Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn về đấu thầu, mua sắm hiện khá đầy đủ, đã tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đều khẳng định giai đoạn khó khăn nhất với các bệnh viện đã qua, các gói thầu đã có kết quả…
Thể chế được ban hành đã “thấu hiểu được khó khăn của thực tiễn” trong đấu thầu thuốc, vật tư
Hiện Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành – Nghị định, Thông tư đã có. Để hướng dẫn công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, đến thời điểm này đã triển khai xong 3 gói thầu trực tiếp và 2 gói thầu qua mạng trị giá khoảng 150 tỷ đồng.
Hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ đã tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Tham luận tại hội thảo liên quan đến công tác đấu thầu do Bộ Y tế tổ chức tại TPHCM đầu tuần này, đại diện Sở Y tế TPHCM cùng nhiều đại biểu của các đơn vị, địa phương đã nhấn mạnh việc Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các văn bản đã “thấu hiểu được khó khăn của thực tiễn”, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.
ThS.Dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay:, Với người làm công tác cơ sở và tham gia vào đấu thầu mua sắm thuốc, tôi thấy với văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về mua sắm cụ thể về đấu thầu có đầy đủ hành lang pháp lý.
“Còn mỗi bệnh viện tùy theo tình hình khám chữa bệnh, tùy theo danh mục thuốc, vật tư sẽ vận dụng linh hoạt các hình thức đấu thầu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cơ quan quản lý, bệnh viện và người dân”- Dược sĩ Nga nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận Bùi Văn Kỳ cho hay từ khi triển khai thực hiện đấu thầu theo hướng dẫn của Luật Đấu thầu, Nghị định và các Thông tư của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế hiện nay nhìn chung thuận lợi hơn.
“Để triển khai đấu thầu thuốc tập trung tại địa phương trên quy mô toàn tỉnh cho các cơ sở y tế công và y tế bộ ngành, chúng tôi đã tổng hợp nhu cầu và tổ chức đấu thầu. Hiện chúng tôi đang thẩm định các gói thầu và chuẩn bị trình UBND tỉnh.
Việc đấu thầu vật tư thì phân cấp theo Luật Đầu tư công và với đơn vị tự căn cứ vào Nghị định 24 để thực hiện đấu thầu qua mạng quốc gia”- ông Kỳ thông tin.
Thiếu thuốc, vật tư vì đâu?
TS.BS Nguyễn Vũ Hữu Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mua sắm thuốc và đề xuất kiến nghị do Bộ Y tế tổ chức tại TP HCM.
TS.BS Nguyễn Vũ Hữu Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cũng cho biết, thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra ở địa phương chủ yếu diễn ra thời gian trước. Thời điểm khi chưa có Thông tư, Nghị định hướng dẫn, nhiều cơ sở y tế tâm tư, không dám mạnh dạn đấu thầu vì sợ lao lý.
Địa phương cũng có khoảng trống 6 tháng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do nhiều yếu tố trong đó có gián đoạn cung ứng, không có nhà thầu.
Thời gian qua, khi có các hướng dẫn cụ thể, Sở Y tế tỉnh đang tiến hành làm danh mục khung trình UBND tỉnh phê duyệt. Đến năm 2024, cơ bản Đắk Lắk đáp ứng khá đủ thuốc cho các cơ sở y tế. “Chúng tôi đang phê duyệt 30 gói thầu cho các 20 cơ sở y tế”- ông Quang thông tin.
Việc không có nhà thầu tham gia hoặc đã trúng thầu nhưng không có nguồn hàng để cung ứng do không là thực trạng diễn ra tại nhiều bệnh viện và nhiều địa phương. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho hay, có giai đoạn cơ sở này thiếu thuốc cục bộ do nhà thầu không có hàng cung ứng, rồi họ lấy lý do cơ quan quản lý chưa cấp số đăng ký…
Dù hiện tại công tác đầu thấu, mua sắm thuốc, vật tư y tế tại Ninh Thuận đã cơ bản được tháo gỡ, tuy nhiên chia sẻ về khó khăn của Ninh Thuận, ông Bùi Văn Kỳ cho biết, các bệnh viện vẫn còn khó khăn trong đấu thầu, mua sắm một số mặt hàng, đặc biệt là đối với thuốc gây tê.
“Ba năm liền, không có nhà thầu nào tham dự đấu thầu loại thuốc này. Vấn đề khó khăn chủ yếu do nhập khẩu, phân phối và giá cả. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn khó khăn ở đâu để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc mà hiện nay dù thị trường có sẵn nguồn cung nhưng y tế công không thể cung ứng được”- ông Kỳ thẳng thắn bày tỏ.
Ông Kỳ đề xuất, ngành y tế cần hướng dẫn, tập huấn để tháo gỡ những nội dung trên để đơn vị chủ động quyết định, tự lựa chọn về giá có thể cho cao nhất, nhưng phải lấy giá cao nhất với sản phẩm nào có giá trị sử dụng tương ứng để quyết định đúng, lập kế hoạch tài chính phù hợp.
Đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đều khẳng định giai đoạn khó khăn nhất với các bệnh viện đã qua. Các gói thầu đã có kết quả.
Theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM, việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua được đề cập, chủ yếu không phải vướng ở cơ chế mua sắm mà chủ yếu vướng chuỗi cung ứng.
