Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một trong những văn bản quy phạm pháp luật được đông đảo người dân quan tâm. Dự thảo được lấy ý kiến lần thứ ba nhưng các chuyên gia cho rằng: Còn rất nhiều quan điểm trái chiều và hiện vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc, xung đột đã nêu…
Không cần thiết phải tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề
Theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: Điều 35 quy định Điều kiện dự thi đánh giá năng lực hành nghề KBCB và Điều 36 về Tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề KBCB là không cần thiết. Bởi những lý do sau:
Hiện nay không phải quốc gia nào trên thế giới cũng áp dụng việc thi trước khi cấp chứng chỉ, nếu thấy cần nâng cao chất lượng của người hành nghề thì nên thắt chặt các tiêu chuẩn đào tạo trong các trường y, việc tổ chức thêm một cuộc thi cũng sẽ không thể nâng cao chất lượng của người hành nghề.
Việc tổ chức một cuộc thi cho một số lượng lớn người đang hành nghề là việc hoàn toàn không đơn giản và vô cùng tốn kém. Ngoài ra đây sẽ là mầm mống để phát sinh tiêu cực vì sẽ không có cách nào kiểm soát nổi khi người có nhu cầu thi quá đông.
Đặt giả thiết một phần trong số đi thi không đỗ thì chúng ta có cho họ nghỉ việc được không hay vẫn phải để họ hành nghề vì hiện nay nhân lực ngành y tế luôn luôn thiếu nhất là ở vùng sâu vùng xa, như vậy đỗ hay không đỗ thì vẫn hành nghề và như vậy việc thi chỉ mang tính hình thức. Do dó việc cấp chứng chỉ cần căn cứ vào các điều kiện như hiện nay, việc ra hạn dựa vào quá trình học tập, thực hành và cập nhật kiến thức của người hành nghề là đủ và không cần tổ chức một cuộc thi cồng kềnh, tốn kém và dễ phát sinh tiêu cực.
Đối với Điều 37 quy định về Hội đồng y khoa quốc gia cũng vậy. Theo ông Nguyễn Văn Đệ: Quy định như vậy là không phù hợp thực tế, không cần thiết , trái với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy. Nếu thành lập ra một đơn vị như vậy thực chất là tăng thêm một cấp quản lý mới, vừa cồng kềnh, chồng chéo, hơn nữa các chức năng mà Dự thảo giao cho Hội đồng y khoa quốc gia thực chất đang là những chức năng, nhiệm vụ của Bộ Y tế hiện nay đang làm, vậy thành lập thêm một cấp quản lý nữa để làm gì cho tốn kém kinh phí, ngân sách…?
Theo dõi sát sao tiến trình xây dựng Dự thảo Luật KBCB (sửa đổi), Luật sư Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ cho rằng: Tại Điều 77 về “Quyền của cơ sở KBCB”: Điểm b, Mục 2. “Được từ chối KBCB nếu trong quá trình KBCB”: Cần bổ sung: Người bệnh, người nhà người bệnh tấn công, uy hiếp đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người hành nghề. Trong trường hợp bất khả kháng. VD: Không có thuốc men, vật tư, mất điện, không đủ điều kiện chuyên môn…
Mục 6. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở KBCB hoặc người trực lãnh đạo hoặc người trực lâm sàng quyết định việc KBCB: Cần bổ sung: Trong tình huống, cụ thể: Người đại diện có mặt nhưng đưa ra quyết định trái với chuyên môn thậm chí trái đạo đức. VD: Bệnh nhân nguy kịch sốc, hôn mê do mất máu nhưng người đại diện không đồng ý phẫu thuật, truyền máu… nếu bác sỹ chấp thuận ý kiến của người đại diện thì người bệnh sẽ chết. Trong trường hợp này Dự thảo luật nên quy định thêm: Trường hợp người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định trái với chuyên môn hoặc trái đạo đức thì người đứng đầu cơ sở y tế có quyền đưa ra quyết định phù hợp với chuyên môn, quyết định này phải được lập thành văn bản và lưu trong bệnh án.
Quy hoạch hệ thống khám chữa bệnh phù hợp!
Đối với Điều 114 quy định Hệ thống tổ chức cơ sở KBCB. Theo đó, Dự thảo quy định:
Hệ thống cơ sở KBCB bao gồm cơ sở KBCB của Nhà nước và tư nhân.
Hệ thống cơ sở KBCB được tổ chức liên tục, toàn diện, lồng ghép bao gồm các tuyến chuyên môn kỹ thuật sau đây: a) Tuyến KBCB cấp 1 là tuyến KBCB ban đầu có nhiệm vụ KBCB ngoại trú và sơ cứu, cấp cứu; b) Tuyến KBCB cấp 2 là tuyến KBCB cơ bản có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ KBCB ngoại trú, nội trú tổng quát về nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền và một số chuyên khoa khác; c) Tuyến KBCB cấp 3 là tuyến KBCB chuyên sâu có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ KBCB nội trú chuyên sâu về nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền và một số chuyên khoa khác.
Việc xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật quy định tại Khoản 2 Điều này do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định dựa vào các tiêu chí sau đây: a) Hình thức tổ chức của cơ sở KBCB; b) Phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; c) Tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn được phê duyệt. Theo lãnh đạo BVĐK Hùng Vương: Quy định như vậy là chưa phù hợp, bởi lẽ:
Quy định như Dự thảo tức là hệ thống KBCB được tổ chức theo 3 tuyến như trên gắn với địa giới hành chính chỉ phù hợp với mô hình cơ sở y tế công lập vì loại hình này do Nhà nước tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe nhân dân còn với những loại hình cơ sở KBCB khác bao gồm: Cơ sở KBCB thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… mô hình xã hội hóa, mô hình cơ sở KBCB tư nhân, mô hình cơ sở KBCB liên danh liên kết hoặc cơ sở KBCB do cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài đầu tư nếu chia thành tuyến như vậy là không phù hợp.
Vì vậy Luật sư Phạm Văn Học đề xuất nên sửa theo hướng: Điều 114. Hệ thống tổ chức cơ sở KBCB:
Hệ thống KBCB bao gồm hệ thống KBCB của Nhà nước, hệ thống KBCB xã hội hóa, liên danh liên kết, cơ sở KBCB có yếu tố nước ngoài và hệ thống KBCB tư nhân
Hệ thống cơ sở KBCB của Nhà nước được tổ chức thành các tuyến chuyên môn gắn với hệ thống hành chính bao gồm: a) Mỗi đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn và tương đương được tổ chức một cơ sở KBCB ban đầu và là tuyến chăm sóc cấp 1 có nhiệm vụ KBCB ngoại trú và sơ cứu, cấp cứu; b) Mỗi đơn vị hành chính cấp quận, huyện và tương đương được tổ chức một cơ sở KBCB cơ bản và là tuyến chăm sóc cấp 2 có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ KBCB ngoại trú, nội trú tổng quát về nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền và một số chuyên khoa khác; c) Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương được tổ chức ít nhất một cơ sở KBCB chuyên sâu và là tuyến chăm sóc cấp 3 có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ KBCB nội trú chuyên sâu về nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền và một số chuyên khoa khác; d) Các bệnh viện thuộc lực lượng quân đội và công an được thành lập để phục vụ các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và do bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý; đ) Các bệnh viện thuộc các Bộ, ngành được thành lập nhằm phục vụ các nhiệm vụ đặc thù của Bộ, ngành do các Bộ, ngành chủ quản quản lý; e) Các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa do Bộ Y tế thành lập thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật và thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu, đặc biệt do Bộ Y tế thống nhất quản lý; g) Các bệnh viện thuộc các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành y dược do các trường thành lập và trực tiếp quản lý.
Hệ thống cơ sở KBCB tổ chức theo mô hình xã hội hóa: Các đơn vị KBCB hình thành theo mô hình xã hội hóa, liên danh liên kết hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hạch toán độc lập với cơ sở KBCB của Nhà nước và không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Hệ thống cơ sở KBCB tư nhân, hệ thống KBCB liên danh, liên kết, hệ thống KBCB có yếu tố nước ngoài: Do các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Tùy theo năng lực chuyên môn, quy mô đầu tư, phạm vi hoạt động, Bộ Y tế quy định tiêu chí đánh giá, trình tự, thủ tục phê duyệt danh mục kỹ thuật và phạm vi chuyên môn cho tất cả các cơ sở KBC.
Nguồn: https://doanhnhan.vn/du-thao-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-chua-giai-quyet-duoc-nhung-xung-dot-vuong-mac-d28490.html