Cách xã hội hóa “giết” bệnh viện tư

Trong khi tại các bệnh viện (BV) công, người bệnh chen chúc nhau xếp hàng, nằm ghép 2-5 người/giường bệnh thì nhiều BV tư đang chết yểu hoặc có nguy cơ phá sản vì thiếu vắng bệnh nhân (BN). Điều đáng nói, một trong những nguyên nhân lại do chính cách thức được gọi là xã hội hóa hiện nay.

Không tin tưởng vào BV tư

Trước thực trạng các BV tư đang lao đao vì người bệnh không quan tâm, đại diện của Hội Hành nghề y tư nhân đã đề nghị Bộ Y tế nên có biện pháp hành chính để BV công san sẻ người bệnh sang BV tư… Phản đối đề xuất này, ông Nguyễn Quốc Anh – GĐ BV Bạch Mai – đã thẳng thắn nói không tin tưởng vào y tế tư nhân: “Chúng tôi có thể chuyển BN của mình sang BV công khác, thậm chí chuyển về tuyến dưới, nhưng không bao giờ chuyển sang BV tư ”. Theo ông Quốc Anh, BV muốn đông thì phải lấy được niềm tin của BN. Vì sao có BV 3-4 người nằm một giường BN vẫn vào. Lý do là vì vào BV, sinh mạng là số một, điều kiện ăn ở sinh hoạt cũng quan trọng nhưng chỉ là phụ. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà giải quyết được.

Lý giải thêm cho việc BV công không chuyển BN cho BV tư, một bác sĩ (BS) đang là phó trưởng khoa của một BV T.Ư kể: “Tôi đã được một BV tư nhân có tên tuổi ở TPHCM mời sang làm trưởng khoa với mức lương cao gấp 3 lần lương của BV công, nhưng tôi đã từ chối vì qua tìm hiểu, đội ngũ các BS ở đây chỉ làng nhàng, thậm chí có BS bị kỷ luật ở BV công phải chạy sang BV tư. Sau này tôi được biết, vị BS về làm trưởng khoa ở BV đó thay tôi là người đã từng làm chết BN, vài BN bị tai biến nặng do trình độ chuyên môn hạn chế. Do vậy, thỉnh thoảng nghe đâu đó có những ca tử vong, tai biến, hay kiện tụng ầm ĩ ở BV tư đó cũng là điều dễ hiểu…”.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, hiện nay ở BV tư nhân, đội ngũ thầy thuốc có tên tuổi không nhiều, chuyên môn chưa cao nên không tạo được thương hiệu, hơn nữa vì lợi nhuận nên giá dịch vụ cao hơn nhiều so với BV công nên khó thu hút người bệnh.

BV tư kêu “trời” vì thiếu công bằng

Một GĐ BV tư ở TPHCM đã không ngần ngại nói: “Chính sách xã hội hóa của ngành y tế và việc thực hiện không đúng cách của nó đã góp phần “giết chết” các BV tư nhân. Hiện nay hàng loạt BV công lấy danh nghĩa xã hội hóa nhưng lại lấy công làm tư như mổ dịch vụ, chụp CT, X-quang… Họ khoác cái áo xã hội hóa để bắt tay tư nhân nhằm trục lợi từ BN. Một thực tế nữa là các BV công lại được phép mở các khoa phòng khám-chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu, thu tiền cao ngất ngưởng trong khi cơ sở vật chất không phải đầu tư…”.

Theo ý kiến của một số BV tư, chính sách BHYT hiện nay cũng đang giết dần BV tư. Ví dụ như BHYT ký với BV tư khác BV công, BN chụp CT ở BV tư được hưởng 500.000 đồng, chụp ở BV công được hưởng 700.000 đồng… Những quy định này đã vô tình đánh giá thấp hệ thống y tế tư nhân. Từ đó, nền y tế tư nhân dần dần xuống cấp, không thể đầu tư lớn, dẫn đến một số BV biến dạng theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Nhiều người cho rằng, các BV công lúc nào cũng đông nghẹt người đến khám-chữa bệnh thì có lẽ xây BV tư chắc sẽ “ngon ăn”. Nhưng thực tế không hẳn thế. Nhiều BV tư hiện nay có cơ ngơi khang trang đang bỏ không, hoặc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi chủ… Nhiều BV tư đang trong tình trạng lỗ hoặc hoạt động cầm chừng. Nói về vấn đề này, đại diện Hội Hành nghề y tư nhân thừa nhận, hệ thống y tế tư nhân đang tồn tại nhiều bất cập khiến nhiều BV lâm vào cảnh “lao đao”. Dù cơ sở vật chất hiện đại nhưng BV tư nhân thiếu hụt các thầy thuốc giỏi, có uy tín nên chưa xây dựng được thương hiệu cho mình; thêm vào đó, chi phí điều trị cao đang là trở ngại trong việc thu hút BN. BS Phạm Thành Vận – Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân VN – nói: “Tại các BV công, khi xảy ra tai biến, BV được cơ quan quản lý chỉ đạo thành lập hội đồng thẩm định. Còn BV tư, phải tự giải quyết vấn đề của mình. Chưa biết sai-đúng thế nào nhưng người nhà BN đã kéo thẳng đến BV, làm khó dễ…”.

Đã có lúc ngành y tế đặt kỳ vọng các BV tư có thể “hút” được người nước ngoài ở VN hay đến VN chữa bệnh hoặc người VN thay vì ra nước ngoài khám-chữa bệnh thì chữa bệnh ở BV tư. Nhưng rất tiếc điều đó mới chỉ tồn tại ở rất ít chuyên ngành ở một vài BV tư, còn đa số vẫn chỉ là sự kỳ vọng.

Theo báo Lao Động.