“Chúng tôi quyết định đánh một trận cho ra trò, có nằm xuống cũng oanh liệt”. Đó là chia sẻ với Tuổi Trẻ của bác sĩ Trần Hùng – giám đốc Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng.
“Là một bệnh viện tư, chúng tôi phải tính toán trăm bề trong bối cảnh dịch bệnh. Bế quan tỏa cảng, đóng cửa phong thành kiểu gì rồi cũng “chết”, thay vì giữ gìn sự sạch sẽ cho riêng mình”, bác sĩ Hùng tâm sự.
Thời điểm này đã có nhiều bệnh viện các tỉnh miền Trung “chia lửa” với các bệnh viện bị phong tỏa ở Đà Nẵng, nhưng cách đây hơn một tuần mọi thứ không hề dễ dàng. Vậy mà bác sĩ Trần Hùng nói quyết định được đưa ra trong vòng “ba nốt nhạc”.
Vì chúng tôi là Đà Nẵng
* Tôi nghĩ không dễ quyết định như thế, đặc biệt là theo cách nói trong vòng “ba nốt nhạc” của bác sĩ?
– Từ khi nước ta có ca nhiễm đầu tiên, chúng tôi đã lường trước những tổn thương nếu chẳng may bệnh viện mình gặp phải một ca nhiễm COVID-19. Vậy nên có dịch hay không chúng tôi cũng xác định các biện pháp phòng hộ. Đúng là ngay khi Đà Nẵng công bố ca bệnh đầu tiên có liên quan đến bệnh viện, đó là thời điểm rất căng thẳng mà chúng tôi phải tự vệ hết sức có thể. Bởi thông tin liên quan đến ca nhiễm là rất nhạy cảm đối với tình hình khám chữa bệnh của một cơ sở y tế, nhất là đối với bệnh viện tư nhân. Chúng ta có thể thấy ngay hậu quả của việc này một khi bệnh viện bị phong tỏa, mà trường hợp bệnh viện tư bị cách ly phong tỏa trong đợt dịch đầu tiên thì ở Hà Nội cũng đã xảy ra rồi.
Khi ba cơ sở y tế lớn của thành phố bị phong tỏa, chúng tôi biết rồi đây gánh nặng y tế sẽ đổ dồn về các trung tâm còn lại. Nguồn nguy cơ đến từ mọi phía nên không có cơ sở y tế nào thoát khỏi hễ còn mở cửa đón bệnh nhân. Hơn nữa, lúc đó Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi là nơi thu dung và điều trị chính cho những ca bệnh COVID-19 và nghi ngờ dương tính với virus corona đang trong tình trạng rất căng thẳng.
Biết là một quyết định rủi ro cho một bệnh viện tư. Nhưng một khi cả nước chung tay chống dịch thì không ai có thể ngồi ngoài nên chúng tôi quyết định “chia lửa” với các bệnh viện công.
* Ông làm điều đó thế nào, nhất là khi sau lưng còn những “ông chủ” là cổ đông?
– Khi quyết định sẽ hành động ngay, tôi bốc máy gọi cho lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng nói rằng bệnh viện mình muốn giữ lại những ca nghi ngờ, sẵn sàng cho thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 thay vì “đẩy” ngay những trường hợp nghi ngờ về những cơ sở y tế kia. Thời điểm đó chúng tôi là cơ sở y tế tư nhân đầu tiên đề xuất ý kiến này nên ngay lập tức một đoàn khảo sát của bộ phận thường trực Bộ Y tế đã đến để kiểm tra cơ sở vật chất và tình hình nhân lực. Họ thấy ổn vì chúng tôi có đội ngũ chuyên môn đạt yêu cầu cũng như có các phòng hồi sức tích cực với máy thở đáp ứng được.
Hiện tại chúng tôi “chia lửa” bằng việc nhận điều trị gần 70 bệnh nhân và một số lớn người nhà kèm theo. Họ đều thuộc đối tượng nghi ngờ F1 nên chúng tôi tổ chức không gian điều trị cách ly chuyên biệt. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ chuyển sang nơi khác để điều trị.
Về những cổ đông đứng sau bệnh viện thì không hề có khó khăn hay áp lực gì cả. Họ cho tôi toàn quyền quyết định. Cổ đông là người Đà Nẵng, nhân viên cũng là người Đà Nẵng, bệnh nhân mình cũng người Đà Nẵng. Chúng tôi là Đà Nẵng, khi thành phố khó khăn thì ai cũng phải vào cuộc thôi.
Một khi cả nước chung tay chống dịch thì không ai có thể ngồi ngoài nên chúng tôi quyết định “chia lửa” với các bệnh viện công.
Bác sĩ TRẦN HÙNG (giám đốc Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng)
“Vũ khí” ra trận
* Thật ra cũng có những cái khó vì thời điểm đó bệnh viện có gần một nửa số nhân viên là F2 phải cách ly y tế tại nhà do có liên quan đến một số ca nhiễm COVID-19 trong thành phố?
– Tôi biết quyết định vậy cũng sẽ khiến không ít nhân viên của mình bất an, nhất là những người thân trong gia đình lo lắng. Bởi số còn lại này vẫn chọn chia tay người thân của mình để vào trực chiến 24/7.
