Tai biến vắc-xin, nhà nước bồi thường!

Cần có hội đồng độc lập giám định nguyên nhân tai biến do sử dụng vắc-xin chứ nếu theo cơ chế “vừa đánh trống vừa thổi còi” của Bộ Y tế, khó có trường hợp nào được bồi thường

Sau hàng loạt ca tai biến sau tiêm chủng, Bộ Y tế đang khẩn trương chủ trì soạn thảo nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng. Nghị định dự kiến ban hành vào cuối năm 2015, trong đó quy định cụ thể việc bồi thường đối với các ca tai biến do sử dụng vắc-xin bắt buộc.

Bồi thường đến 30 lần lương cơ sở

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho biết những quy định cụ thể về việc bồi thường tai biến khi sử dụng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo nghị định. Nội dung này đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành và người dân.

Theo dự thảo nghị định, khi sử dụng vắc-xin bắt buộc (vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia), nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng thì nhà nước có trách nhiệm bồi thường. Những trường hợp tai biến nặng được bồi thường bao gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; tử vong.

Dự thảo nghị định này cũng quy định trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng có BHYT thì được BHYT chi trả theo quy định. Trường hợp không có thẻ BHYT cũng sẽ được nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí. Với người bị tai biến nặng phải sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của BHYT thì được thanh toán phần chênh lệch theo hóa đơn nhưng mức tối đa không quá khung giá dịch vụ do liên bộ Y tế – Tài chính quy định.

 

Tiêm chủng cho trẻ tại một trạm y tế ở xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang
Tiêm chủng cho trẻ tại một trạm y tế ở xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

 

Đáng chú ý, dự thảo nghị định quy định chi tiết mức bồi thường đối với trường hợp tai biến để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật. Theo đó, mức bồi thường cho trường hợp này bằng 30 lần mức lương cơ sở, đồng thời được hưởng các chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật. Trường hợp tai biến dẫn đến tử vong thì thân nhân được hỗ trợ chi phí mai táng bằng 10 lần lương cơ sở cùng với bồi thường bằng 10 lần lương cơ sở để bù đắp tổn thất về tinh thần cùng một số bồi thường chi phí điều trị sau tai biến, thiệt hại do mất thu nhập.

Không dễ được bồi thường

Theo ông Trần Đắc Phu, trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với tai biến vắc-xin vốn đã được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Nghị định này chỉ làm rõ một số nội dung quy định tại luật.

Nội dung đáng chú ý nhất, theo ông Phu, đó là khi xảy ra tai biến, phải chờ kết quả giám định của hội đồng tư vấn chuyên môn mới có thể làm căn cứ để xem lỗi do vắc-xin hay do quy trình tiêm chủng. Nếu do chất lượng lô vắc-xin thì nhà cung cấp vắc-xin đó phải chịu trách nhiệm và bồi thường, khâu bảo quản không đúng quy trình để xảy ra chết người thì lỗi từ phía bệnh viện hoặc cũng có thể do nhân viên y tế thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình tiêm…

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng những năm qua, hầu như rất hiếm trường hợp tai biến được xác định không liên quan đến chất lượng vắc-xin mà do yếu tố cơ địa hoặc trẻ mắc bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên. Trên thực tế, do nguyên nhân tai biến được đẩy sang người tiêm vắc-xin nên đến nay chưa có trường hợp nào được bồi thường tai biến theo Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Một số chuyên gia y tế còn cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ quan chuyên môn khó có thể đưa ra kết luận chính xác về các ca tai biến vắc-xin như: gia đình từ chối mổ tử thi; trẻ tiêm xong tới ngày hôm sau mới tử vong; sau khi tiêm, trẻ đột ngột nhiễm bệnh rồi tử vong; cùng lô vắc-xin đó các trẻ khác đều bình thường… Do vậy, tìm bằng chứng liên quan giữa nguyên nhân tử vong với chất lượng vắc-xin và quy trình tiêm chủng rất khó, nhất là với trẻ sơ sinh dễ bị viêm phế quản, sặc sữa, đẻ non, suy hô hấp… Vì vậy, thời gian qua, gia đình nạn nhân có sự cố sau khi tiêm vắc-xin thường đồng ý nhận sự hỗ trợ của cơ sở y tế chứ không kiện ra tòa.

 

Cần cơ quan đánh giá độc lập

Từ thực tiễn hiếm có trường hợp được bồi thường tai biến do sử dụng vắc-xin, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng nếu không có một hội đồng độc lập giám sát, đánh giá các nguyên nhân tai biến thì sẽ khó có trường hợp nào được bồi thường. “Trên thực tế, Bộ Y tế thực hiện việc tiêm chủng quốc gia, đấu thầu vắc-xin, mua vắc-xin, khám sàng học và tiêm chủng, khám nghiệm tử thi… Nếu Bộ Y tế vừa thực hiện vừa đánh giá và công bố nguyên nhân thì khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Do vậy, không có cơ quan đánh giá độc lập rất khó có thể thực hiện việc bồi thường” – ông An nhận định.

Nguồn: http://nld.com.vn/suc-khoe/tai-bien-vac-xin-nha-nuoc-boi-thuong-20150726230121175.htm