Doanh nghiệp: báo chí cần đẩy mạnh vai trò phản biện và giám sát

TBKTSG) – LTS: Nhân ngày Báo chí Cách mạng 21-6, TBKTSG ghi nhận ý kiến của các doanh nhân về làng báo Việt Nam hiện nay. Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Hợp Lực và ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN, Chủ tịch tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, nói về tính phản biện và vai trò giám sát độc lập của báo chí trong việc tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp.

TBKTSG: Là một độc giả, ông đánh giá như thế nào về tính phản biện của báo chí hiện nay so với 10-15 năm trước?

Ông Nguyễn Văn Đệ.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ: Tôi cho rằng, phản biện là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Trước đây, có nhiều vấn đề vì những lý do khác nhau chúng ta hay quy vào vấn đề nhạy cảm nên ít tờ báo, nhà báo đụng chạm đến. Ngay cả những vấn đề ở phạm vi hẹp, những bức xúc trong cuộc sống đời thường cũng ít được nhìn với con mắt phản biện của nhà báo. Hiện nay tính phản biện của báo chí đã thể hiện rõ nét hơn.

Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN: Tôi cho rằng trong bối cảnh thực tế phong phú như hiện nay rất cần có những tờ báo có lương tâm trong sáng, trung thực, có cách nhìn vừa tổng quan vừa sâu sắc, dũng cảm dám nói đúng, nói thực, nói với mục đích xây dựng. Nếu người làm báo không tự xem xét kỹ lưỡng, khách quan, dũng cảm thì sẽ khó có tính phản biện.

TBKTSG: Xin được hỏi tiếp, với tư cách là doanh nhân, các ông có nhận xét gì về vai trò phản biện chính sách, trách nhiệm giám sát độc lập của báo chí trong việc tạo lập môi trường minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN: Đánh giá một cách khách quan với những sự việc đã được báo chí đưa tin và mổ xẻ trong thời gian qua, tôi thấy tính độc lập giám sát của báo chí hơn hẳn 10-15 năm trước và hy vọng còn phải mạnh mẽ hơn nữa mới đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, kinh tế, khoa học kỹ thuật, muốn làm tốt vai trò phản biện thì nhà báo phải nâng cao trình độ năng lực của mình để có những bài báo chuyên sâu và giá trị. Chúng ta phải học, không có cách nào khác, chúng tôi cũng phải thế. Dừng lại là tụt hậu.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ: Gần đây tại diễn đàn Nhà báo và doanh nhân do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, tôi đã phát biểu kiến nghị báo chí cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, phản biện chính sách. Thực sự, doanh nhân chúng tôi không sợ năng lực quản trị yếu kém, không sợ thiếu vốn, không sợ cạnh tranh cho bằng sợ những rào cản từ cơ chế chính sách.

Đôi khi một doanh nghiệp theo đuổi dự án 4-5 năm đang rất thuận lợi bỗng nhiên có một sự thay đổi đột ngột về cơ chế, chính sách theo kiểu “lợi ích nhóm” thì thiệt hại rất lớn. Tôi muốn nói đến “giấy phép con” hiện nay quá nhiều và có những quy định nhiều khi ra đời không dựa trên thực tiễn cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Chính vì thế nó là trở lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thậm chí có thể làm tiêu tan sự nghiệp của một doanh nhân. Những lúc như thế doanh nghiệp rất cần báo chí vào cuộc kịp thời, đi đến tận cùng vấn đề để tiếng nói của doanh nghiệp đến được với cơ quan có thẩm quyền.

Một cái đơn gửi đi, nếu doanh nhân không có vị thế rất có thể vấn đề kiến nghị sẽ bị chìm xuồng. Nhưng khi báo chí đã phản ánh, thì một tay thường khó che lấp được bầu trời.

Bản thân tôi khi phản biện không phải vì lợi ích của cá nhân mà vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, của người lao động và quan trọng hơn là để giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Tôi tin rằng viết được một bài báo phản biện chính sách hay, để chính sách ấy thiết thực hơn với người dân và doanh nghiệp thực sự chính là niềm hạnh phúc của những người cầm bút.

TBKTSG: Khi phát biểu tại diễn đàn nhắc đến ở trên, nhiều người cùng nói đến ý xin báo chí đừng làm nhụt chí doanh nhân, hình như các ông đã rất thấm thía về sự vô tình của truyền thông trong khi đưa tin về họ?

Ông Phạm Đình Đoàn.

Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN: Thực sự thì doanh nhân thời nào cũng vất vả, gặp nhiều sóng gió, không ai dám nói mạnh vì lằn ranh giữa thành công và phá sản đôi khi rất mong manh.

Doanh nhân không phải kinh doanh chỉ vì mình, vì nếu vậy họ không cần vất vả đến thế. Việc báo chí đưa tin sai lệch, một nhận xét không đúng, một phê phán thiếu khách quan vì định kiến có thể làm cho chúng tôi nhụt chí. Sự tàn nhẫn tới mức vô cảm, kêu gọi cùng nhau “đánh hội đồng” có thể làm đổ vỡ những ý tưởng, hoài bão đang hình thành, thậm chí là giết chết một doanh nhân “yêu nước” trong cộng đồng kinh doanh.

Quyền lực và ảnh hưởng của báo chí là rất lớn. Nếu nói báo chí phản ánh sai, doanh nghiệp có quyền đi kiện thì đó là chuyện “hiếm có khó tìm” thậm chí có khi cũng chỉ là lý thuyết. Mấy ai đi kiện báo đã thắng được khi phải gánh chịu nhiều thiệt hại trước đó.

Tôi vẫn mong bên cạnh việc đào tạo nghề, việc giáo dục đạo đức báo chí cũng cần được chú trọng, từng tờ báo cần đưa ra các quy chế, xây dựng cẩm nang hành xử, xác định rõ trách nhiệm của các nhà báo… nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Có như vậy mới giúp cho nhà báo và doanh nhân hoạt động đúng pháp luật, liêm chính và có trách nhiệm với xã hội.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ: Tôi nhớ có người ví nghề báo như người đi trên dây, lúc nào cũng cần tỉnh táo để giữ thăng bằng. Về cơ bản các bạn vẫn đang giữ thăng bằng tốt. Tất nhiên nghề nào cũng có người này, người nọ. Khi tôi còn làm bóng đá đã có trường hợp phóng viên chưa từng gặp mặt tôi, thậm chí không hề điện thoại nhưng vẫn viết bài về tôi, trích dẫn tôi phát biểu. Điều đáng nói là thông tin không chính xác khiến nội tình đội bóng hiểu lầm nhau, ảnh hưởng đến kết quả của cả mùa giải. Chưa nói đến chuyện động cơ, chỉ riêng cách làm việc cẩu thả, không tìm hiểu đến nơi đến chốn như thế cũng đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Chúng ta đều thống nhất với nhau là báo chí có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Và vì quan trọng nên khi viết về doanh nghiệp càng phải cẩn trọng. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, khó có doanh nghiệp nào tránh khỏi những sai sót. Vấn đề là người làm báo phải có con mắt nhìn nhận sự việc một cách khách quan, công bằng, vì sự phát triển của doanh nghiệp, khả năng đóng góp cho xã hội, chứ không nên thổi phồng sự việc để gây sự chú ý của dư luận. Có những sự việc mà tôi cho là báo chí nhiều khi chưa công bằng, chẳng hạn việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp là bình thường nhưng ngay cả khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng, có lúc báo chí đã đưa tin ầm ĩ, thậm chí quy chụp như tội phạm khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng, mất thương hiệu.

Viết báo không kiểm chứng có thể giết chết doanh nghiệp

Ông Huỳnh Minh Nhựt

Ông HUỲNH MINH NHỰT, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM:

– Đứng ở góc độ doanh nghiệp, tôi nghĩ báo chí cần phải thông tin trên tinh thần hết sức trung thực và phải lắng nghe hai chiều. Ví dụ khi nghe người dân khiếu nại một doanh nghiệp về vấn đề gì, phóng viên cứ cầm đơn đưa hết nội dung lên mặt báo mà không cần hỏi lại doanh nghiệp bị phản ánh thực hư ra sao thì chưa khách quan.

Thật lòng mà nói tôi rất quý các nhà báo vì các nhà báo đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá cho doanh nghiệp, có nhiều phóng viên thực sự có tâm trong nghề báo. Nhưng nhìn rộng ra làng báo hiện nay tôi thấy chỉ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng thì không đi lên nếu không muốn nói mức độ cung cấp thông tin chưa kịp thời, đôi khi thiếu chính xác. Viết báo mà không kiểm chứng, báo chí mà giật gân có ngày chết doanh nghiệp!

Nhà văn Nguyễn Một

Nhà văn NGUYỄN MỘT, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco):

– Cách đây 10 năm, báo chí chưa theo sát với hoạt động của doanh nghiệp, nay thì đã khác, điều này rất có lợi đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tuy nhiên, trong dòng chảy thông tin cuồn cuộn, sự phát triển nóng của vô số báo mạng đã dẫn đến một số thông tin vội vàng, chạy đua thời sự nên chưa chính xác, gây hiểu lầm cho công chúng, đôi khi có những nhà báo tiêu cực thông tin sai lệch gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Không phải tự nhiên ông bà xưa có câu “bút sa gà chết”, đối với người cầm bút khi tiếp cận đề tài gì cần tìm hiểu kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, dẫn nguồn đa chiều và đối chứng thông tin để khi đặt bút cho ra sản phẩm báo chí có sức nặng, có uy tín và có lợi cho xã hội, cho cộng đồng.

