GIỚI THIỆU

  1. Sự ra đời của y tế tư nhân

Sau hơn 20 năm thực hiện nghị quyết số 90/CP của Chính phủ ban hành ngày 21/08/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế văn hóa đã có lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư vào hệ thống y tế tư nói chung và bệnh viện tư nhân nói riêng. Hiện các bệnh viện tư nhân vẫn không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần đa dạng hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân. Các bệnh viện được tập trung đầu tư cả về nhân lực và vật lực, được trang bị thiết bị y tế hiện đại, góp phần giảm tải tình trạng quá tải ở các bệnh viện công.

Sự ra đời của khối bệnh viện tư nhân nằm trong chủ trương xã hội hóa y tế của Chính phủ. Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân trong lĩnh vực y tế. Đầu tư tư nhân được khuyến khích trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành y tế, từ sản xuất, cung ứng thuốc, trang thiết bị đến đào tạo, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh… Trong số đó lĩnh vực y tế được tư nhân đầu tư nhiều vẫn là đầu tư phát triển cơ sở khám, chữa bệnh.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật KCB cho biết các cơ sở y tế tư nhân có bước phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Số bệnh viện và số giường bệnh ngoài công lập tăng nhanh: Năm 2005 có 43 bệnh viện trên địa bàn của 9 tỉnh, thành phố với 3.324 giường bệnh, nay đã tăng lên hơn 300 bệnh viện với gần 20.000 giường bệnh (đạt 1,7 giường/vạn dân, chiếm 15% số bệnh viện và 5,16% số giường bệnh trong toàn quốc), có khoảng gần 50.000 nhà thuốc, gần 40.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú cho người dân. Một số bệnh viện 100% vốn nước ngoài có trang thiết bị hiện đại đã được đưa vào hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Y tế tư nhân phát triển nhanh cả về quy mô và số lượng qua các năm. Năm 2018, 2019 tiếp tục thu hút sự tham gia của khu vực y tế tư nhân, bên cạnh các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực – Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương – Phú Thọ,… phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, một số bệnh viện tư nhân có quy mô được thành lập mới. Điển hình là các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Đức Tâm, Đăk Lăk (50 giường bệnh), Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tại Gia Lai (100 giường bệnh), Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng (180 giường bệnh), Bệnh viện Phương Châu Sa Đéc (50 giường bệnh), Bệnh viện Đa khoa Medlatec với một loạt cơ sở mới tại Hà Nội… Bệnh viện tư nhân đã đạt được nhiều thành công nhất định trong hoạt động khám, chữa bệnh ngày càng khẳng định vai trò trong hệ thống y tế Việt Nam.

II. Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

1.Sự ra đời của Hiệp hội BVTN Việt Nam là tính tất yếu của sự phát triển.

Được hình thành đã gần 20 năm kể từ khi có chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước nhưng đến năm 2014 ở nước ta vẫn chưa có một tổ chức đủ mạnh, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cộng đồng y tế tư nhân. Trước đó, việc ra đời và hoạt động của Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa tạo được dấu ấn trong đời sống y tế tư nhân. Thực tế đòi hỏi cộng đồng y tế tư nhân Việt Nam phải có một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động, đủ uy tín, tầm vóc để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên, tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Sau hơn 01 năm vận động thành lập, ngày 26/8/2014, tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã tổ chức đại hội, thành lập theo Quyết định số 611/ QĐ- BNV của Bộ Nội vụ. Việc ra mắt Hiệp hội là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đáp ứng nguyện vọng của khối bệnh viện tư nhân trên cả nước. Theo điều lệ hoạt động đã được Bộ Nội vụ phê duyệt, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp có con dấu, tài khoản riêng, ra đời nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên, là cầu nối giữa các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân với các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường hợp tác đầu tư, trao đổi kinh nghiệm hoạt động y tế tư nhân. Đặc trưng của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, đó là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà đầu tư y tế tư nhân, của các ông chủ bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân. Do đó, Ban lãnh đạo, hội viên Hiệp hội đều tập hợp chủ tịch HĐQT, Giám đốc các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân lớn của cả nước, tiêu biểu như: Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội), Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc(Hà Nội), Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa), Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn ITO, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Gia Đình (Đà Nẵng), Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), Bệnh viện đa khoa Cửa Đông (Nghệ An), Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh (Lào Cai)…Hiện tại, Hiệp hội có 125 hội viên là các bệnh viện tư nhân, các cơ sở y tế trên địa bàn cả nước.

Hiệp hội là tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Quyết định số 1830/QĐ-MTTQ ngày 11/01/2018; hội viên của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam tại Giấy chứng nhận hội viên số đăng ký 6268/PTM-HV ngày 25/8/2014.

  1. Các hoạt động tiêu biểu của Hiệp hội

    Ngay sau khi ra đời, kiện toàn bộ máy tổ chức, bám sát tôn chỉ, mục đích của Điều lệ, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, tạo được dấu ấn đậm nét trong cộng đồng y tế tư nhân, nổi bật ở các hoạt động sau:

Hoạt động góp ý, phản biện, góp ý xây dựng cơ chế, chính sách lĩnh vực y tế, tạo sự công bằng, bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế tư nhân.

– Hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật  cho hội viên.

– Hoạt động liên kết, hỗ trợ hội viên và hợp tác quốc tế.