Tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên họp đánh giá dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức. Tại phiên họp đã có hàng chục ý kiến của các Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm về những nội dung của dự thảo Luật…

Trong 2 ngày 13-14/5, tại Đà Nẵng diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Uỷ ban Xã hội. Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp là các thành viên của Uỷ ban đã cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí trong thường trực Uỷ ban và các thành viên của Uỷ ban, đại diện lãnh đạo một số Uỷ ban liên quan khác của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

luật - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự phiên họp của Uỷ ban Xã hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Lấy người bệnh làm trung tâm; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao…

Theo báo cáo này, việc xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Về quan điểm xây dựng văn bản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; Lấy người bệnh làm trung tâm; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh; Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng đó bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm yếu tố về bình đẳng giới.

Giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm

luật - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đối với việc nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin về việc quy định phải đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh: Bác sỹ; Y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng; Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic);

Tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ đối với Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa. Theo đó nếu trong 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề phải liên tục cập nhật kiến thức y khoa trong quá trình hành nghề.

Về nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Bổ sung quy định bắt buộc phải áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Y tế ban hành khi kiểm tra hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên quy định khuyến khích các cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật.

Dự án Luật cũng bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức và quản lý.

Theo Bộ Y tế: Đây là biện pháp vừa nhằm mục tiêu thuận lợi cho người bệnh thông qua việc liên thông hồ sơ bệnh án giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các cá nhân.

Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề như hiện nay, để khắc phục các vướng mắc bất cập về cấp giấy phép hoạt động đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật đã quy định cho phép các tổ chức có tên gọi như cơ sở giám định y khoa, trung tâm y tế huyện, viện nghiên cứu có giường bệnh và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tên gọi khác được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật này;

Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ…

Giải trình thêm về các nội dung được các đại biểu quan tâm bàn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là luật cơ bản, tác động đến nhiều hoạt động của ngành.

“Chúng tôi ghi nhận và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội về những nội dung liên quan đến đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề, thời gian cấp lại chứng chỉ hành nghề, quản lý giá dịch vụ của y tế tư nhân, về khám chữa bệnh từ xa, quy định về ngôn ngữ với người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam; hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia, chức danh nghề nghiệp y sĩ…”- Bộ trưởng nói.

Liên quan đến quy định về ‘thời gian cấp giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa. Quy định phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề, hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để gia hạn giấy phép hành nghề’ trong dự thảo Luật sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Nhiều nước trên thế giới đều thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn.

“Mục tiêu là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực khám chữa bệnh, nếu chúng ta không thay đổi thì khó có thể nâng cao được chất lượng nhân lực y tế”- Bộ trưởng nói.

Về quy định người hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải ‘thành thạo sử dụng tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh và không được sử dụng phiên dịch’ được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Theo thông lệ quốc tế và nhiều nước đã áp dụng là những người nước ngoài hành nghề lâu dài bắt buộc phải sử dụng thành thạo ngôn ngữ nước sở tại.

“Tuy nhiên quy định nêu trong dự thảo Luật ‘vừa đóng, vừa mở’, tức là với những trường hợp như hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, khám chữa bệnh nhân đạo, ngắn ngày, chuyên gia đến trao đổi, hợp tác đào tạo làm việc… thì được sử dụng phiên dịch” – Bộ trưởng thông tin./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn