Bệnh viện tư nhân vẫn chưa hết …khó!

Hiện nay, các bệnh viện tư nhân ở nước ta mới chỉ sử dụng khoảng 40 – 50% công suất giường bệnh, gây lãng phí rất lớn cho nhà đầu tư. Một số bệnh viện hoạt động cầm chừng, thậm chí phải ngừng hoạt động.

Đó là quan điểm được nêu ra tại Hội nghị y tế tư nhân khu vực phía Bắc tổ chức chiều ngày 11 tháng 3 tại Hà Nội. Trước đó, vấn đề này cũng được nêu ra vào buổi sáng cùng ngày tại Hội nghị chuyên đề KCB BHYT với các cơ sở KCB tư nhân do BHXH Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội nghị bà  Nguyễn Thị Minh , Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu rất thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại trong cơ chế chính sách nói chung khiến khối y tế tư nhân phát triển chưa xứng tầm với thực lực và kỳ vọng chung của nhân dân. Theo bà Minh: khối y tế tư nhân xuyên suốt quá trình xã hội hóa y tế chính là đòn bẩy thúc đẩy nghành y tế của nước nhà đổi mới, là tấm giương phản chiếu để khối y tế công nhìn nhận lại mình và thay đổi theo hướng tích cực. Thực tế mấy năm gần đây bộ mặt y tế Việt Nam đã thay đổi, đặc biệt là tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Người đứng đầu ngành BHXH khẳng định tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn về cơ chế chính sách trong hoạt động của khối bệnh viện tư nhân tiến tới xóa bỏ mặc cảm phận “con nuôi” bấy lâu vẫn tồn tại. Với con số 76% dân số tham gia BHXH năm 2015 cùng những thay đổi gần đây của BHXH Việt Nam cũng như lộ trình tính đúng tính đủ , Nghị định 93, Thông tư 37… hy vọng sẽ phần nào giải quyết những khó khăn hiện tại của khối y tế tư nhân, gỡ bỏ những rào cản khiến khối y tế tư nhân phát triển cầm chừng.

Vậy rào cản này nằm ở đâu?

Trong hội thảo rất nhiều ý kiến của các ông chủ bệnh viện tư nhân và các phòng khám tư nhân phản ánh những bất cập về sự chồng chéo giữa luật BHXH với Luật và Thông tư do Bộ Y tế ban hành khiến khối y tế tư nhân khi thực hiện rất khó khăn. TS. Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cho rằng: quá tải bệnh viện chỉ xảy ra ở tuyến y tế trung ương là chủ yếu và cũng chỉ rõ nguyên nhân quá tải . Theo TS. Hồi ngoài nguyên nhân tuyến trên được đầu tư trang thiết bị hiện đại đội ngũ y bác sỹ chất lượng nên bệnh nhân nặng bắt buộc phải chuyển lên tuyến trung ương để điều trị  nhưng ngay cả khi những bệnh viện tuyến dưới có đủ nguồn nhân lực đủ phương tiên y tế hiện đại nhưng do vấn đề phân tuyến điều trị và phân hạng bệnh viện làm cho những cơ sở tuyến dưới không giữ được bệnh nhân tiếp tục ở lại điều trị vì các danh mục thuốc, hóa chất điều trị không được thanh toán. Chẳng hạn như thuốc, hóa chất điều trị các bênh nhiễm khuẩn nặng thuốc hóa chất điều trị ung thư chỉ được thanh toán ở tuyến trung ương.

 

ảnh 2

Ảnh: Nhiều bệnh viện được đầu tư cơ sở vật chất lớn như Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng

Phản ánh của một số bệnh viện cho thấy: Trên thực tế, hiện nay, việc phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam giao cho Sở Y tế và BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương. Tuy nhiên, Liên ngành: Y tế – BHXH lại chưa xây dựng, chưa công khai bộ tiêu chí rõ ràng để phân thẻ BHYT cho các bệnh viện. Ví dụ như: mỗi địa phương có một cách phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu khác nhau. Nhiều bệnh viện tư nhân được đầu tư trang thiết bị hiện đại, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng lại được phân số lượng thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu thấp. Việc phân thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu còn có sự phân biệt giữa cơ sở y tế nhà nước và cơ sở y tế tư nhân. Điều này dễ  nảy sinh tiêu cực.