TPHCM là địa bàn đặc thù với nhiều bệnh viện thành phố làm nhiệm vụ trung ương, nên trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, ngoài dự trù cho nhu cầu người dân thành phố thì các cơ sở y tế tại đây còn phải đáp ứng nhu cầu điều trị của các địa phương lân cận nên xảy ra tình trạng thiếu.
“Dịch tay chân miệng năm 2023 tại TPHCM thiếu thuốc điều trị chủ yếu do phải điều tiết cho điều trị người bệnh tại chỗ ở một số địa phương, còn nếu chỉ cung ứng cho riêng thành phố thì cơ bản đủ. Ngoài ra, một số thuốc được cấp số đăng ký nhưng thực tế các nhà nhập khẩu không nhập về, TPHCM phải tiến hành cấp đơn hàng nhập khẩu đặc biệt”- ông Danh cho hay.
Linh hoạt trong thực hiện đấu thầu, mua sắm
Đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đều khẳng định giai đoạn khó khăn nhất với các bệnh viện đã qua. Các gói thầu đã có kết quả. Thực tế để triển khai các gói thầu thuốc, vật tư nhằm đạt mục tiêu lớn nhất là đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, mỗi bệnh viện đã có những cách làm khác nhau, từ việc vận dụng nhuần nhuyễn các chính sách cho tới việc thành lập các trung tâm đấu thầu riêng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, đến thời điểm này đã triển khai xong 3 gói thầu trực tiếp và 2 gói thầu qua mạng trị giá khoảng 150 tỷ đồng. Được biết, khi Luật đấu thầu có hiệu lực, bệnh viện này đã vận dụng điều khoản “chỉ định thầu rút gọn” đã giúp bệnh viện cơ bản đủ thuốc cho người bệnh.
Đến khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, bệnh viện thực hiện “chỉ định thầu có hạn mức và chỉ định thầu rút gọn”; sau đó khi các Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế có hiệu lực, cơ sở y tế này cho rằng “đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc mua sắm, đầu thầu thuốc với nhiều hình thức khác, đặc biệt là đấu thầu rộng rãi và mua sắm trực tiếp”.
Kho thuốc của Bệnh viện Nhi đồng 1 – TPHCM.
ThS.Dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, bệnh viện về cơ bản không thiếu thuốc thường quy. Giai đoạn thiếu nhất do nhiều yếu tố, trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn, bệnh viện đã tiến hành đấu thầu trước.
Liên quan tới tình trạng thiếu Gamma globulin điều trị bệnh tay chân miệng được phản ánh giai đoạn cách đây một năm, ThS Nga thông tin thực trạng thiếu Gamma globulin không phải xuất phát từ nguyên nhân thiếu văn bản quy phạm pháp luật trong công tác mua sắm mà chủ yếu phần lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng do không kịp nhập khẩu thuốc về Việt Nam.
Bệnh viện đã thường xuyên rà soát tình hình tồn kho của thuốc, nắm số thuốc mua sắm theo hợp đồng còn hiệu lực, kể cả nghe ngóng tin tức cung ứng và theo dõi dự báo bệnh để dự trữ thuốc. Tuy nhiên, có những tình huống phát sinh nằm ngoài dự trù.
“Thí dụ năm 2023, 13 nhà cung ứng có giấy phép lưu hành cung cấp Gamma globulin điều trị tay chân miệng đều không thể cung ứng đủ, chúng tôi chủ động xin ý kiến Sở Y tế và Bộ Y tế để có thuốc cung ứng cho bệnh viện để chống dịch. Thực tế, Gamma globulin là thuốc hiếm, thiếu nhiều năm là do thiếu nhà cung ứng chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật chưa ra kịp thời để mua sắm”- ThS Nga nói.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Nhân dân 115- TPHCM.
Trong vòng 1 tuần qua, Bộ Y tế đã tổ chức 2 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mua sắm thuốc và đề xuất kiến nghị nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về mua sắm thuốc của quốc tế, đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ các địa phương, đơn vị để đóng góp cho quá trình xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm trong thời gian tới.
Trước đó , thời gian qua Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến thông tin về nhiều nội dung liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế bao gồm cả lĩnh vực y dược cổ truyền.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã tham dự các diễn đàn này để lắng nghe những ý kiến quan tâm của các Sở Y tế, các bệnh viện, đơn vị liên quan về quá trình triển khai thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; đồng thời giao các chuyên gia giải đáp những quan tâm của các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm mục tiêu kịp thời hướng dẫn các đơn vị – chủ đầu tư thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm đảm bảo tuân thủ đúng quy định…
Tuy nhiên, hiện nay việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế của một số đơn vị, địa phương vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà nguyên nhân là bên cạnh việc hệ thống pháp luật vẫn còn một số điểm cần tiếp tục được hoàn thiện thì quan trọng nhất là các đơn vị, địa phương có dám làm, dám triển khai mua sắm hay không và việc phân cấp thẩm quyền mua sắm cho các đơn vị của một số địa phương còn hạn chế dẫn đến quá trình mua sắm bị kéo dài.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/giai-doan-kho-khan-trong-dau-thau-mua-sam-da-qua-cac-goi-thau-da-co-ket-qua-169241025081144366.htm