấp nhận bỏ nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt trong điều kiện làm việc căng thẳng. Họ gác lại cả niềm vui, hạnh phúc riêng tư để cấp cứu người bệnh. Vì vậy, đứng trước sự an toàn về tính mạng của bệnh nhân N.T. và mong mỏi của người thân bệnh nhân, tôi tin rằng, không một chuyên gia nào có lương tâm, trách nhiệm mà từ chối.

Chưa kể, chiếu theo khoản 3 Điều 36 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai vào Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột với mục đích hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thực hiện dịch vụ thủ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) với tư cách là giảng viên chính của Trường Đại học Y Hà Nội.

Vì vậy, vào lúc này, theo quan điểm của tôi, về phía cơ quan chủ quản nên xử lý sự việc theo hướng nhắc nhở để đội ngũ y bác sĩ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm bài học sâu sắc cho công tác hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới. Chúng ta cũng cần có sự thống nhất trong xử lý tình hình để các chuyên gia y tế tuyến trên vững tâm, tiếp tục thực hiện công tác chuyển giao, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Về phía chính quyền địa phương tỉnh Đắk Lắk, Sở Y tế tỉnh và các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh nên có cách nhìn thiện cảm, chia sẻ, cùng nhau xây dựng để giải quyết sự việc một cách công tâm, khách quan.

Về khía cạnh xã hội, chúng ta cần có sự cảm thông, chia sẻ và cách nhìn đồng cảm, thấu hiểu, bao dung với ngành y tế nói chung và người hành nghề chữa bệnh cứu người nói riêng. Để mỗi nhân viên y tế yên tâm, tận tâm, tận lực, có ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Như vậy, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và những người dân yếu thế mới có điều kiện để được tiếp cận và thụ hưởng những thành tựu kỹ thuật cao của lĩnh vực y tế trong nước và quốc tế.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn.

TS. Nguyễn Văn Đệ
Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam