Thú thật đã 46 năm sống trên cõi đời, 46 năm chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, thành công, thất bại, biết bao lần chứng kiến những con người được sinh ra và cũng bao nhiêu lần phải chứng kiến những con người nhắm mắt, xuôi tay… ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng, nhưng lần này tôi không khỏi bàng hoàng bởi chỉ trong một thời gian cực ngắn tôi vừa buồn vừa lo lắng đến tột cùng rồi lại vỡ òa niềm vui, niềm sung sướng, hạnh phúc, tự hào đến tột độ… lo sợ rồi hy vọng… tất cả những cảm súc ấy xuất hiện dồn dập, tạo ra một tâm trạng vô cùng khó tả… bây giờ khi mọi việc đã tạm ổn, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hồi tưởng lại để tự hào để chia sẻ để tận hưởng niềm hạnh phúc và để tri ân, cảm ơn những tấm lòng cao cả, những con người bình dị nhưng biết sống, biết hy sinh, biết cống hiến để mang lại cuộc sống niềm hạnh phúc cho người khác.
Sự việc bắt đầu từ lúc 12h30, sản phụ Lê Thị Lợi, 42 tuổi, trú tại xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang lên bàn chờ sinh tại khoa Phụ sản của BVĐK Hùng vương, ở độ tuổi ấy các BS khuyên sản phụ nên lựa chọn cách mổ lấy thai vừa an toàn cho mẹ, vừa an toàn cho em bé, tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn, mặt khác điều kiện của chị Lợi cũng tương đối éo le, nhà chị Lợi chỉ có một mẹ, một con… Và cuối cùng các bác sĩ cũng chiều lòng bệnh nhân và để sản phụ sinh thường.
Đúng 13h00 chị Lợi xinh một bé gái nặng 2800g và mọi việc phức tạp, nguy hiểm bắt đầu từ đây. Sau khi sinh bé gái xong bác sỹ cho y lệnh gây tê tại chỗ bằng cách tiêm một ống thuốc Lidocain để khâu tầng sinh môn, nhưng ngay sau khi tiêm sản phụ có biểu hiện của dị ứng, phản vệ và rơi vào tình trạng sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt… do đã được các bác sỹ đến từ khoa điều trị tích cực BV Bạch Mai – Hà Nội tập huấn rất kỹ lưỡng về phác đồ xử trí sốc phản vệ của Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Gia Bình – chủ tịch hội Hồi Sức Cấp Cứu Việt Nam, nên sản phụ đã được cấp cứu rất kịp thời, chỉ ít phút sau bệnh nhân đã dần ổn định.
Nhưng ngay khi các triệu trứng sốc vừa tạm ổn thì sản phụ lại có biểu hiện đờ tử cung, băng huyết, lượng máu chảy theo đường âm đạo tăng rất nhanh, mọi nỗ lực của các bác sỹ đều trở nên vô nghĩa, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc mất máu, huyết áp đang từ 80/60 gần như ngay lập tức không đo được, mạch nhanh, nhỏ, rời rạc và không còn bắt được nữa, sản phụ thở ngáp rồi xuất hiện những cơn ngừng tim, da niêm mạc nhợt nhạt. Trước tình thế cực kỳ nguy cấp gần như toàn bộ Ban Giám đốc, lãnh đạo Khoa Hồi Sức Cấp Cứu, khoa Phụ Sản BVĐK Hùng Vương đã có mặt để chỉ huy và trực tiếp cấp cứu, một kíp mổ ngay lập tức được thành lập để phẫu thuật cắt tử cung nhằm cầm máu khẩn cấp, một lực lượng khác cũng vô cùng quan trọng phía bên ngoài phòng mổ cũng được triệu tập đó là các nhân viên y tế của bệnh viện có nhóm máu A Rh+ là nhóm máu trùng với sản phụ Lê Thị Lợi và chỉ chưa đầy 20 phút kể từ khi bệnh nhân lên bàn mổ 04 đơn vị máu còn nóng được lấy ra từ những trái tim nhân hậu của các cán bộ Y bác sỹ của bệnh viện Hùng Vương. Lúc này trong phòng mổ, bác sỹ Gây mê hồi sức ép tim, bác sỹ sản khoa thực hiện thao tác mổ cấp cứu, bác sỹ huyết học thiết lập đường truyền để truyền máu cho bệnh nhân.
