Họp Hội đồng tư vấn Quốc gia về chính sách Bảo hiểm y tế để xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ

          Họp xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

         Ngày 5/4, tại trụ sở Bộ Y tế, Hội đồng tư vấn quốc gia về chính sách BHYT đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế. PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam tham dự cuộc họp và có ý kiến góp ý với tư cách là thành viên hội đồng.

          Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều cho rằng, việc nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ là rất cần thiết. Bởi thực tế sau 2 năm thực hiện Nghị định 105/2014/NĐ-CP đã phát sinh nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho cả cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh BHYT. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014 có nhiều điểm đổi mới như: Tăng mức đóng BHYT lên khoảng 6%, nhà nước chi ngân sách đóng BHYT cho bệnh nhân HIV-AIDS, cho thân nhân sỹ quan công an nhân dân, yêu cầu giám định viên BHYT phải có chứng chỉ giám định, phải có bằng dược sỹ đại học, bác sỹ trong trường hợp giám định chuyên sâu…

          Phát biểu góp ý tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đệ, chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị sửa đổi thêm 4 vấn đề:

          1.Tại Khoản 5, Điều 15, Giám định BHYT:Nội dung giám định BHYT phải đảm bảo thống nhất giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp chưa thống nhất thì phải ghi rõ ý kiến của các bên và báo cáo cơ quan cấp trên trực thuộc giải quyết. Trường hợp không thống nhất nội dung xuất toán liên quan đến chuyên môn kỹ thuật hoặc quy định của luật pháp thì báo cáo Bộ Y tế giải quyết.

            Ông Đệ đề nghị làm rõ: Cơ quan cấp trên trực thuộc là cơ quan nào? BHXH hay Sở Y tế? Đối với cơ sở KCB tư nhân, cả 2 cơ quan trên đều không phải là cấp trên trực thuộc, do đó rất khó để bảo vệ quyền lợi. Trong trường hợp này, tổ chức hội của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân có được xem là cơ quan cấp trên trực thuộc hay không? Từ những bất cập trên, người đại diện cho khối y tế tư nhân đề nghị cần sớm có bộ phận giám định BHYT độc lập để việc giám định được công bằng, khách quan. Trước mắt cần có cơ quan thứ ba tham gia giám sát việc giám định BHYT, có thể thí điểm tổ chức hội đồng tư vấn  BHYT tại một số địa phương để giải quyết các vướng mắc, giảm gánh nặng cho BHXH Việt Nam và Bộ Y tế.

  1. Điều 16, quy định Mẫu hợp đồng (theo phụ lục 3)

          Ông Nguyễn Văn Đệ đề nghị hội đồng xem xét lại thời hạn hợp đồng KCB BHYT quy định chỉ ký 1 năm có phù hợp không? Đối với bệnh viện tư nhân, đầu tư cho bệnh viện là đầu tư ổn định, lâu dài nhưng hợp đồng ký theo kiểu “thời vụ” khiến các doanh nghiệp đầu tư y tế không yên tâm. Chưa kể, việc ký tiếp hay không ký tiếp trong thực tế, chủ yếu do cơ quan BHXH quyết định. Nếu bệnh viện để xảy ra sai sót, hoặc không thống nhất được các nội dung hợp đồng, cơ quan BHXH có thể từ chối ký tiếp. Hiện nay, có một số địa phương, cơ quan BHXH tự soạn thảo hợp đồng, không tuân thủ theo đúng theo mẫu tại Thông tư Liên tịch 41, tự ý thêm các điều khoản bất lợi cho các cơ sở KCB BHYT như: khống chế định mức kỹ thuật, không thanh toán khám chữa bệnh BHYT vào thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ; dừng hợp đồng nếu cơ sở lạm dụng, trục lợi  quỹ mà không nói rõ ai xác định việc trục lợi, lạm dụng…Đây cũng sẽ là kẽ hở để nảy sinh cơ chế xin – cho. Do đó, đề nghị nên nghiên cứu tăng thời hạn hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT lên 3 năm. Hằng năm nếu có thay đổi về cơ chế, chính sách hoặc điều kiện kỹ thuật, có thể bổ sung vào phụ lục hoặc điều khoản chung là: theo chính sách BHYT hiện hành….

         3. Đối với vấn đề khám chữa bệnh BHYT cho người nghèo và giám định dị tật, dị dạng cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến và con đẻ của họ tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân: Hiệp hội đã đề nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đối với vấn đề khám chữa bệnh BHYT cho người nghèo tại các cơ sở KCB tư nhân, Bộ Y tế đã có công văn 9251/BYT-KH-TC gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết phản ánh của Hiệp hội bệnh viện tư nhân nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đề nghị hội đồng xem xét bổ sung vào Dự thảo Nghị định lần này.

         4. Đối với vấn đề giám định dị tật, dị dạng cho đối tượng nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến và con đẻ của họ tại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, ngày 30/6/2016, Liên Bộ Y tế – Tài Chính đã ban hành Thông tư Liên tịch 20 hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ vẫn quy định hồ sơ bệnh án chỉ có giá trị tại các bệnh viện công lập tuyến huyện trở lên . Đề nghị sửa đổi, bổ sung vào nghị định nội dung này vì nhiều bệnh nhân đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bệnh viện tư nhân không được hưởng quyền lợi này.

        Từ những ý kiến góp ý của các thành viên, Hội đồng tư vấn quốc gia về chính sách BHYT sẽ báo cáo Bộ Y tế tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung để trình Chính phủ ban hành Nghị định.

        Nguồn: Văn phòng Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam.