Theo ông Nguyễn Văn Đệ, trong lĩnh vực phức tạp như y tế – nơi mỗi thủ tục, mỗi chính sách đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân – cải cách hành chính không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Vừa qua, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, 20 thủ tục hành chính và 5 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại 5 đơn vị thuộc Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục An toàn Thực phẩm, Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế), bị phát hiện có một số thiếu sót, vi phạm.
Trong đó, 19 thủ tục hành chính hồ sơ giải quyết quá hạn, 10 thủ tục hành chính quá hạn trên 50%, một số thủ tục hành chính quá hạn từ 89-90%. Một số thủ tục có hồ sơ quá hạn bình quân trên 400 ngày. Một số hồ sơ có thời gian tiếp nhận, chuyển hồ sơ thẩm định và yêu cầu bổ sung hồ sơ kéo dài từ 2-4 năm, trong khi quy định là 3 ngày làm việc.
VietNamNet xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm của GS.Viện sỹ danh dự Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam về vấn đề này.
Theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hồ sơ quá hạn tại Bộ Y tế được ghi nhận ở mức 69,8%, với một số lĩnh vực như dược, y dược cổ truyền và thiết bị y tế có tỷ lệ quá hạn lên đến 90%. Đây là con số phản ánh thực trạng khó khăn.
Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2023 là thời kỳ đặc biệt khó khăn, không chỉ với ngành y tế mà với toàn bộ đất nước. Đại dịch Covid-19 đã tạo nên sức ép chưa từng có, buộc hệ thống y tế phải ưu tiên toàn lực cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường quy.
Cùng với đó, hàng loạt vấn đề tích tụ từ trước – từ các tồn đọng lịch sử trong giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, đến thiếu hụt nhân lực khi nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác – đã khiến nhiệm vụ cải cách hành chính càng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh này, người dân và doanh nghiệp có những phản ứng không bằng lòng là điều dễ hiểu.
Bộ Y tế đã làm gì để cải cách thủ tục hành chính?
Do đó, kể từ khi Việt Nam công bố hết dịch Covid-19, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp cải cách nhằm xử lý tồn đọng, xây dựng nền tảng bền vững cho nền y tế, được thể hiện rõ nét qua các chính sách và chương trình cụ thể.
Ban hành Nghị quyết 80/2023/QH15 – Giải pháp khẩn cấp tháo gỡ khó khăn
Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 nhằm tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024. Nghị quyết này đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn cho các doanh nghiệp dược, đồng thời đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc – vấn đề từng làm đau đầu các cơ sở y tế. Các bệnh viện không còn cảnh thiếu hụt thuốc nghiêm trọng, đảm bảo quyền lợi điều trị của người bệnh.
Chỉnh đốn nội bộ, nâng cao trách nhiệm công vụ
Phải nhìn nhận khách quan rằng, một trong những vấn đề lớn ở Bộ Y tế tồn tại nhiều năm là sự chậm đổi mới, thậm chí có lúc, có nơi diễn ra tình trạng trì trệ trong nội bộ. Lãnh đạo Bộ Y tế đã kiên quyết yêu cầu đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc các cá nhân, tập thể có liên quan đến các vi phạm trong công tác hành chính, đồng thời xây dựng quy trình chuẩn hóa, tăng cường đào tạo cán bộ và áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đội ngũ phụ trách các lĩnh vực hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như dược phẩm và trang thiết bị y tế. Nhờ các biện pháp này, công tác cải cách hành chính tại Bộ Y tế đã có sự chuyển biến tích cực, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Trong 2 năm 2023–2024, Bộ Y tế đã tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật quan trọng, tạo nền móng cho một hệ thống y tế minh bạch và hiện đại hơn. Điển hình là Luật Khám bệnh, chữa bệnh với mục tiêu đặt người bệnh làm trung tâm, thúc đẩy tự chủ cho bệnh viện. Luật Dược (sửa đổi) giúp đơn giản hóa thủ tục, minh bạch giá thuốc và hỗ trợ doanh nghiệp. Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) cũng được mở rộng phạm vi chi trả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ hơn.
Những thay đổi này là bước tiến lớn, giúp ngành y tế vận hành hiệu quả hơn. Kèm theo đó là các nghị định và thông tư hướng dẫn các văn bản luật đảm bảo sự đồng bộ, khả thi, tính bền vững cho hệ thống pháp lý trong lĩnh vực y tế, đồng thời giải quyết tồn đọng thủ tục hành chính, tạo sự đổi mới toàn diện cho một hệ thống y tế minh bạch, hiện đại và nhân văn.
Tăng cường kiểm tra và điều chỉnh kịp thời
Song song với việc xây dựng pháp luật, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế. Thông qua các cuộc họp chuyên sâu, những vấn đề như cấp phép hoạt động, quản lý khám chữa bệnh, môi trường và đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế đã được rà soát và điều chỉnh kịp thời.
Bộ Y tế cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của cộng đồng y tế tư nhân, nhất là ở góc độ xây dựng chính sách, cải cách thủ tục hành chính. Sự phối hợp giữa y tế công – tư đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, và xây dựng một hệ thống y tế minh bạch, hiện đại, vì lợi ích chung của người dân.
Áp dụng công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính
Thực tế, trong 2 năm trở lại đây, Bộ Y tế đã đẩy mạnh và rất quyết liệt áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp. Kết quả đã có 95% thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết qua nền tảng này, giảm thiểu tối đa các tiêu cực phát sinh.
Riêng trong năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành 16 quyết định nhằm sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình. Cụ thể, Bộ đã công bố mới 17 TTHC, sửa đổi và bổ sung 127 TTHC, đồng thời bãi bỏ 45 TTHC; đã cắt giảm, đơn giản hóa 153 quy định TTHC và 14 quy định về điều kiện kinh doanh, giúp các doanh nghiệp dược, trang thiết bị y tế tiết kiệm được hơn 570 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã công khai toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia, trong đó bao gồm các lĩnh vực quan trọng như: dược, mỹ phẩm, y dược cổ truyền, khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế và an toàn thực phẩm, với 100% tổ chức, cá nhân hài lòng khi giải quyết TTHC tại các đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, ngành y tế cũng đã triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, liên kết với các tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động y tế:
– Đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân: Đạt tỷ lệ gần 96%.
– Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Hơn 55% cơ sở y tế đã thực hiện.
– Liên thông giấy chứng sinh, giấy chứng tử: Đạt tỷ lệ 100%, giúp giảm đáng kể thời gian và thủ tục cho người dân.
Các nỗ lực cải cách của Bộ Y tế đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
– Tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm mạnh: Trong 5 tháng đầu năm 2024, Bộ đã giải quyết 666 hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu thuốc và 3.641 hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu nguyên liệu, bao bì, vỏ nang; công bố 14 đợt gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành cho 13.202 thuốc và nguyên liệu làm thuốc.
– Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp tăng lên: Theo khảo sát nội bộ, tỷ lệ hài lòng với dịch vụ công tại Bộ Y tế đã tăng từ 70% lên 85% vào năm 2024.
– Nguồn cung y tế ổn định: Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc hoặc thiết bị y tế trên diện rộng.
Chúng ta không phủ nhận rằng ngành y tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, trong một lĩnh vực phức tạp như y tế – nơi mỗi thủ tục, mỗi chính sách đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân – cải cách hành chính không thể là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và sự phối hợp đồng lòng từ tất cả các bên liên quan: lãnh đạo, nhân viên y tế, người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cai-cach-hanh-chinh-y-te-khong-the-giai-quyet-mot-som-mot-chieu-2350817.html