Từ vụ việc BHXH Bình Phước tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với phòng khám đa khoa Tâm Đức đã hé lộ sự “thiên vị” trong ký kết hợp đồng giữa BHXH Bình Phước với cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân.
Có một cơ chế cửa quyền, “ban phát” đang tồn tại ?
Sau khi BHXH tỉnh Bình Phước ban hành công văn số: 308/BHXH –GĐYT tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với phòng khám đa khoa Tâm Đức từ ngày 01/06/2017, ngay từ cuối giờ chiều ngày 31/05/2016, việc kết nối dữ liệu điện tử của phòng khám đa khoa Tâm Đức với hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam bất ngờ báo lỗi.
Các dữ liệu về chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân phát sinh tại phòng khám Tâm Đức từ ngày 31/05/2017 đã không thể gửi về Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Việc BHXH Bình Phước tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh đối với phòng khám Tâm Đức không những có dấu hiệu vi phạm hợp đồng giữa 2 bên, mà còn có những hành động cản trở phòng khám Tâm Đức thực hiện công tác khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT khi “đóng cửa” hệ thống kết nối dữ liệu, gây nên sự bất bình trong dư luận.
Cụ thể, tại điều 7 của Hợp đồng số 01/ HĐ KCB – BHYT về khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2017 giữa BHXH Bình Phước và phòng khám Tâm Đức có nêu rõ:
Khi có tranh chấp, hai bên chủ động giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng hợp tác, trường hợp chưa thống nhất thì phải ghi rõ ý kiến của các bên và báo cấp trên để xem xét giải quyết.
Trong thời gian tranh chấp, hai bên vẫn phải đảm bảo điều kiện để khám bệnh và chữa bệnh cho người tham gia BHXH.
Trong khi phòng khám đa khoa Tâm Đức vẫn tiếp tục tạm ứng kinh phí để khám chữa bệnh cho người tham gia BHXH, tuân thủ các điều khoản của hợp đồng thì không hiểu sao cơ sở kết nối dữ liệu giữa phòng khám Tâm Đức và hệ thống giám định BHYT của BHXH Việt Nam lại báo lỗi.
Trong suốt quá trình tác nghiệp, tìm hiểu vụ việc, phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phát hiện những hợp đồng khám chữa bệnh BHYT giữa BHXH Bình Phước với các cơ sở công lập rất khác lạ so với các cơ sở tư nhân.
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 8 của Hợp đồng số: xxxx giữa BHXH Bình Phước với một cơ sở công lập có nêu rõ:
Trong trường hợp các bên có thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, hai bên phải thông báo cho nhau trước 03 tháng để đảm bảo quyền lợi của của người tham gia BHYT và quyền lợi của các bên.
Trong khi đó tại Hợp đồng số 01/ HĐ KCB – BHYT giữa BHXH Bình Phước và Công ty TNHH MTV phòng khám đa khoa Tâm Đức lại không thấy có điều khoản này.
Về mặt khách quan thì các cơ sở khám chữa bệnh công lập hay của tư nhân (doanh nghiệp) đều là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đóng quỹ BHXH cũng là người dân.
Vậy tại sao các cơ sở công lập lại được “ưu tiên” hơn các cơ sở tư nhân nếu có phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng KCB – BHYT? Và BHXH Bình Phước có được phép tùy tiện ký kết các hợp đồng theo kiểu “ban phát” có lợi cho công lập và bất lợi cho cơ sở tư nhân?
Phải chăng đang tồn tại một cơ chế cửa quyền, “xin cho” tại BHXH Bình Phước? Cơ chế này đang kiểm soát chặt chẽ quỹ BHXH hay đang gây nên “nỗi sợ hãi” cho các cơ sở tư nhân khi họ không có quyền lựa chọn và bị động trong việc chăm sóc sức khỏe BHYT cho người dân?
BHXH Bình Phước có vi phạm hợp đồng …
Trao đổi với phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thế Truyền, công ty Luật Hợp Danh cho biết.
Việc BHXH Bình Phước tạm dừng Hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với phòng khám Tâm Đức cũng như có các “hành động” đi ngược lại với nội dung cam kết của hợp đồng là những dấu hiệu thể hiện sự tùy tiện và vi phạm hợp đồng đã ký kết.
Luật sư Truyền cũng cho rằng đây là việc làm chưa đúng theo trình tự, quy định của pháp luật, có lẽ BHYT Bình Phước cần xem xét lại vấn đề này.
Các báo cáo một chiều của BHXH Bình Phước dẫn đến BHXH Việt Nam ban hành công văn chỉ đạo tạm dừng hợp đồng có thực sự khách quan, và trách nhiệm của cán bộ giám định đến đâu trong vụ việc này?
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nguồn: http://enternews.vn/bat-binh-dang-giua-cong-va-tu-trong-kham-chua-benh-bhyt-111775.html