Nỗi oan của thầy thuốc !

Tôi viết câu chuyện này chắc chắn bố, mẹ và những người thân của hai bé sơ sinh sấu số đọc được sẽ rất đau lòng, câu chuyện của hơn tám năm về trước, tuy nhiên tôi vẫn viết và tôi viết chỉ với một mục đích là, nhằm chia sẻ một chút kinh nghiệm trong lĩnh vực sản và nhi khoa mà chúng tôi đã từng trải qua.

Tôi không còn nhớ chính xác ngày tháng nữa nhưng cách đây hơn tám năm, hôm ấy là một ngày cuối mùa đông, một sản phụ là hàng xóm, nhà rất gần bệnh viện đa khoa Hùng Vương đến sinh em bé đầu lòng, cuộc đẻ suôn sẻ, em bé nặng gần 3kg apgar 10 điểm, trong 24 giờ đầu các diễn biến cả mẹ và bé đều ổn, sang ngày hôm sau điều đầu tiên các bác sĩ sơ sinh ghi nhận được là bé bắt đầu bú kém rồi bỏ bú, sp02 giảm, không nôn, không sốt…do thời điểm đó bệnh viện mới thành lập cả bác sỹ sản khoa, nhi khoa và hồi sức sơ sinh còn thiếu kinh nghiệm nên sau hội chẩn chúng tôi quyết định chuyển sơ sinh lên tuyến trên để theo giõi.

Từ BV HV đến BV tỉnh Tuyên Quang chỉ chưa đầy 20 km nhưng khi chưa đến được BV tỉnh thì sơ sinh diễn biến, co giật, toàn thân tím tái, ngừng thở và sau đó là ngừng tim, tất cả mọi biện pháp cấp cứu tối khẩn cấp gồm đặt nội khí quản, bóp bóng, ép tim ngoài lồng ngực, thuốc vận mạch…đều không mang lại hiệu quả, bé ra đi đột ngột khi ông bà, cha mẹ còn chưa kịp đặt tên và mang theo hàng loạt câu hỏi không có lời giải đáp! Mặc dù không biết mình mắc phải lỗi lầm gì nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải xin lỗi, giữa hai bên, BV và gia đình gặp gỡ, trao đổi và rất may cuối cùng chúng tôi cũng tìm được tiếng nói chung, hai bên không ai kiện cáo ai, tuy nhiên cả hai bên đều không ai cảm thấy yên tâm…

Hai năm sau, một cuộc sinh nở cực kỳ căng thẳng của vẫn bà mẹ ấy lại diễn ra tại BVHV, ơn trời, lần này cuộc đẻ diễn ra thuận lợi, một bé gái khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời, hai ngày sau mẹ và bé được ra viện và bây giờ em bé sinh hôm ấy đã bắt đầu vào cấp một…Bốn năm sau cũng tại BVHV cuộc sinh nở lần thứ ba, cũng lại là một bé gái, 24 giờ đầu sơ sinh hoàn toàn bình thường apgar 10 điểm nhưng cũng sang ngày thứ hai em bé đột ngột thay đổi, lần này các triệu trứng ập đến rầm rộ hơn, nôn, lạnh, tím tái, ngừng thở và ngừng tim, tính từ thởi điểm bà ngoại cháu phát hiện các dấu hiệu bất thường đến khi tất cả các biện pháp cấp cứu tích cực nhất kết thúc tức là cháu chính thức ra đi chỉ vẻn vẹn chưa đầy hai giờ đồng hồ, bé ra đi trong sự đau đớn tột cùng của tất thảy những người thân và sự bàng hoàng bất lực của tập thể Y bác sỹ có mặt trong kíp cấp cứu, cũng lại là những lời trách móc và lần này còn có cả những bức xúc căng thẳng thậm chí là nguyền rủa, đe dọa, … từ phía gia đình cháu bé, hàng trăm người bao vây bệnh viện, khóc lóc, áp lực… vì nhà ở rất gần bệnh viện nên vài giờ sau gia đình cam kết không mời pháp y.

Ngay trong đêm hôm đó những người thân của cháu lại một lần nữa gạt nước mắt âm thầm đưa cháu về nơi chín suối! Một sinh linh bé bỏng, người con thứ ba trong cùng một gia đình lại ra đi cùng những câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng, một bà mẹ ba lần sinh mà cuối cùng chỉ có duy nhất một đứa con ! mấy ngày sau chúng tôi, một bên là gia đình và một bên là các thầy thuốc lại gặp nhau, thêm một lần nữa chúng tôi, lãnh đạo bệnh viện và các thầy thuốc lại phải xin lỗi mà không biết mình đã mắc phải lỗi lầm gì?Và lần thứ tư, cách đây hơn hai tháng, bà mẹ ấy sinh em bé lần thứ tư, trong suốt thai kỳ cả gia đình và bệnh viện đã làm tất cả những gì mà nền y học hiện nay có thể làm được với một hy vọng và quyết tâm cao nhất, tất cả các chỉ số xét nghiệm, sàng lọc trước sinh hoàn toàn bình thường, cuộc đẻ lại một lần nữa diễn ra thuận lơi, em bé chào đời với chỉ số apgar cao nhất.

Sau hai lần thất bại trước đó, mặc dù không kịp làm xét nghiệm ở cả hai trường hợp sơ sinh tử vong nhưng chúng tôi đều hướng tới chẩn đoán là các bé có dấu hiệu của căn bệnh thuộc nhóm cực kỳ hiếm gặp, khó chẩn đoán nhưng lại thuộc loại cực kỳ nguy hiểm, căn bệnh rối loạn chuyển hóa sơ sinh. Vì đã có những nhận định ban đầu và rút kinh nghiệm từ hai lần thất bại trước đó nên lần này khi bé chớm có dấu hiệu bú kém chúng tôi đã thống nhất với gia đình đưa cháu về bệnh viện nhi TW để thăm khám, tại đây các triệu chứng của RLCH sơ sinh đã bộc lộ gần như đầy đủ, tuy nhiên song song với việc cấp cứu các BS BV nhi TW cũng vẫn phải gửi mẫu bệnh phẩm sang Mỹ để xét nghiệm xác định và hơn một tuần sau chiếc chìa khóa vàng đã giúp chúng tôi giải được bài toán khó, sơ sinh mắc chứng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh chất béo ( axit béo), một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp và có yếu tố di chuyền, trẻ mắc bệnh này có thể tử vong sau khi bú sữa mẹ hoặc sữa bột thông thường.

Em bé sau hơn hai tháng điều trị tích cực tại BV nhi TW hiện nay đã tạm ổn, tuy nhiên chúng tôi biết, với căn bệnh này cả gia đình và em bé sẽ còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, tôi viết lại câu chuyện này với mong muốn, chúng ta cả bác sỹ và bệnh nhân dù trong hoàn cảnh nào cũng rất cần sự bình tĩnh, khoa học là như thế, có những uẩn khúc phải sau hơn tám năm mới có lời giải, bây giờ gia đình của các bé chắc chắn đã hiểu và thông cảm cho những việc đã diễn ra ở bệnh viện, chúng tôi không có lỗi, bố mẹ của các bé không có lỗi, chỉ có sự nóng vội, áp đặt, mất bình tĩnh có thể là có lỗi vì điều đó ít nhiều đã tổn thương mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân…

Người viết: Phạm Văn Học – CTHĐQT BV Hùng vương Phú Thọ