Ông Nguyễn Văn Đệ thẳng thắn đưa ra nhận định của cộng đồng doanh nghiệp là bộ máy đang thừa 50% cán bộ.
“Họ đi chơi rất nhiều, ngồi “bói” chữ nhiều hơn là làm. Chúng tôi cho rằng, có ngăn chặn được tình trạng mua quán bán chức thì mới chọn được người tài, người có năng lực như tinh thần của Thủ tướng đã nêu”, ông Đệ nói.
Ông Đệ đề nghị không nên cho phép xây dựng bệnh viện tư trong khuôn viên của bệnh viện công. Nếu không sẽ dẫn đến hậu quả trong tương lai là tham nhũng, chia chác, gây thất thoát cho nguồn lực nhà nước.
Theo ông Đệ, lúc nhà nước đang khó khăn, các doanh nghiệp đầu tư được thì nhà nước thôi, đừng làm nữa. Nếu cứ lấy tiền nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Tôi lấy ví dụ như có nhiều bệnh viện tư nhân đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho làm, nên chỉ đạo sát sao việc này.
Cũng theo ông Đệ, không thể cái gì thuận thì đẩy cho công, khó thì đẩy cho tư. Ví dụ như tại Hải Phòng, chính quyền động viên một doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ vào bến xe. Sau khi đầu tư xong thì bẻ kèo không cho xe vào.
“Tôi là Tổ trưởng tổ công tác của VCCI được cử đến bằng văn bản, điện thoại và tin nhắn cho Bí thư và Chủ tịch Hải Phòng nhưng không trả lời, 3 ngày sau cuối cùng về người không? Vậy thì kiến tạo và phục vụ ở chỗ nào? Đề nghị Chính phủ xem xét”, ông Đệ nói.
Đề cập đến “gánh nặng” chi phí chính thức và không chính thức, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, vì chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Thân, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
“Vì lẽ đó nên doanh nghiệp phải ‘đi đêm’, ‘chung chi’, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Doanh nghiệp hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm”, ông Thân nói.
Ông Thân cũng chỉ ra thực tế là một bộ phận doanh nghiệp nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm…
Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của doanh nghiệp, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.
“Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thân chốt lại.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/kinh-te/bau-de-khong-the-cai-gi-de-day-cho-cong-kho-cho-tu-1150031.tpo