Chiều tối 20/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, một số thành viên Ủy ban Xã hội; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện một số cơ quan hữu quan
Về phía Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có GS.Viện sĩ Danh Dự Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Hiệp hội; LS. Phạm Văn Học – Phó Chủ tịch Hiệp hội; GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí – Phó Chủ tịch Hiệp hội, ông Trần Tiến Quân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội tham dự hội nghị.
Ảnh: Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 49/2024/UBTVQH15, theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế trong quá trình xây dựng luật, đến nay, hồ sơ dự án luật đã được gửi tới đầy đủ để tiến hành thẩm tra sơ bộ. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng lớn của cơ quan soạn thảo. Sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trình bày Tờ trình
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh về các nội dung: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật…
Do một số quy định cần sửa đổi ngay để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và nhất là các quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có hiệu lực đồng bộ từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 nên trước mắt cần tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục các bất cập mang tính cấp bách.
Dự án luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Ảnh: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai
Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung chính trong dự thảo luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi trong tổ chức thực hiện và đảm bảo luật sau khi được thông qua sẽ đem đến chuyển biến tích cực như mục tiêu đã đề ra. Dự án luật dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Một trong những nội dung vô cùng quan trọng của Dự thảo Luật về thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT đã được Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam xây dựng, kiến nghị và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này.
Ảnh: GS. TS. Nguyễn Anh Trí, thành viên Uỷ ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại Phiên họp.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Hội nghị:
Ảnh: GS.Viện sĩ DD Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tham dự hội nghị
Ảnh: Bà Đào Hồng Lan – Bộ Trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: LS. Phạm Văn Học – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị