Bảo hiểm xã hội Bình Phước thẩm định phòng khám Tâm Đức đủ điều kiện KCB – BHYT vào cuối năm 2015, thế nhưng ông Nguyễn Tất Thao – Trưởng phòng nghiệp vụ giám định BHYT – BHXH Việt Nam cho biết, “cái đó đã sai ngay từ đầu năm 2016”…
Cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ thẩm định và giám sát…
Vụ việc BHXH Bình Phước tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với phòng khám đa khoa Tâm Đức đã và và đang gây nên các phản ứng trái chiều trong dư luận.
Do vụ việc này còn nhiều khuất tất, vì vậy bà Ngô Minh Chiến – giám đốc phòng khám đa khoa Tâm Đức đã tha thiết đề nghị BHXH Việt Nam thành lập đoàn kiểm tra liên ngành sớm làm sáng tỏ vụ việc.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam để trao đổi các thông tin liên quan đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Tất Thao – Trưởng phòng nghiệp vụ giám định BHYT cho biết, qua kiểm tra bộ hồ sơ ký hợp đồng giữa phòng khám đa khoa Tâm Đức với BHXH Bình Phước, năm 2016, theo danh sách phòng khám cung cấp cho cơ quan BHXH có 13 bác sỹ trong đó có 5/13 bác sỹ làm việc cơ hữu, bằng 38% tổng số bác sỹ hành nghề. Tỷ lệ này không đủ để được cấp giấy phép hoạt động là phòng khám đa khoa và đã sai ngay từ đầu năm 2016.
Bấm vào đây nghe ông Thao nói
Sở dĩ ông Thao nói ” sai ngay từ đầu năm 2016″ như vậy là do, tại biên bản thẩm định cơ sở đủ điều kiện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu do BHXH Bình Phước thẩm định ngày 18/11/2015 lại ghi rất rõ :
“Cơ sở đủ điều kiện để triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT ngoại trú và đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định.”
Phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện các chuyên khoa nội tổng hợp; Tai mũi họng; Sản phụ KHHGĐ; Ngoại khoa; Răng hàm mặt…. theo phê duyệt của Giám đốc sở Y tế.
Biên bản thẩm định ngày 18/11/2015 là một trong các cơ sở pháp lý để BHXH Bình Phước ký hợp đồng KCB – BHYT với phòng khám Tâm Đức trong năm 2016.
Khi được hỏi trách nhiệm của cán bộ thuộc BHXH Bình Phước liên quan đến việc thẩm định phòng khám Tâm Đức “không có bác sỹ chuyên khoa ngoại”, ông Nguyễn Tất Thao cho biết, vấn đề này là do lãnh đạo quyết định.
Bấm vào đây nghe ông Thao nói
Nếu phòng khám Tâm Đức “không đủ điều kiện” thì BHXH Việt Nam cần phải làm rõ trách nhiệm của các cán bộ BHXH Bình Phước, cụ thể là phó giám đốc phụ trách chuyên môn, ông Trần Bình Đức và ông Tạ Minh Vương – trưởng phòng giám định bởi chính, những cán bộ này đã thẩm định và ký biên bản thẩm định.
Phòng khám Tâm Đức không có bác sỹ chuyên khoa ngoại?
Theo biên bản thẩm định ngày 18/11/2015, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật chung tại phòng khám là bác sỹ Nguyễn Đồng Kính, chứng chỉ hành nghề số: 000015/BP – CCHN do Sở Y tế Bình Phước cấp ngày 26/04/2012.
Theo danh sách các nhân viên y tế làm việc tại phòng khám đa khoa Tâm Đức do phòng giám định của BHXH Bình Phước cung cấp cho phóng viên, thì Bác sỹ Nguyễn Đồng Kính cũng là bác sỹ phụ trách Ngoại tổng quát.
Quyết định số 84/QĐ- SYT của Sở Y tế Bình Phước ngày 06/02/2013 về việc phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám đa khoa Tâm Đức đã phê duyệt về việc thực hiện kỹ thuật chuyên môn khoa Ngoại như sau: “Sơ cứu cấp cứu ban đầu về ngoại khoa; Khám và xử trí các vết thương thông thường; bó bột tháo bột gẫy xương nhỏ; thắt búi trĩ độ I độ II; mổ u nang bã đậu, u nông nhỏ; không trích các ổ mủ lan tỏa lớn”.
Tại khoản 3 Điều 11 Nguyên tắc đăng ký hành nghề tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy định.
“Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách khoa trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được phụ trách một khoa và phải phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo của người đó.”
Với các quy định trên liệu bác sỹ Nguyễn Đồng Kính có được phép phụ trách thêm ngoại khoa?
Mặt khác, trong công văn số: 1955/BHXH – GĐYT ngày 23/05/2017, BHXH Việt Nam có nêu một trong các lý do để tạm ngừng hợp đồng KCB – BHYT đối với phòng khám đa khoa Tâm Đức, cụ thể:
Phòng khám đa khoa Tâm Đức không có bác sỹ chuyên khoa ngoại đăng ký hành nghề nên không đủ điều kiện là cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định tại khoản 5 điều 7 Thông tư số 40/2015/TT – BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó phòng khám sử dụng bác sỹ đa khoa thực hiện khám chữa bệnh về ngoại khoa là trái với quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, các điều cấm trong Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 không có điều khoản nào cấm bác sỹ đa khoa khám chữa bệnh ngoại khoa.
Trong các hành vi bị cấm, tại khoản 3 Điều 6 của Luật khám chữa bệnh có cấm:
- Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.
Vậy chứng chỉ hành nghề của bác sỹ Kính với chuyên môn là Bác sỹ đa khoa thì khi khám ngoại khoa có “vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn”?
Ông Thao thì cho rằng, bác sỹ đa khoa thì không thể khám chữa bệnh Ngoại khoa.
Bấm vào đây để nghe ông Thao nói
Đây cũng là một trong các vấn đề gây “tranh cãi” mà phòng khám Tâm Đức đang kiến nghị lên các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt nam cũng cho biết, cơ quan này đã gửi công văn đến Bộ Y tế, đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt nam để tổ chức thanh tra việc KCB – BHYT đối với phòng khám đa khoa Tâm Đức, khi có thông tin sẽ cung cấp cho báo chí.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ thông tin trong kỳ tiếp theo.