Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019 và xin ý kiến dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi

Ngày 12/12/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019 và xin ý kiến dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có, TS.Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đại biểu đại diện UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc các tỉnh, thành phố miền Bắc, Sở Y tế, BHXH các cấp, các bệnh viện Trung ương, địa phương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an, các Viện nghiên cứu, các vị chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan.

PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo về sức khỏe nhân dân.
Ngày 13 tháng 6 năm 2014, Quốc hội ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Chất lượng KCB BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiên như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý Nhà nước về BHYT.
Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết số 20; ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc Hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tháng 12/2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo và đánh giá thực hiện Luật BHYT tại một số địa phương, tổng hợp các báo cáo tổng kết thực hiện Luật BHYT thời gian qua của các địa phương, Bộ Y tế đã xây dựng Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019, đồng thời cũng xây dựng  dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi để trình bày và xin ý kiến tham gia của quý vị đại biểu…
Đoàn chủ tọa Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).
Theo các chuyên gia y tế tham luận tại Hội nghị, chính sách BHYT của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/08/1992 ban hành Điều lệ BHYT. Năm 1998 là Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, và năm 2005 là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP. Sự thay đổi chính sách đáng chú ý nhất đó là ngày 14/11/2008, Luật Bảo hiểm Y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2009. Luật BHYT ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác BHYT, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Quang cảnh Hội nghị
 Về dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Mục tiêu sửa đổi nhằm: khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 10 năm thực hiện Luật BHXH; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, học tập bài học kinh nghiệm về BHYT trên thế giới; đồng bộ với những quy định tại các luật có liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, góp ý về nhiều nội dung trong Dự thảo luật như: Điều chỉnh quyền lợi BHYT; kiểm soát chi phí KCB BHYT; điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH; về tổ chức hệ thống giám định BHYT và thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia BHYT. Một số vẫn đề kỹ thuật cũng được thảo luận để đảm bảo tính chính xác, đẩy đủ của các khái niệm, thuật ngữ được nêu trong Dự thảo luật như: gói dịch vụ y tế cơ bản, BHYT xã hội, BHYT bổ sung, đánh giá công nghệ y tế (HTA)…
Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu:
• Đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.
• Đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.
Ngày 13/6/2014, Quốc hội ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm Y tế năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.

Nguồn: moh.gov.vn/web/guest/tin-noi-bat/-/asset_publisher/hwUjUacn23Hf/content/hoi-nghi-tong-ket-5-nam-thuc-hien-luat-bao-hiem-y-te-giai-oan-2015-2019-va-xin-y-kien-du-thao-luat-bao-hiem-y-te-sua-oi