Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được Bộ Y tế soạn thảo và tham vấn ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các tổ chức trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trước khi trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Về cơ bản, Dự thảo Luật khám, chữa bệnh (KCB) đã được chuẩn bị công phu, kế thừa được tinh thần và những quy định hợp lý của các văn bản pháp luật liên quan hiện hành, có sự phát triển, bổ sung nhiều quy định mới; đồng thời, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm tốt của pháp luật về KCB từ các nước trên thế giới. Tuy nhiên, dự án Luật KCB sửa đổi lần này vẫn còn một số nội dung gây nhiều băn khoăn, rất cần được tiếp tục nghiên cứu nghiêm túc, hoàn thiện để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta hiện nay, cụ thể là 03 nội dung sau:
- Về thẩm quyền cấp mới, bổ sung, gia hạn, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề, Điều 21 quy định:
– Hội đồng Y khoa Quốc Gia cấp mới, bổ sung, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng a) Bác sỹ; b) Điều dưỡng viên; c) Hộ sinh viên; d) Kỹ thuật viên; đ) Cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic).
– Giám đốc Sở Y tế thực hiện cấp mới, cấp lại, và thu hồi chứng chỉ hành nghề với: e) Lương y; g) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Về điều kiện cấp mới chứng chỉ hành nghề.
Tiết a, khoản 1, điều 28 nêu rõ, để được cấp mới chứng chỉ hành nghề, người hành nghề cần:
- Có một trong các giấy tờ sau:
- a) Văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh kèm theo xác nhận thực hành nghề nghiệp đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 18 Luật này;
- Về việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Điều 37 nêu rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia như sau:
- Vị trí pháp lý:
- a) Hội đồng y khoa quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là tổ chức độc lập tự chủ hoàn toàn về tài chính có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở giáo dục y khoa và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
- b) Hội đồng có con dấu, có tài khoản và trụ sở riêng.
- c) Hội đồng hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Hội đồng y khoa quốc gia có chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Hội đồng y khoa quốc gia có các nhiệm vụ sau đây:
- a) Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- b) Tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Xây dựng bộ ngân hàng câu hỏi; xây dựng và đánh giá tiêu chuẩn của cơ sở thi theo khu vực, thời điểm thi phù hợp với năng lực thực tế của cơ sở tổ chức thivà nhu cầu của đối tượng dự thi;
- c) Cấp, gia hạn, cấp lại chứng chỉ hành nghề;
- d) Giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề;
- d) Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quá trình hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề;
- e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
Những nội dung thay đổi lớn nêu trên đều bắt nguồn từ việc thành lập của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, những thay đổi này sẽ tác động rất lớn đến ngành y tế Việt Nam hiện nay, xin được phân tích cụ thể như sau:
- Tác động và gây đảo lộn các hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về y tế hiện tại.
Hiện nay, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sỹ của bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ. Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho các nhân sự thuộc thẩm quyền Sở Y tế quản lý. Tuy nhiên, nếu theo Điều 21 dự thảo Luật KCB sửa đổi sẽ thay đổi và dồn hết về Hội đồng Y khoa Quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện cấp chứng chỉ, Sở Y tế chỉ còn nhiệm vụ thực hiện cấp mới, cấp lại, và thu hồi chứng chỉ hành nghề với đối tượng Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Như vậy, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ, làm thay công việc cho Bộ Y tế và 63 Sở Y tế các tỉnh thành hiện nay. Điều này đặt ra vấn đề nhân lực, tăng biên chế một cách vô ích. Trong khi đó, nhân sự các vụ, cục chuyên môn thuộc Bộ Y tế và các phòng, ban chuyên môn của 63 Sở y tế các tỉnh thành từ trước tới nay vẫn thực hiện nhiệm vụ này, nay sẽ bỏ bớt nhiệm vụ, chắc chắn dẫn tới tình trạng dôi dư thời gian, nhân lực. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ giải quyết sự dôi dư này như thế nào?.
Bên cạnh đó, toàn bộ hồ sơ lưu trữ tại các Sở Y tế nay tiếp tục phải chuyển về Hội đồng Y khoa Quốc gia. Việc lưu trữ số lượng hồ sơ này sẽ như thế nào? Nhân sự quản lý ra sao? Trách nhiệm quản lý như thế nào? Chưa kể một số lĩnh vực đặc thù như Công an, Quân đội có những cán bộ y bác sỹ làm nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, việc bảo mật hồ sơ có được đảm bảo hay không?