Mặt khác, dù quy định thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh BHYT ban đầu theo Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2016 nhưng một số bệnh viện tư nhân được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương hạng III tuyến huyện vào cuối năm 2015 vẫn chưa được thông tuyến. Bên cạnh đó, việc quy định thông tuyến huyện chỉ áp dụng trong cùng địa bàn tỉnh, khiến một số bệnh viện ở địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh cũng như bệnh nhân ở khu vực này không được thanh toán 100% chi phí khi đi KCB trái tuyến.

Chia sẻ với DĐDN, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT, Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ, Phó Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là một trong những vấn đề luôn được chúng tôi quan tâm. Khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì mặt bằng giá dịch vụ của bệnh viện nhà nước, giá dịch vụ từ các hoạt động xã hội hóa, giá dịch vụ của bệnh viện tư nhân sẽ tương đương nên không còn tình trạng bù giá như hiện nay. Điều này tạo sự công bằng cho y tế nhà nước và y tế tư nhân, góp phần khuyến khích xã hội hóa, khuyến khích sự phát triển của bệnh viện tư nhân, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Người bệnh sẽ lựa chọn cơ sở y tế tốt nhất không kể công hay tư nhưng có mức giá ngang nhau thay vì chỉ đổ dồn về bệnh viện công như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, theo vị lãnh đạo này, BHXH Việt Nam cần phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính đẩy nhanh hơn nữa lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tạo ra môi trường cạnh tranh phát triển bình đẳng giữa các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân và nhà nước, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay những chính sách ưu đãi về vốn, thuế và đất đối với các nhà đầu tư lĩnh vực y tế tư nhân vẫn còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như, Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường tiếp tục tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định sửa đổi bổ sung, UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào ngân sách địa phương để cân đối tiền bồi thường GPMB khiến nhà đầu tư gặp khó khăn. Theo quy định của Nghị định 59, các nhà đầu tư đều phải ứng trước kinh phí bồi thường GPMB và khấu trừ nghĩa vụ tài chính sau. Điều này làm giảm đi tính ưu việt của chủ trương khuyến khích xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Cùng với khó khăn đó, hiện các nhà đầu tư lĩnh vực y tế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện nay, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân chưa được khấu trừ thuế đầu vào để tái đầu tư như các đơn vị kinh doanh khác.

Cần một hành động cụ thể

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tin rằng, với sự đồng hành, vào cuộc, sự lắng nghe, chia sẻ với khối y tế tư nhân của BHXH Việt Nam, thời gian tới đây, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở y tư nhân sẽ có nhiều đổi mới tích cực. “Nếu các Bộ, ngành có liên quan đến y tế tư nhân đều đồng hành với doanh nghiệp đầu tư y tế như BHXH Việt Nam thì chắc chắn y tế tư nhân sẽ phát triển. Đành rằng y tế tư nhân vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như: chưa có chiến lược đầu tư bài bản, hoạt động manh mún, thiếu nhân lực, kinh nghiệm đầu tư, quản lý, tuy nhiên nút thắt để khối y tế này phát triển vẫn là cơ chế chính sách” – ông Đệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư  nhân Việt Nam cũng cho biết thêm: mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam rất đồng tình với những phản ánh kiến nghị của Hiệp hội bệnh viện tư nhân  Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan rà soát lại các văn bản liên quan đến y tế tư nhân, chỗ nào sai, chính sách nào chưa phù hợp cần phải điều chỉnh, bổ sung để tạo sự bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, tuyệt đối không được phân biệt y tế công hay tư.

Thiết nghĩ, chủ trương xã hội hóa là một chủ trương đúng đắn bởi biết huy động sự tham gia của toàn xã hội và các chương trình y tế công cộng cùng phát triển, trong khi thu nhập và tay nghề của cán bộ y tế tăng lên, ngân sách nhà nước bớt quá tải, và người dân được thêm quyền lựa chọn khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, làm thế nào để khuyến khích đội ngũ Doanh nhân có tâm huyết bỏ tiền và sức lực để phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức cho nhân dân đảm bảo đời sống an sinh xã hội thì họ cần một động thái thực sự, một hành động cụ thể từ phía cơ quan quản lý.
Theo Mai Thanh (Báo Diễn đàn Doanh nghiệp)