Ngày 15/6, tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo trao đổi kỹ thuật trực tuyến về DRG. Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận về các chủ đề: Chính sách nâng cao sự phù hợp của quyết định nhập viện và Nghiên cứu giảm tỷ lệ nhập viện bằng tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) đối với một số bệnh nhạy cảm với dịch vụ ngoại trú trong hệ thống y tế Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cùng các đơn vị liên quan. Phát biểu khai mạc, bà Sarah Bales- chuyên gia tư vấn của WB đã chia sẻ những thông tin tổng quan về tình trạng sử dụng dịch vụ nội trú của Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ nhập viện ở Việt Nam đang ở mức tương đối cao (trên 120 lượt/1000 dân vào năm 2018). Song song với đó, xu hướng lựa chọn cơ sở KCB nội trú ngày càng tập trung ở tuyến trên. Số ngày nội trú bình quân của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Chi y tế cho dịch vụ nội trú chiếm 50,6% tổng chi thường xuyên cho y tế được dành cho dịch vụ nội trú (2017), và 63,3% chi BHYT năm 2018 là chi cho nội trú.
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán Đa tuyến (BHXH Việt Nam) Dương Tuấn Đức cho biết: Lý do tỷ lệ điều trị nội trú và ngày điều trị bình quân ở Việt Nam tăng là do các cơ sở KCB tự chủ tài chính và tiền lương nằm trong giá tiền giường, chiếm đến 54-56%. Tức càng nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú và càng nằm lâu thì tiền lương cho nhân viên y tế càng cao. Đây cũng là một câu hỏi chính sách mà chúng tôi muốn đặt ra với Viện chiến lược và chính sách y tế và các chuyên gia có mặt tại hội thảo…..
Nguồn: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=16809&CateID=52