Xây dựng từ tư tưởng của người dân
Ở các nước tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ bệnh viện công trên bệnh viện tư chỉ chiếm từ 1/4 – 1/5 mà thôi. Đơn cử như tại Malaysia, trong một lần đến thăm quan hai bệnh viện lớn tại thủ đô Kualumpur, chúng tôi được biết toàn quốc có 200 bệnh viện lớn, trong đó có đến 160 bệnh viện do tư nhân đầu tư và quản lý.
Ở các bệnh viện tư, với sự giám sát nghặt nghèo từ lúc cấp phép, với đội ngũ thầy thuốc giỏi được đào tạo bài bản và một hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ cả bệnh nhân và người thầy thuốc, họ có thể và được phép làm tất cả các phương pháp điều trị tiên tiến nhất như ở các bệnh viện công như: phẫu thuật tim, phẫu thuật thần kinh, cấy và ghép cơ quan…
Muốn xã hội hoá y tế tốt, đầu tiên, phải tạo được sự suy nghĩ tốt đối với y tế tư nhân từ người dân đến những nhà quản lý. Phần lớn người dân do những suy nghĩ và cách tuyên truyền từ thời bao cấp nên đều nghĩ chỉ có bệnh viện công lập, y tế nhà nước mới làm việc đúng đắn, hiệu quả, còn y tế tư nhân chỉ là lực lượng phụ, có thể làm nhiều chuyện bậy, không đúng, chặt chém bệnh nhân khi họ bị bệnh. Với suy nghĩ như vậy, họ rất ngại khi vào khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân.
Chính vì vậy, nhà nước phải giải toả tâm lý này của người dân bằng các văn bản pháp luật, bằng thông tin tuyên truyền qua báo chí, truyền thông. Trong tên gọi, cũng như biển hiệu không nên để phòng khám đa khoa hay bệnh viện đa khoa tư nhân mà chỉ có phòng khám hay bệnh viện kèm theo tên gọi chính thức như tên gọi của các cơ sở y tế nhà nước là đủ.
Cần phân biệt giữa y tế dịch vụ và y tế phục vụ
Khi khoa học phát triển, người thầy thuốc cần sự hỗ trợ rất nhiều của máy móc, dụng cụ khám chữa bệnh hiện đại, tất nhiên là rất đắt tiền. Nguồn tiền ấy ở đâu ra? Phải từ sự đầu tư của Nhà nước. Đó chính là tiền thuế của nhân dân và của cả những nhân viên y tế, đó là máu thịt và nước mắt của người dân trong cuộc chiến tranh giành độc lập.
Lúc đó, với cơ sở vật chất và nguồn kinh phí sẵn có như trên, các cơ sở y tế sử dụng nguồn tiền này nên phát triển theo hướng y tế phục vụ, bệnh nhân vào điều trị tại đây sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Còn với nguồn tiền khác như đầu tư của người dân, nhà kinh doanh hay các nhà đầu tư nước ngoài, tất cả đều phải trả bằng tiền, không có những ưu đãi đặc biệt như bệnh viện Nhà nước.
Chúng ta có nên phát huy mô hình dịch vụ trong bệnh viện công, sử dụng chính đồng tiền và cơ sở vật chất của những người dân, thêm thắt chút đỉnh rồi lại thu lại tiền của chính những người đã đóng góp lần trước?
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm cho các bệnh viện, chúng tôi thấy khoa dịch vụ, một hình thức bán công trong một bệnh viện công lập rất dễ gây hiểu lầm cho bệnh nhân và khó xử cho người thầy thuốc.
Một bệnh nhân vào nằm theo chế độ thường, mọi săn sóc vẫn như nhau, nhưng do dễ mặc cảm và tâm lý không được bình thường của con người lúc bệnh tật ốm đau, người ta rất dễ suy bì: do không có tiền nên bị đối xử như vậy.
Những người đóng tiền để nằm phòng dịch vụ thấy các dịch vụ y tế cũng như vậy, khác chăng chỉ là phòng tốt hơn thôi cũng không muốn vì họ đã phải trả tiền để mua dịch vụ y tế, số tiền ấy dĩ nhiên không phải là tự nhiên mà có, đôi khi là chắt chiu cả cuộc đời để hưởng lấy chút an nhàn khi bệnh tật ốm đau.
Bác sĩ cũng rất khó xử trong những trường hợp như vậy. Chúng tôi đã gặp những trường hợp bệnh nhân đóng tiền dịch vụ cho bệnh viện để mong được mổ sớm. Họ muốn được mổ vào những giờ đầu của buổi sáng để khỏi có tâm lý nặng nề lúc chờ đợi, khi mà người thầy thuốc, theo suy nghĩ của bệnh nhân, là đang minh mẫn và sung mãn nhất, dĩ nhiên kết quả phẫu thuật cũng là tốt nhất thì có khi họ phải đợi đến chiều vì phải mổ hết chương trình với những bệnh nhân không điều trị theo chế độ dịch vụ.