Thời gian qua, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam (Hiệp hội) nhận được nhiều ý kiến của các đơn vị hội viên phản ánh khó khăn, vướng mắc trong thanh toán các loại thuốc vượt hạng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị, quyền lợi của người tham gia BHYT và những thiệt hại nghiêm trọng đến tình hình tài chính của các bệnh viện tư nhân, nhất là trong giai đoạn các bệnh viện tư nhân đang chịu ảnh hưởng nặng nề cho dịch bệnh Covid-19. Ngày 28 tháng 6 năm 2021, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có công văn số 48/CV – BVTN gửi Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phản ánh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thanh toán chi phí thuốc vượt tuyến chuyên môn kỹ thuật và phân hạng bệnh viện tại các bệnh viện tư nhân. Nội dung Hiệp hội xin báo cáo Bộ trưởng Bộ y tế cụ thể như sau:
Ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT (Thông tư 30/2018/TT-BYT) kèm theo Danh mục thuốc hoá dược, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Theo đó, tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 nêu rõ:
“Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật của tuyến cao hơn theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thì được sử dụng các thuốc theo danh mục thuốc quy định đối với tuyến cao hơn, phù hợp với dịch vụ kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổng hợp, gửi danh mục thuốc cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm cơ sở thanh toán”.
Thực tế, Thông tư 30/2018/TT-BYT ra đời đã khuyến khích được các cơ sở tuyến dưới (nhất là các bệnh viện tư nhân phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của tuyến III, xếp hạng tương đương với bệnh viện hạng III) thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của tuyến cao hơn, đặc biệt đối với các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực Ngoại khoa khi điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng như: Chấn thương sọ não, Thay khớp gối, khớp háng, Phẫu thuật cột sống,…góp phần giảm áp lực về tình trạng quá tải đối với bệnh viện tuyến trên, đồng thời người bệnh tiết kiệm được thời gian, chi phí điều trị mà vẫn được hưởng đúng, đủ chính sách BHYT, nhất là thuốc và vật tư y tế trong quá trình điều trị.
Tuy nhiên, theo phản ánh của hội viên, vấn đề hạn chế, vướng mắc của Thông tư 30/2018/TT-BYT hiện nay là Bộ Y tế (hoặc Sở Y tế các địa phương) chỉ phê duyệt và cho phép các bệnh viện tuyến dưới được làm các kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên đối với các bệnh thuộc lĩnh vực Ngoại khoa, còn rất nhiều các bệnh thuộc lĩnh vực Nội khoa hiện nay không có quy định, hướng dẫn nào, và hiện cũng chưa có tiêu chí, cơ sở để Bộ Y tế (hoặc Sở Y tế địa phương) phê duyệt phân loại các mặt bệnh nào thuộc phạm vi điều trị của bệnh viện hạng ba, hạng hai hoặc hạng một. Các bệnh Nội khoa này được điều trị ở đâu phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của bệnh viện và khả năng tài chính của người bệnh.
Ví dụ: đối với các bệnh nhân bị Viêm tụy cấp thể hoại tử, Nhiễm tụ cầu kháng methicilin, Nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng liên quan đến vi khuẩn đa kháng,… Đây là những bệnh nội khoa rất nặng, theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế quy định, cần phải sử dụng những loại thuốc đặc trị chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân như: Meropenem, Imipenem + Cilastatin, Vancomycin, Colistin….. Tuy nhiên, trong Danh mục thuốc hoá dược, sinh phẩm thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT của Thông tư 30/2018/TT-BYT, những loại thuốc này chỉ được sử dụng tại bệnh viện hạng hai (tuyến tỉnh) hoặc tương đương trở lên. Do vậy, để kịp thời chữa trị cho bệnh nhân đảm bảo quyền lợi người bệnh tham gia BHYT, Bệnh viện hạng ba phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện hạng hai (tuyến tỉnh), tuy nhiên nhiều bệnh nhân không đồng ý vì không có điều kiện kinh tế và khả năng chi trả trong quá trình điều trị ở tuyến trên. Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số bệnh viện tuyến trên đề nghị bệnh viện tuyến dưới hạn chế chuyển tuyến hoặc tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân tuyến dưới để đảm bảo các tiêu chí, quy định trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của ngành y tế. Trong điều kiện như vậy, các bệnh viện tư nhân hạng ba buộc phải tiếp nhận và tự chủ động mua các loại thuốc nói trên tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, đảm bảo theo đúng quy trình chuyên môn khi điều trị. Tuy nhiên, khi cơ sở y tế thực hiện thanh quyết toán chi phí KCB BHYT với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), hầu hết các loại thuốc điều trị lĩnh vực Nội khoa thuộc tuyến trên khi được thực hiện tuyến dưới đều không được cơ quan BHXH chấp nhận và bị xuất toán.
Cũng theo phản ánh của hội viên, hiện nay theo Quyết định số 6062/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Bảng chấm điểm phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với các cơ sở KCB bệnh tư nhân, đa số các bệnh viện tư nhân đều phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của tuyến III, xếp hạng tương đương với bệnh viện hạng III. Mặc dù các bệnh viện tư nhân đã có báo cáo, giải trình, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi, giải quyết, trong khi đó việc sử dụng thuốc vượt hạng vẫn đang diễn ra tại hầu hết các bệnh viện tư nhân hạng ba và nguy cơ bị cơ quan BHXH xuất toán thường trực hàng ngày.
Tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu rõ: “Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hạn chế thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới đã thực hiện được”. Do vâỵ bằng văn bản này, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, giải quyết những khó khăn nêu trên, góp phần đảm bảo chất lượng hoạt động KCB của các bệnh viện tư nhân và quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Vui lòng xem file đính kèm: 48.Công văn hiệp hội gửi BYT – BHXH Việt Nam Về thuốc Vượt hạng –
Nguồn: Văn phòng Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam./.