Bác sĩ CKI. Đăng Thanh Hải – Giám đốc BVĐK Hùng Vương hỏi thăm tình hình sức khỏe bệnh nhân Lợi
Có lẽ chưa bao giờ trong phòng mổ của BVHV có được không khí khẩn trương, nghiêm túc như trong lúc này, những nét mặt đăm chiêu căng thẳng, những ánh mắt quyết tâm, những mái đầu chụm lại, họ lặng lẽ nhưng khẩn trương, các thao tác quyết đoán, hợp tác và chính xác đến từng chi tiết. Ca mổ kết thúc nhưng trên nét mặt của tất cả chúng tôi, gần 20 con người tham gia kíp cấp cứu vẫn chưa thể có được sự thảnh thơi vì bệnh nhân của chúng tôi, sản phụ Lê Thị lợi vẫn còn đang trong tình trạng vô cùng nguy kịch, mặc dù đã được bù tối đa khối lượng tuần hoàn bằng những đơn vị máu toàn phần, các chế phẩm từ máu và đầy đủ các loại thuốc cấp cứu cần thiết đúng phác đồ chuẩn của Bộ Y tế và của các chuyên gia khoa HSCC bệnh viện Bạch Mai nhưng tình trạng của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện nhiều, sản phụ vẫn hôn mê sâu, tim vẫn thỉnh thoảng ngừng đập. Trên màn hình Monitor theo dõi cho bệnh nhân những chỉ số sinh tồn liên tục biến loạn, máy thở thỉnh thoảng lại dóng lên những tín hiệu báo động… hơn 3 giờ kể từ khi ca mổ kết thúc, chúng tôi vẫn nín lặng chờ đợi, bữa cơm tối dọn ra rồi lại dọn đi, không ai bảo ai nhưng không ai có thể…
Trên buồng sơ sinh tiếng trẻ khóc không biết có phải tiếng của con sản phụ đang thở máy hay không nhưng ai cũng sót xa, trong chúng tôi nhiều người ngoảnh mặt để giấu đi những giọt nước mắt, chúng tôi thật sự run sợ, run sợ không phải vì trách nhiệm, bởi lẽ, chúng tôi đã làm đúng, đã làm hết tất cả những việc có thể làm được, chúng tôi đã cứu chữa cho bệnh nhân bằng trí tuệ, bằng lương tâm, bằng trách nhiệm, bằng nước mắt và cả máu của mình, chúng tôi run sợ nếu không may sản phụ không qua khỏi thì một em bé sẽ phải mồ côi, một gia đình vốn không có cha nay lại không còn mẹ thì cuộc sống của những người còn lại sẽ ra sao… và chúng tôi lại quyết tâm, những đơn vị máu, những đơn vị huyết tương, khối tiểu cầu lại tiếp tục được huy động, 02 giờ sáng ngày 23/9 sau hơn 6 giờ kể từ khi bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch nhất, Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thế Thạch người có nhiều kinh nghiệm trong việc cấp cứu và điều trị tích cực bệnh nhân rối loạn đông máu do mất máu cấp và anh đang làm việc tại khoa Điều Trị Tích Cực – Bệnh Viện Bạch Mai đã vượt qua chặng đường hơn 100 cây số trực tiếp đến buồng Hồi Sức nơi mà sản phụ Lợi đang nằm điều trị để cùng chúng tôi: lãnh đạo và thầy thuốc của BVHV để hội chẩn và chúng sức quyết tâm cứu sống bệnh nhân… Những quyết định táo bạo nhưng có sức thuyết phục tiếp tục được đưa ra, và có lẽ, khoa học kết hợp với lương tâm và trách nhiệm đã trở thành một thứ sức mạnh vượt lên số phận.
05 giờ sáng cùng ngày, khi mặt trời chuẩn bị tỏa ánh sáng ban mai đầu tiên thì cũng là lúc sản phụ có những phản xạ sinh tồn đầu tiên, trên màn hình Monitor những đường sóng ổn định hơn, chiếc máy thở chạy đều theo khuôn ngực người bệnh, sản phụ Lê Thị Lợi đã chính thức được giành lại từ lưỡi hái của tử thần, chúng tôi không ai bảo ai tất cả cùng nở một nụ cười rạng rỡ, Thạc sĩ – Bác sĩ Thạch lại vội vã lên xe để trở về Hà Nội, chúng tôi lại ai vào việc nấy, một ngày mới lại bắt đầu…
Một ngày làm việc của các Y Bác sĩ BVĐK Hùng Vương tại Khoa Cấp Cứu – BVĐK Hùng Vương
Hơn 12 tiếng chiến đấu với tử thần, chúng tôi đã trải qua tất cả các cung bậc của cảm xúc nhưng điều quan trọng hơn cả, chúng tôi là những người chiến thắng, cho phép tôi từ đáy lòng mình được tạ ơn Trời Phật đã thêm một lần rủ lòng từ bi cứu chúng tôi thoát khỏi một thảm họa, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến tất cả các thầy thuốc, các cán bộ nhân viên của BV đã cùng tôi chiến đấu với tử thần để giành lại một mạng sống…
Tác giả bài viết: Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương
Nguồn tin: benhvienhungvuong.org