Chính sách bảo hiểm y tế đã thật sự đi vào cuộc sống

15 năm triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa X về “Ðẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” cho thấy chính sách bảo hiểm y tế đã thật sự đi vào cuộc sống. Việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân; tạo sự tin tưởng, an tâm khi người tham gia bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Kiểm tra công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh QUANG MINH)

Kiểm tra công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. (Ảnh QUANG MINH)

Ngày 7/9/2009 Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa X ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về “Ðẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”. Chỉ thị yêu cầu cấp ủy đảng các cấp, bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân và tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT; tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về BHYT, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể và các đơn vị.

Chỉ thị cũng yêu cầu đổi mới công tác truyền thông, trong đó nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT và đề cao nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người dân trong tham gia BHYT tập trung vào các đối tượng: nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, các chủ sử dụng lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân…

Theo báo cáo của Ban cán sự đảng Bộ Y tế, đến nay, sau 15 năm thực hiện, Chỉ thị số 38-CT/TW đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động trong ngành y; góp phần quan trọng thực hiện tốt chính sách BHYT, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân, tạo lòng tin, sự tin tưởng, an tâm khi người tham gia BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật BHYT kịp thời, đồng bộ, bảo đảm chất lượng và đáp ứng các yêu cầu trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; thiết thực hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT…

Kết quả nổi bật là tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng, từ 58% số dân (năm 2009) lên 93,35% số dân (năm 2023), tương ứng với 93,307 triệu người tham gia BHYT. Số lượt người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh cũng tăng nhanh qua từng năm, riêng năm 2023 có 174,8 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT; cùng với đó chi phí chi trả khám, chữa bệnh BHYT cũng tăng nhanh qua các năm, năm 2010 số chi khám, chữa bệnh BHYT là hơn 19,6 nghìn tỷ đồng; năm 2015 là 47,9 nghìn tỷ đồng và năm 2023 là với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi; danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế. Thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, nhiều người bệnh được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng, thời gian qua đã có người bệnh được chi trả lên tới 4,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, TS Nguyễn Khánh Phương (Viện trưởng Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế) cho rằng nguồn thu BHYT hiện nay hạn chế, mức đóng BHYT của Việt Nam thấp so với phạm vi quyền lợi hiện tại và yêu cầu mở rộng, đồng thời cũng thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Ðáng nói, mức chi tiền túi của người dân khi khám, chữa bệnh vẫn cao, lên đến 45,1%…

Ðể Quỹ BHYT bền vững cần áp dụng đồng chi trả đối với mọi người dân tham gia BHYT; yêu cầu tham gia bắt buộc, tham gia cả hộ gia đình mà tránh những lựa chọn bất lợi cho quỹ (khi ốm mới tham gia BHYT). Ðồng thời cần có “người gác cổng” tỉnh táo để kiểm soát chuyển tuyến, kiểm soát gian lận, lạm dụng Quỹ BHYT. Về lâu dài cần quản lý bệnh mạn tính, tránh biến chứng phải nhập viện dẫn đến chi phí khám, chữa bệnh lớn…

Các chuyên gia lĩnh vực BHYT cũng cho rằng, cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh bao gồm bốn yếu tố (chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản…), nhưng thực tế hiện nay dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT mới tính hai yếu tố (chi phí trực tiếp và tiền lương). Bộ Y tế dự kiến, đến tháng 7 sẽ đưa thêm chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế BHYT và đến năm 2025 sẽ tính đủ cả bốn yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế…

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, Bộ Y tế đề xuất kiến nghị Ban Bí thư xem xét tiếp tục ban hành văn bản mới về đẩy mạnh công tác BHYT để phù hợp trong tình hình mới; đề nghị Ðảng đoàn Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHYT; Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về BHYT. Ðối với Chính phủ tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT hằng năm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tăng cường đầu tư ngân sách cho thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT và giải quyết vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm vững về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Các địa phương cần có biện pháp thúc đẩy mọi người dân tham gia BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BHYT tại địa phương; đồng thời bố trí ngân sách hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng…/.

Nguồn: Nhandan.vn