Phát triển bệnh viện tư nhân: Cần lắm một cơ chế
Nguyễn Thanh Hồi, GĐ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng
Giá viện phí: rào cản lớn nhất hiện nay
Việt Nam hiện tại có hơn 1.200 bệnh viện, trong đó có hơn 170 bệnh viện tư nhân. Trong khi các bệnh viện công đều luôn trong tình trạng quá tải, thì các bệnh viện tư lại rất ít bệnh nhân. Nhiều bệnh viện tư, do có quá ít bệnh nhân, do vậy thu không đủ bù chi đã phải hoạt động cầm chừng, với hy vọng từ sự thay đổi chính sách trong thời gian gần; hoặc âm thầm ngưng hoạt động. Điều này tạo ra sự lãng phí rất lớn cho xã hội, vì đầu tư cho y tế thường là đầu tư lớn, và chậm thu hồi vốn. Nguyên nhân quan trọng của sự vắng bệnh nhân tại các cơ sở y tế tư nhân là do chất lượng nguồn nhân lực y tế, chất lượng các dịch vụ y tế, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là giá viện phí.
Ảnh: Các Bác sỹ thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa QT Hải Phòng
Theo các quy định hiện nay, giá viện phí gồm 7 yếu tố cấu thành. Tuy nhiên, trên thực tế còn một yếu tố nữa, đó là phần kinh phí cho tích lũy. Như vậy, tính thực tế phải cần 8 yếu tố cơ cấu trong giá viện phí.
Giá viện phí hiện mới được tính 3/7 yếu tố, và theo lộ trình trong Nghị định số 16/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về quy định lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, thì đến năm 2018 mới được tính toàn bộ các yếu tố cấu thành trong giá viện phí.
Giá viện phí mới được tính có 3/7 yếu tố, nhưng tại sao các bệnh viện vẫn hoạt động được:
– Với các bệnh viện công: 4 yếu tố còn lại: được ngân sách Bộ Y tế, ngân sách của UBND các tỉnh chi trả thông qua chi phí giường bệnh, chi phí nghiên cứu khoa học, chi phí đào tạo, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia …. hàng năm;
-Với các bệnh viện tư nhân: các chi phí này bệnh viện phải tự trang trải. Để cân bằng được thu chi và duy trì hoạt động bệnh viện: các bệnh viện tư buộc phải kết cấu vào giá viện phí, do vậy, dù rất căn cơ trong chi tiêu, quản lý, nhưng do kết cấu toàn bộ các yếu tố vào, nên giá viện phí ở các bệnh viện tư (dù có thu thấp hơn giá thật) chắc chắn cao hơn tại các bệnh viện công.
Như vậy có thể thấy, trong hai hệ thống bệnh viện, một bên được trợ giá từ phía chính phủ, một bên không được trợ giá, nếu có sự cạnh tranh ở đây, thì liệu đó có phải là sự cạnh tranh bình đẳng ?
Do giá viện phí của các bệnh viện công lập luôn thấp hơn các bệnh viện tư nhân, nên điều này sẽ gây ra những áp lực sau:
Thứ nhất: Áp lực về ít bệnh nhân do giá viện phí cao: phần lớn trong số gần 100 triệu dân của Việt Nam hiện nay đều có mức thu nhập trung bình tới thấp, do vậy, giá viện phí là yếu tố ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn dịch vụ, khi giá viện phí của bệnh viện công thấp hơn giá viện phí của các bệnh viện tư: người bệnh thường sẽ chọn bệnh viện công lập, kể cả việc người bệnh chấp nhận nằm ghép;
Thứ hai: Đòi hỏi của người bệnh khi khám tại các bệnh viện tư cũng cao hơn rất nhiều so với khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập.
Thứ ba: Do giá viện phí cao hơn, nên ngay khi có các vấn đề nảy sinh, dù nhỏ, hoặc chưa thực sự nghiêm trọng, nhưng nếu xảy ra ở bệnh viện tư nhân thì áp lực xử lý tình huống cũng nghiêm trọng và nặng nề hơn rất nhiều so với những vấn đề này xuất hiện ở các bệnh viện công lập.
Do những áp lực nêu trên, để cân bằng và giữ bệnh nhân ở lại, các bệnh viện tư luôn phải thực hành tiết kiệm đến tối đa, nhằm đưa giá viện phí xuống mức thấp nhất so với giá trị thực tế, bên cạnh đó lại liên tục thực hành các biện pháp để gia tăng chất lượng trong từng dịch vụ, tuy nhiên tất cả những điều này cũng chưa đủ cân bằng với áp lực từ giá viện phí, do vậy nhiều bệnh nhân vẫn chưa tìm đến với các bệnh viện tư.
Giá viện phí đang trên lộ trình được tính đúng, tính đủ:
Một số giá viện phí đã được tính đúng – tính đủ từ lâu trong chính các cơ sở y tế công
Trên thực tế, tại các bệnh viện công lập hiện nay đã tồn tại hai hệ thống giá viện phí:
(1) Hệ thống giá viện phí theo khung giá Bộ Y tế duyệt và BHYT hiện đang thanh toán: hệ thống giá này được kết cấu 3/7 yếu tố cấu thành giá viện phí;
(2) Hệ thống giá viện phí của các dịch vụ y tế đã được xã hội hóa theo thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế: những giá viện phí được thực theo thông tư này đã được kết cấu đủ cả 8 yếu tố cấu thành giá viện phí.
