Ngày 14/3 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị nhằm tìm biện pháp san sẻ bớt bệnh nhân giữa bệnh viện Nhà nước và tư nhân với sự tham gia của gần 40 cơ sở tư phía Bắc.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua số lượng bệnh viện tư nhân tăng hơn 4 lần, từ 40 lên 170 bệnh viện. Dù vậy, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại các cơ sở này rất thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hàng năm của cả nước. Công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức dưới tải, chỉ khoảng 40-60%.
Ngược lại, nhiều bệnh viện công đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90 – 110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường, thậm chí có nơi 7-8 người.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Thanh Hóa thừa nhận: “Tình hình tại các bệnh viện tư đang rất gay nếu không giải quyết. Trong 170 cơ sở thì có đến một nửa đã chết hoặc ngắc ngoải. Thanh Hóa có 7 bệnh viện tư nhưng tới nay chỉ Hợp Lực là còn hoạt động tốt, còn lại đều trong tình trạng khó khăn, có cơ sở sắp vỡ nợ nhưng chưa dám công bố”.
Theo ông, bệnh viện công quá tải đã rõ nhưng vấn đề cơ sở y tế công lập có thực sự muốn giảm tải. Tình trạng này có thể được cải thiện nếu bệnh viện công chuyển người bệnh sang viện tư. Dù vậy, không phải cơ sở nào cũng muốn chuyển bệnh nhân đi vì liên quan đến quyền lợi, nguồn thu của họ.
Ông đề nghị Bộ Y tế nên có biện pháp hành chính để bệnh viện công san sẻ người bệnh sang viện tư…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thẳng thắn thừa nhận không tin tưởng vào y tế tư nhân.
“Chúng tôi có thể chuyển bệnh nhân của mình sang bệnh viện công khác, thậm chí chuyển về tuyến dưới nhưng không bao giờ chuyển sang bệnh viện tư – trừ một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội là nơi đã được đầu tư bài bản và hai bên có thỏa thuận hợp tác. Thực tế, có chuyển cũng chỉ là người bệnh ngoại quốc”, ông Quốc Anh nói.
Theo ông, bệnh viện muốn đông thì phải lấy được niềm tin của bệnh nhân. Ngay tại Hà Nội, nhiều bệnh viện công cũng vắng người, ngược lại có nơi 3-4 người nằm một giường bệnh nhân vẫn vào. Lý do là vì vào bệnh viện, sinh mạng là số một, điều kiện ăn ở sinh hoạt cũng quan trọng nhưng chỉ là phụ. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà giải quyết được.
Một đại biểu tại Nghệ An thậm chí khẳng định phối hợp công-tư tại bệnh viện tỉnh không bao giờ diễn ra vì vấn đề tăng thu nhập.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tâm lý người bệnh thích bệnh viện công lập, không nghèo vẫn thích chỗ rẻ hơn. Trong khi cơ sở y tế tư nhân, đội ngũ thầy thuốc có tên tuổi không nhiều, đặc biệt tuyến tỉnh, muốn gây được thương hiệu phải có thời gian; giá dịch vụ cao hơn.
Theo Bộ trưởng, công lập có nhiều lợi thế hơn, nhưng phải tự hoạch toán; giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố nên cực kỳ khó khăn. Trước năm 2018, ngành y tế sẽ tiến tới tính đúng đủ giá dịch vụ y tế. Một số bệnh viện trực thuộc Bộ sẽ thí điểm khung giá mới này để tạo cạnh tranh bình đẳng, bệnh viện công không điều chỉnh thái độ thì người bệnh sẽ chạy sang tư nhân.
Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị các cơ sở nâng cao uy tín bằng cách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và tìm cách thu hút thầy thuốc giỏi. Bộ sẽ xem xét để các bệnh viện công lập đầu ngành chuyển giao kỹ thuật cho cơ sở tư nhân.