Bộ trưởng Bộ Y tế ‘đặt hàng’ khối bệnh viện tư tham gia xây dựng chính sách

Đánh giá cao vai trò của các bệnh viện tư nhân trong việc tham gia góp ý, phản biện xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đặt hàng Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam trong việc tư vấn, xây dựng chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lần đầu gặp mặt khối bệnh viện tư nhân sau hơn 8 tháng nhậm chức. Ảnh: XL

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan lần đầu gặp mặt khối bệnh viện tư nhân sau hơn 8 tháng nhậm chức. Ảnh: XL

Sáng 24/3, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng lần thứ 5. Đây là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 của cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động năm 2022, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khám, chữa bệnh.

Lần đầu tiên dự hội nghị với khối bệnh viện tư nhân sau hơn 8 tháng nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao những đóng góp của các bệnh viện tư nhân, của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam trong việc cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế.

Theo bộ trưởng, y tế tư nhân Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh, cùng với hệ thống y tế công lập góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Có 2 điểm nhấn, đó là việc các bệnh viện tư nhân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh covid-19 và tham gia có hiệu quả vào việc tư vấn, phản biện chính sách, trực tiếp là việc góp ý xây dựng Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua.

Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiều đóng góp quan trong trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật lĩnh vực y tế. Ảnh: XL

Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiều đóng góp quan trong trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách pháp luật lĩnh vực y tế. Ảnh: XL

Qua thực tiễn hoạt động của khối y tế tư nhân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cần tiếp tục tham gia sâu hơn, cụ thể hơn đối với các cơ chế chính sách lĩnh vực y tế nói chung và khám chữa bệnh nói riêng.

“Thời gian qua, với tư cách là thành viên của MTTT Việt Nam, hiệp hội đã làm rất tốt công tác tư vấn, giám sát, phản biện xã hội lĩnh vực y tế. Tại hội nghị này tôi chính thức đặt hàng đối với các bệnh viện tư, đối với hiệp hội trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật trong lĩnh vực y tế. Trước mắt là việc góp ý đối với nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám chữa bệnh sửa đổi; đồng thời tập hợp các kiến nghị khó khăn, vướng mắc thành các nhóm vấn đề gửi Bộ Y tế”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Lãnh đạo một số bệnh viện tư đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm giải quyết khó khăn, tồn tại trong hoạt động KCB. Ảnh: XL

Lãnh đạo một số bệnh viện tư đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm giải quyết khó khăn, tồn tại trong hoạt động KCB. Ảnh: XL

Theo người đứng đầu Bộ Y tế, không phải tất cả các vướng mắc có thể tháo gỡ ngay nhưng những vấn đề phù hợp với thực tiễn, trong phạm vi quyền hạn của Bộ Y tế, cơ quan này sẽ giải quyết theo quy định.

Khẳng định không có sự phân biệt giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, tất cả đều bình đẳng theo luật, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị văn phòng và các cơ quan trực thuộc Bộ trong quá trình tổ chức các hội nghị góp ý cho các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản khác liên quan đến y tế tư nhân cần phải mời đại diện Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tham gia.

“Khối y tế tư nhân có thực tiễn hoạt động phong phú, nhiều bác sỹ, nhà đầu tư y tế từng công tác tại các bệnh viện công lập, do đó có kinh nghiệm trong việc tư vấn, phản biện, xây dựng chính sách giúp ngành y tế”, bộ trưởng nói.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin đến các bệnh viện tư, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT tại cơ sở y tế.

Theo bà Lan, đề xuất bỏ tổng mức thanh toán để giúp đảm bảo quyền lợi của người bệnh, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế nhưng đi cùng với đó là việc ngành y tế phải nâng cao y đức, hướng dẫn chuyên môn, tăng cường đào tạo để đội ngũ cán bộ y tế điều trị bệnh nhân BHYT phù hợp, hiệu quả, không lạm dụng kỹ thuật điều trị.

Tại hội nghị, một số ý kiến của các bệnh viện tư đề nghị Bộ trưởng quan tâm đến vấn đề phát triển y tế cơ sở đối với khối y tế tư nhân, chính sách ưu đãi về đất đai trong lĩnh vực đầu tư cơ sở khám chữa bệnh, một số bất cập trong công tác đấu thầu thuốc, chuyển đổi số, quy định phân bổ thẻ BHYT, khám chữa bệnh cho người nghèo, giám định dị tật di dạng…

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, việc tham gia phản biện, xây dựng chính sách luôn được hiệp hội quan tâm

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, việc tham gia phản biện, xây dựng chính sách luôn được hiệp hội quan tâm

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cam kết với Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện tư nhân sẽ luôn nỗ lực, đồng hành cùng ngành y tế trong hoạt động KCB nói chung, đặc biệt là việc tham gia, góp ý xây dựng các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế.

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 300 bệnh viện tư nhân, 38.000 phòng khám tư, mới chỉ đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Mục tiêu đến năm 2025, khối y tế tư nhân chiếm 10% giường bệnh.

Theo ông Nguyên Văn Đệ, còn hơn 2 năm nữa để khối y tế tư nhân phấn đấu đạt mục tiêu 10% giường bệnh theo Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng. Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh kinh tế xã hội đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sau đại dịch Covid-19. Do đó, để y tế tư nhân phát triển, các chính sách liên quan đến lĩnh vực này cần phải được khuyến khích, sửa đổi, bổ sung kịp thời hơn nữa.

Quang Duy

Nguồn:https://baomoi.com/bo-truong-bo-y-te-dat-hang-khoi-benh-vien-tu-tham-gia-xay-dung-chinh-sach/c/45373854.epi