Như vậy, có thể thấy, ngay từ năm 2007, khi triển khai thông tư 15 thì đã có tính đúng, tính đủ một số dịch vụ y tế trong các cơ sở y tế công lập. Với việc tính đúng, tính đủ như vậy, việc xã hội hóa y tế trong các bệnh viện công đã tạo ra hiệu quả rất lớn trong đầu tư, và giúp đẩy mạnh sự phát triển các dịch vụ y tế trong các bệnh viện công lập, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ xã hội quay lại phục vụ cho công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân;
Giá viện phí trên lộ trình tính đúng, tính đủ và có tích lũy
Mặc dù theo đúng lộ trình của nghị định số 16/NĐ-CP của chính phủ: thì phải đến năm 2018 mới được tính toàn bộ các yếu tố cấu thành trong giá viện phí; tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, Chính phủ đã dần thúc đẩy việc tính đúng, tính đủ trong giá viện phí thông qua việc ban hành nghị quyết 93/NQ-CP, ngày 15/12/2014, trong đó đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác về nguồn nhân lực giữa y tế công và tư (theo mô hình doanh nghiệp), và giá dịch vụ y tế được tính theo phương thức tính đủ và có tích lũy (như vậy đã bao gồm 8 yếu tố cấu thành giá viện phí);
Khi đã có sự công bằng, chắc chắn ngành y tế sẽ phát triển vượt bậc
Việt Nam đã ghi nhận câu chuyện của Viettel và Vinaphone. Viettel và Vinaphone đã cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển, và cuối cùng là người dân được hưởng lợi;
Ngay từ thời điểm hiện nay, việc xã hội hóa trong y tế theo thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế, đã tạo điều kiện cho hầu hết các bệnh viện công có những trang thiết bị được đầu tư theo hình thức xã hội hóa;
Bên cạnh việc xã hội hóa y tế, đã xuất hiện khoảng 170 bệnh viện tư nhân được đầu tư theo mô hình doanh nghiệp, tuy nhiên, các bệnh viện tư nhân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều bệnh viện hiện hoạt động cầm chừng, một số bệnh viện đã âm thầm đóng cửa;
Khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ và có tích lũy, khi đó giá viện phí tại các bệnh viện tư nhân chỉ ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn tại các bệnh viện công; bệnh nhân đến các bệnh viện tư nhiều hơn, tạo ra áp lực sự cạnh tranh trong hệ thống y tế. Các bệnh viện (bao gồm cả bệnh viện công và bệnh viện tư) sẽ phải lo quản lý tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế các tai biến …; như vậy, hệ thống y tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, dần theo kịp các nước, và người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển này.
Việc tính đúng, tính đủ và có tích lũy với các dịch vụ y tế: (1) tính trong thời gian gần thì giúp cứu hàng chục bệnh viện tư đang hoạt động cầm chừng; bên cạnh đó còn (2) giúp tạo ra bước phát triển đột phá của hệ thống y tế Việt Nam.
Giải quyết một số mâu thuẫn khi tính đúng, tính đủ giá viện phí:
Khúc mắc lớn nhất sau khi tính đúng, tính đủ giá viện phí đó là giá viện phí chắc chắn sẽ tăng, và khi đó, để bảo đảm cân bằng quỹ BHYT, giá thẻ BHYT chắc chắn cũng phải tăng theo, điều này gây tác động tới mục tiêu trong đề án tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giá dịch vụ y tế cao chắc chắn sẽ gây tác động lớn tới cuộc sống của người dân và toàn xã hội.
Để giải quyết được mâu thuẫn này, cần hướng tới việc không tăng giá thẻ BHYT. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ chuyển toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho ngành y tế hiện nay (vì các cơ sở y tế đã được hưởng kinh phí đầy đủ từ chính việc tính đúng, tính đủ trong giá viện phí), sang hỗ trợ cho các đầu thẻ BHYT, như vậy, thay bằng việc phải chi trả 100% giá trị thẻ BHYT, nay người dân, các doanh nghiệp chỉ phải chi trả 30-50% giá trị thẻ BHYT, phần 50-70% giá trị thẻ còn lại do ngân sách hỗ trợ – điều này càng làm rõ thêm phần hỗ trợ cho an sinh, xã hội của Chính phủ. Với cách làm như vậy, chắc chắn mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân sẽ đạt nhanh hơn dự kiến, thay bằng việc BHYT phải đi thuyết phục người dân, doanh nghiệp mua thẻ BHYT thì nay người dân và doanh nghiệp sẽ phải đề nghị cơ quan BHXH sớm bán thẻ BHYT cho mình. Bên cạnh đó, phần chi trả của người dân cho các dịch vụ y tế cũng sẽ không tăng, nhưng cơ sở y tế lại có nguồn thu tăng, do vậy lại có phần kinh phí quay lại để tái đầu tư cho y tế.
Việc tính đúng, tính đủ giá viện phí là điểm căn bản nhất trong việc thúc đẩy và lành mạnh hóa sự phát triển y tế hiện nay ở Việt Nam, sẽ tạo ra sự công bằng trong phát triển và đầu tư y tế, thu hút được các nguồn vốn của xã hội vào y tế, ngành y tế sẽ đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc như: mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, bớt áp lực về thiếu kinh phí cho đầu tư y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết hoàn toàn tình trạng quá tải cục bộ, tránh tham ô, lãng phí, …
Nguồn: Bệnh viện đa khoa QT Hải Phòng