Sự không thống nhất trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Thời gian qua, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam (Hiệp hôi) nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của các đơn vị hội viên về việc Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam không thống nhất hướng dẫn thanh toán chi phí các phẫu thuật, thủ thuật được thực hiện bằng các phương pháp vô cảm gây mê, gây tê, treo hàng trăm tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán chi phí KCB BHYT năm 2019, khiến cho các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gây ra. Hiệp hội xin đã có văn bản báo cáo Thủ tướng một số nội dung cụ thể như sau:

Theo Bộ Y tế, việc thanh toán chi phí dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp gây tê, gây mê đã được quy định tại Luật KCB ngày 23/11/2009, Luật giá ngày 20/6/2012 (Giá dịch vụ y tế thuộc lĩnh vực do nhà nước Định khung giá và mức giá cụ thể – điểm c, mục 3, điều 19), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 13/6/2014; Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ (tại Điều 24). Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 6439/BYT-KH-TC ngày 31/10/2019 đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo cơ quan BHXH các cấp tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB theo đúng mức giá đã quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB BHYT trong một số trường hợp và Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT.

Tuy nhiên, BHXH Việt Nam không thống nhất theo đề nghị của Bộ Y tế mà cho rằng, hai phương pháp vô cảm gây tê, gây mê khác nhau về kỹ thuật và chi phí thực hiện, chính vì vậy trong Thông tư số 39/2018/TT-BYT có những phẫu thuật, thủ thuật được quy định mức giá riêng khi áp dụng phương pháp vô cảm gây mê hoặc gây tê. Do đó, việc Bộ Y tế yêu cầu cơ quan BHXH và người dân thanh toán chi phí của các loại phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê bằng mức giá của phẫu thuật, thủ thuật có kết cấu thuốc gây mê là không hợp lý. (Công văn số 285/BHXH-CSYT ngày 25/01/2019 hướng dẫn thực hiện Thông tư số 39/2018/TT-BYT; Công văn số 4295/BHXH-CSYT ngày 15/11/2019 về việc giải quyết khó khăn vướng mắc thực hiện chính sách BHYT).

Để đảm bảo tiến độ quyết toán chi phí KCB BHYT của năm 2019 theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 14/4/2020, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 1163/BHXH-CSYT về việc hướng dẫn thanh toán tạm thời đối với phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây tê chưa được quy định giá. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số nội dung  hướng dẫn tại Công văn số 1163/BHXH-CSYT không không phù hợp và nếu có thực hiện sẽ tiếp tục gây khó khăn, vướng mắc cho cơ sở y tế, cụ thể:

Tại mục 2 Công văn số 1163/BHXH-CSYT yêu cầu: “Đối với các phẫu thuật trong cơ cấu giá có kết cấu chi phí các thuốc, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong gây mê: thanh toán bằng mức giá quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT hoặc Thông tư số 13/2019/TT-BYT trừ đi (-) toàn bộ chi phí thuốc được kết cấu trong cơ cấu giá (Phụ lục số 03 kèm theo). BHXH các tỉnh Phối hợp với cơ sở KCB xác định và thanh toán phần chi phí các thuốc dùng trong phẫu thuật theo thực tế sử dụng. Trường hợp chưa xác định được phần chi phí thuốc theo thực tế sử dụng thì tổng hợp vào quyết toán năm 2020”.

Với nội dung như vậy thì toàn bộ 311 phẫu thuật thuộc Phụ lục số 3 sẽ được trừ bớt một khoản tiền tương ứng với số thuốc cơ cấu trong gói giá và được liệt kê trong Phụ lục số 3. Tuy nhiên, việc rà soát sau đó rất phức tạp bởi thực tế hàng ngày có rất nhiều các phẫu thuật thực hiện, các phẫu thuật đều sử dụng thuốc mê. Việc tách riêng số thuốc mê sử dụng cho 311 phẫu thuật trong Phụ lục số 3 là rất bất cập. Do vậy, việc thanh toán chi phí thuốc theo thực tế sử dụng cho 311 phẫu thuật này cũng sẽ rất khó thực hiện. Trường hợp chưa xác định được thì cũng không thể tổng hợp vào quyết toán năm 2020.

Bên cạnh đó, trong thực tế lâm sàng, việc quyết định phương pháp vô cảm nào phụ thuộc cụ thể vào tình hình bệnh nhân, trình độ nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế. Ngoài ra, có nhiều trường hợp phải thực hiện cùng lúc cả hai phương pháp vô cảm, hoặc trong hướng dẫn chuyên môn chỉ cần gây tê nhưng thực tế phải sử dụng phương pháp gây mê cho các bệnh kèm theo. Việc quy định cứng nhắc chỉ được vô cảm và sau đó thanh toán cố định theo một phương pháp vô cảm có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện tai biến y khoa, hạn chế việc áp dụng những phương pháp kỹ thuật hiện đại vừa rút ngắn thời gian điều trị, thời gian phục hồi nhanh vừa giúp tiết kiệm chi phí cho cơ sở khám, chữa bệnh.

Từ thực tế nêu trên, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét và có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam các nội dung sau:

  1. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sớm thống nhất phương pháp thanh toán chi phí của các phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây mê, gây tê cho các cơ sở y tế hiện nay, bởi nếu tiếp tục có sự thiếu thống nhất như trên sẽ dễ dẫn đến việc nhân viên y tế phải cân nhắc lựa chọn dịch vụ kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình điều trị và tính mạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc tạm ngưng thanh toán dịch vụ kéo dài cũng dẫn đến việc bệnh viện thiếu hụt kinh phí hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở y tế đã, đang chịu tác động và gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
  2. Đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán dứt điểm chi phí của các phẫu thuật, thủ thuật sử dụng phương pháp vô cảm gây mê, gây tê cho các cơ sở y tế, không để tình trạng treo hàng trăm tỷ đồng từ dịch vụ kỹ thuật này. Trong trường hợp treo, tạm thời không thanh toán hoặc xuất toán chi phí dịch vụ KCB BHYT phải dựa trên quy định của pháp luật và có sự thống nhất hướng dẫn giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam

Toàn văn bản: CV 40. Khó khăn về thanh toán dịch vụ gây mê, gây tê trong KCB BHYT

Nguồn: Văn phòng Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam.