Gỡ khó cho bệnh án điện tử

Cả nước hiện có hơn 1.800 bệnh viện song mới chỉ 70 đơn vị chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử

Mắc bệnh cao huyết áp, suy giãn tĩnh mạch, đau khớp gối, 8 năm qua, đều đặn mỗi tháng, ông Nguyễn Anh Phương (65 tuổi, ngụ TP HCM) đều đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tái khám và lấy thuốc định kỳ. Trước đây, mỗi lần khám, ông phải chờ rất lâu mới đến lượt, sau khi khám lại chờ đơn thuốc, lấy thuốc… mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, bây giờ bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin nên quy trình, thủ tục đã giảm hơn nửa thời gian.

Gặp rào cản khi triển khai

“BHYT của tôi tại bệnh viện được hưởng 95% nên khi tái khám chỉ việc vào quầy đăng ký là được vào phòng khám gặp bác sĩ. Tại phòng khám, bác sĩ cũng chỉ cần mở lại hồ sơ bệnh án lưu sẵn trên máy tính là thể hiện thông tin những lần khám trước nên cũng dễ hiểu tình trạng bệnh để điều trị tối ưu. Sau đó, nếu có chỉ định chẩn đoán hình ảnh hay xét nghiệm thì khi có kết quả bác sĩ ngồi tại phòng khám cũng có thể xem trên máy. Quy trình, thủ tục nhanh hơn, tiện hơn trước rất nhiều nhờ thông tin được lưu trên bệnh án điện tử” – ông Phương cho biết.

Bệnh án điện tử là phiên bản số hóa của bệnh án giấy truyền thống giúp lưu trữ các thông tin của người bệnh như tiền sử khám bệnh, kết quả cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…)… để cung cấp thông tin toàn diện về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. TP HCM là địa phương tiên phong trên cả nước về thực hiện chuyển đổi số y tế và bệnh án điện tử. Sau hơn 5 năm triển khai, dù còn nhiều hạn chế và khó khăn nhưng ngành y tế TP HCM đã có những bước tiến nhất định. Người bệnh tại thành phố cũng như ngoại tỉnh đã được hưởng lợi rất lớn từ chương trình chuyển đổi số y tế.

Hệ thống server vận hành bệnh án điện tử tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM)

Dù tiện ích đã rõ nhưng không phải bệnh nhân nào cũng được thuận tiện. Thực tế, nhiều bệnh nhân vẫn phải xếp hàng từ sáng sớm, nộp phiếu và chờ đợi để được khám bệnh. Đặc biệt, với bệnh nhân ở các tỉnh đến TP HCM khám bệnh, họ phải đi từ nhà lúc nửa đêm để kịp khám và về trong ngày hôm sau.

Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế quy định các bệnh viện phải hoàn thành bệnh án điện tử từ ngày 31-12-2023. Tuy nhiên, kết quả đánh giá mới đây cho thấy việc chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế còn rất chậm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 1.800 bệnh viện công lập và tư nhân nhưng mới chỉ 70 bệnh viện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Đáng chú ý, chưa có bệnh viện hạng đặc biệt nào thực hiện chuyển đổi này. Mặc dù bệnh án điện tử được xem là yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số, giúp bệnh viện rút ngắn thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh, giảm chi phí và nâng cao chất lượng điều trị. Tuy nhiên đến nay, việc chuyển đổi số từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử tại nhiều nơi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện đầu tiên tại TP HCM được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử. ThS-BS Lương Công Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử từ ngày 1-1-2024 để lưu trữ và truyền tải hình ảnh, thông tin thay thế cho giấy hoặc phim trong y khoa. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn áp dụng, bệnh viện đã gặp khó khăn trong vận hành và xử lý dữ liệu thông tin với các bên liên quan. Để đạt được những quy chuẩn theo quy định khi triển khai, bệnh viện đã đầu tư 13 tỉ đồng nhưng khi triển khai đã mắc kẹt ở hệ thống PACS (chẩn đoán hình ảnh và lưu trữ trên hệ thống phần mềm) vì Bộ Y tế chưa có đơn giá thanh toán. Điều này khiến những nơi chưa triển khai bệnh án điện tử thì e dè, còn các bệnh viện tiên phong thì thiệt thòi khi BHXH không thanh toán các chi phí liên quan đến PACS. Đặc biệt, bệnh án điện tử chưa được cơ quan công an, BHXH xem là một hồ sơ pháp lý nên khi cần các thủ tục hồ sơ vẫn phải làm bệnh án giấy, ký và đóng dấu.

“Bệnh viện đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho việc triển khai bệnh án điện tử. Ví dụ hệ thống công nghệ thông tin sẽ được hỗ trợ gì, hệ thống server đầu tư hỗ trợ ra sao, có phần cơ cấu giá tính đúng, tính đủ trong chi phí khám chữa bệnh hay không, hệ thống PACS triển khai… Cơ chế cần nhất hiện nay là nên có biểu giá chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống PACS, thay vì in phim thì nên xây dựng giá mới cho bệnh án điện tử. Nhưng hiện chưa có nên hệ lụy là khi bảo hiểm thanh toán chỉ trừ tiền phim, còn các chi phí liên quan bệnh án điện tử thì bệnh viện tự lo” – bác sĩ Minh cho biết.

Cần xây dựng khung dùng chung

Theo Sở Y tế TP HCM, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế, trong đó có bệnh án điện tử, sẽ tạo điều kiện phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đây còn là công cụ quản lý, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân toàn diện, tiến tới môi trường y tế thông minh.

Việc triển khai bệnh án điện tử mang lại nhiều tiện ích, quản lý khoa học nhưng thực tế còn rào cản. Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Nguyễn Thành Long, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ y – Sở Y tế TP HCM, cho biết mới đây, Sở Y tế đã đặt hàng nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu khung bệnh án điện tử dùng chung làm cơ sở triển khai tại nhiều bệnh viện. “Từ khung này, mỗi đơn vị có thể tùy chỉnh dựa vào một số yếu tố đặc thù như quy mô, số giường bệnh, điều trị, cho thuốc… Điều này cũng bảo đảm sự liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong công tác khám chữa bệnh” – lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh.

Hơn 92% bệnh viện chưa đủ điều kiện

Tại TP HCM có 44/55 bệnh viện xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử EMR (đạt 80%) nhưng chỉ có 4 đơn vị được Bộ Y tế thẩm định, trong đó 2 cơ sở đã công bố là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. 51/55 bệnh viện chưa đủ điều kiện thẩm định bệnh án điện tử, chiếm tỉ lệ 92,7%.

Bài và ảnh: Hải Yến