Nhưng không ra trận thì ngồi đó cũng “chết” vì nguy cơ có thể đến từ những ca ở khu khám bệnh ngoại trú. Chi bằng quyết định như vậy, động viên họ đã vào cuộc thì phải quyết liệt. Đã phòng chống thì phải thực hiện cho tốt, y như đang chạy chữa cho các ca bệnh. Cũng không có gì phải lo lắng vì chúng tôi đã trang bị phòng hộ chuẩn cho mình và bảo vệ tốt cho bệnh nhân.
Nếu tuân thủ tuyệt đối thì không có quá nhiều nguy cơ. Tôi nói với nhân viên mình hãy nhớ đến bài học của bệnh nhân võ sư người Mỹ được đưa từ Đà Nẵng vào TP.HCM chữa trị. Ông ấy được chuyển đến nhiều khoa phòng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng Chợ Rẫy vẫn đứng vững vì họ biết cách phòng hộ.
Thực tế thì hơn một tuần qua chúng tôi đã chứng minh được điều này, trong số các bệnh nhân khám ngoại trú và bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển qua đã có nhiều ca dương tính, thậm chí có ca tử vong vì bệnh nền quá nặng nhưng tại bệnh viện chúng tôi vẫn không có tình trạng lây nhiễm chéo sang nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.
* Trước khi ra trận, bệnh viện đã chuẩn bị những “vũ khí” gì để chiến đấu được lâu dài, nhất là khi quân số, cơ sở vật chất có hạn?
– Đương nhiên phải có nhiều tính toán “chiến thuật”. Đầu tiên là đến từ sự chuẩn bị, chúng tôi đã xây dựng và bước qua cấp độ 5 của phòng chống dịch. Rồi có sự cải tạo lớn về cơ sở vật chất tại tầng 8 để thu dung và điều trị cho 70 bệnh nhân nặng chuyển về. Bằng mọi giá cách ly tuyệt đối những bệnh nhân thiếu may mắn này khỏi nhóm nhân viên và bệnh nhân còn lại.
Chúng tôi thiết kế lại các khu vực điều trị theo kiểu các môđun tách biệt để phòng hờ trường hợp có sự cố sẽ không ảnh hưởng đến các khu vực khác. Người làm việc trong các khu vực nhạy cảm, nhiều nguy cơ sẽ bố trí ăn ngủ tại chỗ để tự cách ly. Ngoài việc 100% nhân viên trong bệnh viện đều buộc phải mang trang bị bảo hộ khi làm việc, những bộ phận làm việc hành chính hoặc các khu ít nguy cơ cũng được chúng tôi thuê riêng một khách sạn bên cạnh bệnh viện để “tự cách ly”.
Mong mỏi cả nước dập được dịch
* Và tất nhiên cũng có nhiều sự thay đổi về hoạt động khám chữa bệnh từ khi bệnh viện ông “chia lửa” với các bệnh viện bị phong tỏa?
– Nhiều người sẽ nghĩ ngay đến doanh thu, lượt người đến khám chữa bệnh sẽ giảm sâu. Đúng là trong bối cảnh, xu thế này thì khó có thể cưỡng lại được.
Chúng tôi xác định bối cảnh này, dòng vốn khó mà dương. Nhưng mình đã chịu ơn, được hưởng những thành quả từ sự phát triển ở Đà Nẵng nhiều năm nay thì có âm cũng ráng chịu để đóng góp cho xã hội.
* Vậy trước mắt, ông trông chờ điều gì?
– Chúng tôi hi vọng sống từng ngày. Trong bối cảnh này mà tiếp tục trụ được, không phải “hi sinh”, không phải bị phong tỏa sẽ là người chiến thắng. Trường hợp ngược lại nếu chúng tôi “thất thủ” sẽ là một gánh nặng lên vai Đà Nẵng. Xa hơn là mong mỏi cả nước dập được dịch càng sớm càng tốt. Bởi ai cũng vậy, sức chịu đựng, nguồn lực sẽ có hạn.
Khi “chia lửa” với thành phố, bệnh viện chúng tôi nhận được sự hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ từ ngành y tế nhưng thật sự để đủ cho hơn 400 nhân viên chúng tôi phải mang hằng ngày thì số này như muối bỏ biển. Chúng tôi cũng hiểu bối cảnh thành phố hiện nay mình không thể đòi hỏi gì thêm.
Miễn phí cho toàn bộ bệnh nhân điều trị
Bác sĩ Trần Hùng cho biết 70 bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng đều là những ca bệnh nặng, về gan, thận, suy hô hấp… trong đó có những bệnh nhân thuộc diện F1 có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Do đã có chủ trương hỗ trợ một phần chi phí cách ly sau điều trị từ Sở Y tế, nên bệnh viện quyết định sẽ miễn phí hoàn toàn đối với những trường hợp này, từ điều trị cho đến phòng ốc vì có quá nhiều hoàn cảnh đáng thương.
“Được đưa từ bệnh viện công sang bệnh viện tư nhiều người ngơ ngác vì lo vấn đề tiền bạc. Tôi nhìn thấy những khuôn mặt đã nằm viện lâu năm rất thương xót. Chúng tôi quyết định mọi người sẽ được chăm sóc y tế và dinh dưỡng theo tiêu chuẩn cao nhất của bệnh viện” – bác sĩ Hùng nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chung-toi-quyet-danh-mot-tran-cho-ra-tro-20200810073258443.htm