Ngày 29/6, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho rằng ý kiến Bộ Y tế sử dụng giá cao gấp 100 lần để xây dựng giá dịch vụ y tế là không đúng. Cơ quan có ý kiến về vấn đề này cũng đã có báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này.
Tại buổi gặp gỡ cung cấp thông tin báo chí sáng 29/6, ông Nam Liên cho biết, việc xây dựng giá các loại vật tư, hóa chất để tính giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện, cả trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương; không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở 2 vòng.
Với vòng thứ nhất so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trúng thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá.
“Vì vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng (BHXH đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này); các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn đều đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình”, ông Liên khẳng định.
Ông Nam Liên cũng cho rằng, ý kiến cho rằng định mức kinh tế – kỹ thuật để tính giá trong Thông tư 37 và điều chỉnh giá tại Thông tư 15 chưa sát với thực tế, chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các bệnh viện tuyến trên là không chính xác.
Bởi để đưa ra được mức giá này phải dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp bảo cáo của 4 bệnh viện hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng I, 140 bệnh viện hạng 2, hơn 250 bệnh viện hạng 3. “Vì thế, nếu nói số liệu chỉ căn cứ vào tuyến trung ương là chưa chính xác”, ông Nam Liên khẳng định.
Hay như với giá khám bệnh, Thông tư đã xây dựng 6 loại định mức kinh tế – kỹ thuật cho 6 hạng bệnh viện từ hạng Hạng I đến hạng IV và cả trạm y tế xã. Giá khám bệnh không lấy định mức của bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I tuyến TW làm định mức cho tuyến huyện, tuyến xã.
Hay với giá ngày giường bệnh, Bộ Y tế đã xây dựng 41 loại định mức theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã. Trong mỗi hạng bệnh viện có 9 loại giường: giường điều trị tích cực, giường cấp cứu, giường nội khoa có 3 loại theo mức độ chăm sóc của các khoa; giường ngoại khoa có 4 loại theo mức độ nặng, nhẹ của các phẫu thuật.
Riêng các dịch vụ kỹ thuật: để khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các dịch vụ để người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên mới được thực hiện. Tuy nhiên, trong mỗi hạng bệnh viện có hàng trăm bệnh viện, Luật BHYT quy định Liên bộ Y tế – Tài chính ban hành giá thống nhất theo hạng bệnh viện nên sẽ có bệnh viện có thực tế sử dụng thấp hơn hoặc cao hơn định mức bình quân chung.
Trước ý kiến cho rằng hầu hết các bệnh viện đều có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ… là chưa chính xác, phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của các địa phương đối với ngành y tế.
Theo ông Nam Liên cho biết trong thời gian vừa qua, nhà nước đã đầu tư nâng cấp trên 550 bệnh viện tuyến huyện, gần 200 bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện đã huy động vốn, vay vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng khang trang, chỉ còn một số ít bệnh viện huyện chưa được đầu tư.
Kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng về cơ sở vật chất bệnh viện ngày càng tăng.Về ý kiến cho rằng cơ quan BHXH thanh toán theo thực tế sử dụng trong trường hợp cơ sở KCB thực hiện không hết định mức (tức là thanh toán theo phương thức thực thanh, thực chi).
Việc đề nghị thanh toán này chưa phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện BHYT: “Cơ sở thanh toán: Chi phí dịch vụ kỹ thuật y tế được tính theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính theo giá mua vào nhưng không vượt quá giá trúng thầu; chi phí về máu, chế phẩm máu thanh toán theo giá quy định của Bộ Y tế”.
Mặt khác, hiện nay chúng ta đang đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT, giảm dần thanh toán theo phí dịch vụ sang thanh toán theo định suất, theo trường hợp bệnh để khuyến khích cơ sở y tế áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp để giảm chi phí; do đó việc thanh toán theo thực thanh, thực chi sẽ đi ngược việc đổi mới phương thức thanh toán.
Ông Nam Liên thông tin thêm, thông tư 37 về điều chỉnh giá viện phí. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, khuyến khích các cơ sở tuyến dưới phát triển kỹ thuật; góp phần làm tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 45 tỉnh/thành phố cho thấy, so với ngân sách cấp cho các bệnh viện năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 4.850 tỷ đồng, năm 2018 giảm 7.150 tỷ đồng.
Riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế năm 2017 đã giảm 486 tỷ đồng, năm 2018 giảm 571 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Hà Tĩnh 185 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng ….
Ngoài ra, thông tư này giúp tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (đến nay đã có 159 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên); giảm số lượng người làm việc tại các bệnh viện hưởng lương từ NSNN. Thống kê cho thấy riêng các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm được trên 20.000 người hưởng lương từ ngân sách, với số tiền khoảng 1.900 tỷ đồng/năm.
“Có những thông tin cho rằng việc điều trị giá dịch vụ y tế đã khiến quỹ BHYT phải tăng chi cho các bệnh viện 7 – 8 nghìn tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, đây là khoản tiền được chuyển từ BHYT thanh toán, thay cho ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện”, ông Nam Liên lý giải.
88 dịch vụ y tế được điều chỉnh
Quang cảnh buổi gặp gỡ cung cấp thông tin báo chí sáng 29/6.
Thông tư 15 Bộ Y tế mới ban hành ngày 30/5/2018 điều chỉnh giá 88 dịch vụ y tế dựa trên khảo sát của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam về các dịch vụ, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37 nêu trên, so với Thông tư 37:
Theo đó, điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và TYT xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.
Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm.
Bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật: người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được BHXH thanh toán.
Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau. BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu.
Bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá lần này vẫn chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí quản lý theo lộ trình giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/NĐ-CP. Do vậy, để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo Nghị định 16 và các Nghị quyết số 19, số 20 của Hội nghị TW 6, Nghị quyết số 27 của Hội nghị TW 7 thì trong thời gian tới vẫn phải tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính căn cứ vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, khả năng cân đối quỹ BHYT để tính toán lộ trình và thời điểm điều chỉnh cho phù hợp”.
Hồng Hải
Nguồn: http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-phan-phao-y-kien-dung-muc-gia-gap-100-lan-xay-dung-vien-phi-20180629101536567.htm