Còn với doanh nghiệp, về tổng thể cần phải có cái nhìn tích cực, thân thiện, sòng phẳng và minh bạch hơn với báo chí, không nên né tránh bởi sự đóng góp của báo chí là rất lớn trong quá trình phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Truyền thông là chất xúc tác giúp định hình triết lý kinh doanh chân chính, làm vững mạnh cội rễ văn hóa doanh nghiệp.

Báo chí sẽ khởi sắc khi nhà báo giữ được lửa nghề và sự tử tế

Bà Ngô Phương Thảo

Bà NGÔ PHƯƠNG THẢO, Giám đốc Công ty Ginger:

– Cách đây chưa lâu một người bạn đang là lãnh đạo một tờ báo chính thống tâm sự rằng “cái cảm giác day dứt” lớn nhất của anh chính là viết không hết những gì muốn viết. Hiện tại, anh đã mở một cơ sở kinh doanh để đảm bảo đời sống cho vợ con mà không phải “làm sai” trong nghề của mình, cái nghề mà anh thần tượng, nguyện cống hiến từ khi còn rất trẻ.

Anh làm tôi nhớ đến một đoạn đối thoại của nhóm bạn doanh nghiệp mấy hôm trước. Một bạn gửi vào nhóm chat đường dẫn về bài báo của một doanh nghiệp nọ. Một bạn khác nói “ba xàm”, chuyện này là vầy vầy, bạn kể sự tình, dẫn chứng đầy đủ… Quả thật, dữ liệu của anh thuyết phục hơn dữ liệu của bài báo nọ.

Là người “đứng giữa hai hàng”, khi là người trong doanh nghiệp để tương tác với báo chí, khi lại đứng trung gian tư vấn cho doanh nghiệp làm việc với truyền thông, rồi có lúc lại kết nối báo chí với doanh nghiệp, cũng có khi tham gia viết báo, tôi được nghe nhiều chuyện như kể trên.

Nhưng, đó chưa phải là những thay đổi duy nhất trong làng truyền thông. Mới cách đây 4-5 năm, tài sản của những người làm truyền thông là mối quan hệ với các anh chị báo chí chính thống, thì nay việc biết rành rẽ về social media, digital marketing cũng là một thứ tài sản. Công nghệ đã khiến cho hành vi của mọi người thay đổi, và vì thế, đã có những doanh nghiệp chuyển ngân sách truyền thông của mình vào mạng xã hội, không chỉ vì xu hướng, mà còn vì mất niềm tin.

Từng tham gia viết báo, tôi hiểu rõ cái cảm giác của người bạn tôi nhắc đến ở trên, muốn trút hết những điều mình muốn nói ra câu chữ và muốn nhìn thấy những câu chữ đó tạo chuyển biến xã hội tích cực ra sao. Vai trò phản biện xã hội của một người làm báo, có lẽ mãi mãi sẽ quan trọng và thiết yếu như cơm ăn nước uống vậy. Tôi tin rằng sau một giai đoạn báo chí phát triển – thoái trào, sẽ trở lại một giai đoạn báo chí mới, báo chí phản ánh xã hội sâu sắc. Nếu không làm được vậy, thì chúng ta làm thế nào khi gia nhập TPP và trở thành một bộ phận của thị trường chung quốc tế?

Tôi tin nếu mỗi người làm báo giữ được ngọn lửa nghề và sự tử tế thì báo chí sẽ khởi sắc trở lại. Bản chất của một cộng đồng tốt, là sự kết hợp của nhiều cá nhân tốt. Biết là khó nhưng có điều gì tử tế mà dễ làm đâu?

Ông Nguyễn Thái Linh

Ông NGUYỄN THÁI LINH, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Vi tính Liên Sơn:

– Nhìn ở mảng báo chí kinh tế, giai đoạn này các tờ báo đã mạnh dạn nói thẳng và góp ý để các cơ quan quản lý thay đổi. Báo chí và doanh nghiệp đã có sự gắn bó tạo ra những thay đổi về cải cách hành chính, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tốt hơn, thực tiễn hơn…

Đội ngũ những người làm báo cũng như các tờ báo hiện nay cũng có sự phân hóa khá rõ rệt. Những tờ báo chính thống theo tôi là thông tin trung thực còn các tờ báo “thị trường” thì không đảm bảo điều đó nên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp cũng như xã hội. Chẳng hạn như câu chuyện Vietfoods vừa rồi, báo chí là con dao hai lưỡi nên nếu góc nhìn thiên về một nhóm lợi ích nào đó sẽ gây hại cho doanh nghiệp.

Tôi cũng hiểu rằng, báo chí nên nói thật, không nên nói lòng vòng.

Tôi kỳ vọng, thông tin báo chí ngày càng xác thực hơn, thể hiện ở tính đa chiều, kịp thời để giúp thay đổi những tồn tại, bất cập trong quản lý kinh tế qua đó giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, tạo ra một cộng đồng doanh nhân Việt Nam mạnh mẽ.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/147722/a.html