Chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đã đóng ý kiến để cơ quan soạn thảo hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại phiên thảo luận tổ về 2 dự thảo Luật này.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, chiều 7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại Tổ 14, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đã đóng ý kiến để cơ quan soạn thảo hoàn thiện nội dung dự thảo 2 Luật này.
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Đóng góp cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trong đó có nguyên nhân nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật và nguyên nhân trong bối cảnh tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói: “Ví dụ, nội dung liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Dược, Nghị định 54, Nghị định 98… hay các Thông tư của các Bộ cũng vướng. Rất may, thời gian này Luật Giá, Luật Đấu thầu được sửa đổi, điều chỉnh nên những nội dung liên quan đến mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế cũng được tổng hợp đưa vào dự thảo“.
Người đứng đầu ngành Y tế thông tin thêm, trong quá trình tổng hợp để hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng hợp ý kiến rất cụ thể của Bộ Y tế. Trong quá trình tổng hợp, các vấn đề liên quan đến ngành Y tế là mua sắm, đấu thầu đã được thể hiện trong dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Riêng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ Y tế phối hợp rất chặt chẽ, nêu ra những nội dung còn vướng mắc để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đưa vào dự thảo Luật những quy định nhằm tháo gỡ.
Khó khăn nhất trong triển khai thực hiện là liên quan đến vấn đề xác định giá
Liên quan đến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Luật Giá (sửa đổi) là một trong những công cụ pháp lý rất quan trọng để điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trong thị trường.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thông tin, thời gian vừa qua, vướng mắc nhiều nhất, khó khăn nhất trong triển khai thực hiện là liên quan đến vấn đề xác định giá. Vì vậy, Bộ Y tế xác định Luật Giá được sửa đổi lần này ngoài mặt giải quyết những vấn đề về lý thuyết, xác định giá ra thì vướng mắc trong thực tiễn cần có những xem xét, điều chỉnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh “trong quá trình tham gia góp ý vào dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chúng tôi nhận thấy có mấy vấn đề nếu không được quy định rõ sẽ có vướng mắc”. Cụ thể:
Thứ nhất, tại Điều 4 về vấn đề giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị chuyển Khoản 1 của Điều 33 thành Khoản 15 Điều 4 để làm rõ khái niệm về giá tham chiếu. Bởi, hiện nay trong Điều 33 có đưa ra khái niệm về giá tham chiếu ở Khoản 1 để làm rõ hơn.
Đồng thời, ở Khoản 4 Điều 14 có quy định về áp dụng giá tham chiếu như thế nào, đề nghị phải làm rõ giá tham chiếu, giá tham khảo thống nhất với nhau và mục đích áp dụng thế nào.
Thứ hai, tại Khoản 12 Điều 4 có giải thích từ ngữ “kê khai giá”, trong dự thảo nói rất chung chung, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị làm rõ. Tại Mục 2 Điều 18 về vấn đề thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá thì quan điểm sửa đổi Luật lần này theo hướng giao thẩm quyền quyết định quản lý và thẩm định giá cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ, ngành cũng giao cho cơ quan, đơn vị giúp thực hiện và địa phương cũng vậy.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, ngoài có những cơ quan chuyên nghiệp thì vấn đề thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, ví dụ theo danh mục, thẩm quyền. Do đó, cần nghiên cứu lại để có tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến Mục 2 về vấn đề định giá, trong đó tại Mục 1 Điều 23 quy định việc định giá tài sản nhà nước theo yêu cầu của cơ quan chức năng, theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, việc này chưa có quy định nào, tiêu chí nào. Trong các hình thức định giá và phương thức định giá tài sản theo trưng cầu giám định chưa được quy định cụ thể nên quá trình triển khai thực hiện khó khăn. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị nên có một hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Về danh mục dịch vụ công và giá do nhà nước định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay: “Theo quy định hiện nay, điều kiện để nhà nước định giá, đặt hàng phải có số lượng, nguồn ngân sách được giao và có đề xuất cụ thể về phương án giá. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này, thẩm quyền quyết định giá sẽ do Bộ, ngành.
Trường hợp này nếu giá tính đúng, tính đủ đối với các dịch vụ nhà nước đặt hàng thì xem lại đề nghị có cần thống nhất với các quy định về Luật ngân sách và các quy định hiện hành khác hay không. Bởi vì trong trường hợp giá được tính đúng tính đủ và hướng tới giá thị trường thì có phải phụ thuộc vào vấn đề cân đối ngân sách nhà nước trong vấn đề đặt hàng theo ngân sách nhà nước hay không”.
Tại Điều 33 về vấn đề giá tham chiếu, Bộ trưởng cũng đề nghị: “Trong dự thảo Luật quy định, giá tham chiếu làm căn cứ để quyết định giá mua bán hàng hóa, dịch vụ. Giá tham chiếu đưa ra rồi có phải thực hiện theo Luật Đấu Thầu hay quyết định luôn. Nếu quy định thế này thì mai sau sẽ lúng túng trong quá trình thực hiện. Đề nghị ghi rõ quyết định giá mua, giá bán hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Đấu thầu thì mới chặt chẽ và đảm bảo trong quá trình triển khai thực hiện”.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-dao-hong-lan-gop-y-gi-ve-du-thao-luat-gia-va-luat-dau-thau-sua-doi-169221107192823726.htm