- Gây mâu thuẫn giữa cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Theo thống kê chung về nhân lực ngành y tế, hiện cả nước có 309.768 nhân viên y tế, trong đó 78.144 bác sỹ; 127.190 điều dưỡng, 54.734 y sỹ. Mỗi năm, ước tính có khoảng hơn 30.000 nhân viên y tế tốt nghiệp từ 7 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo chuyên ngành y, Khoa Y của các trường đại học, các trường đại học, cao đẳng dược. Với số lượng lớn nhân sự y, dược như vậy, nếu thực hiện nhiệm vụ theo Điều 21 dự thảo Luật KCB sửa đổi đã nêu, hàng năm Hội đồng Y khoa Quốc gia phải cấp mới và cấp lại chứng chỉ hành nghề cho hàng vạn nhân viên y tế. Để đảm bảo lượng công việc khổng lồ như vậy, Hội đồng Y khoa Quốc gia phải là một cơ quan, tổ chức với lượng nhân sự lớn và phải là nhân sự cơ hữu. Tuy nhiên, đối chiếu theo dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia và theo dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia thì: Hội đồng Y khoa Quốc gia, với quy mô Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm; 01 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách, 01-02 Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm nhiệm. Còn lại hầu hết nhân sự khác đều là kiêm nhiệm. Với cơ cấu nhân sự như vậy, thì Hội đồng Y khoa Quốc gia không thể đảm bảo cho khâu tiếp nhận và quản lý hồ sơ, chứ chưa tính đến việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá chuyên môn, cấp chứng chỉ chuyên môn, thực hiện rà soát, cấp mới, cấp lại, quản lý sau cấp CCHN. Điều này đặt ra vấn đề chất lượng hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia, đồng thời dễ dẫn tới bệnh hình thức, chiếu lệ, gia tăng tiêu cực, tạo cơ chế “xin – cho”, có yếu tố “thi trước – thi sau”, khi đó, người hành nghề không kịp được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là lý do để cơ quan BHXH xuất toán hoặc từ chối thanh toán các dịch vụ kỹ thuật, gây thiệt thòi cho người bệnh có thẻ BHYT và khó khăn đối với cơ sở KCB.
Bên cạnh đó, trong khi Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đang tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, trụ sở làm việc, tạo hành lang pháp lý, thông thoáng cho môi trường đầu tư công và kinh doanh hoạt động, tránh sự mở rộng các cơ sở mới, gây sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp, thì việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia không phù hợp với thực tiễn và chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia nêu, Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và tự chủ hoàn toàn về tài chính bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên. Vậy cần làm rõ, Hội đồng Y khoa quốc gia lấy nguồn tài chính nào để hoạt động. Điều này dễ gây hiểu nhầm là nguồn tài chính được thu hút từ việc tổ chức đào tạo, thi đánh giá năng lực hành nghề KCB. Nếu không được tổ chức chặt chẽ, cẩn trọng, minh bạch, sẽ dễ gây ra tình trạng cơ chế “chạy chọt”, ai có “chi phí không chính thức” thì được thi trước, tạo điều kiện trước…
- Về công tác tổ chức thi đánh giá năng lực trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.
Công tác tổ chức thi đánh giá năng lực trước khi cấp CCHN cũng đặt ra vấn đề về cách thức tổ chức sao cho hiệu quả, chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng đặt thêm câu hỏi về sự cần thiết của đánh giá năng lực trước cấp CCHN, vì tất cả các nhân viên y tế trước khi ra hành nghề đều đã trải qua thời gian đào tạo, thời gian thực hành với chương trình đào tạo được kiểm tra chặt chẽ, với hệ thống nhân sự đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng được đánh giá là nhân sự tốt, đều là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Giảng viên… Vậy nếu xây dựng thêm hệ thống đánh giá chuẩn năng lực do Hội đồng Y khoa Quốc gia thành lập thì liệu hệ thống nhân sự đánh giá chuẩn năng lực đó có tốt hơn hệ thống các giảng viên của các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay hay không?. Trong khi đó, ai dám chắc nhân sự tổ chức thi đánh giá năng lực của Hội đồng y khoa Quốc gia đảm bảo chuẩn về đạo đức, năng lực nghề nghiệp để có thể đánh giá nhân sự ngành y tế vốn đã là những Thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, là các Giáo sư, Phó giáo sư, Bác sỹ CKII, CKI…Điều này dễ tạo ra cơ hội tiêu cực, bệnh thành tích, hình thức và phản ánh sự thiếu tôn trọng những thầy thuốc uy tín trong lĩnh vực y học Việt Nam hiện nay.
Đặt giả thiết trong trường hợp vẫn tổ chức thi, đánh giá năng lực hành nghề KCB, thì việc tổ chức thi đã quan tâm đầy đủ tới yếu tố vùng miền, khu vực, lĩnh vực hay chưa?. Với những nhân sự ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khi tổ chức thi sẽ có nhiều bất cập trong công tác tổ chức, đánh giá kết quả thi. Khi tổ chức thi sẽ có người đỗ, người trượt, vậy đối với những khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, nếu nhân sự trượt sẽ dẫn đến tình trạng không có nhân sự y tế đủ chứng chỉ hành nghề tham gia công tác chuyên môn trong khi vốn dĩ lâu nay các lĩnh vực Công an, Biên phòng, Quân đội và biên giới hải đảo đã gặp vô vàn khó khăn trong thu hút, tuyển dụng nhân lực y tế về làm việc.
Không chỉ khó khăn trong công tác tổ chức, việc thi thi đánh giá năng lực trước khi cấp CCHN cũng khiến gia tăng chi phí, mất thêm nhiều thời gian, công sức của nhân viên y tế. Thay vì nộp hồ sơ tại địa phương, nay lại phải tập trung nộp về trung ương, tạo thêm số lượng nhân viên y tế tập trung di chuyển về trung ương, sẽ mất thêm thời gian, chi phí đi lại, thậm chí nhiều lần cho một bộ hồ sơ. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện, nhưng chắc chắn sẽ không ít lần phải diện kiến tại Hội đồng y khoa để xác thực thông tin, giải trình hồ sơ chưa đầy đủ, hoặc đến lấy chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp cho phép nộp hồ sơ online thì đặt ra yêu cầu về việc xác định độ chính xác của hồ sơ gửi qua mạng. Như vậy, lại phát sinh cơ quan xác thực hồ sơ trước khi gửi.
- Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm
Tại điểm c, khoản 1, điều 126 dự luật nêu rõ:
- c) Điều kiện, hồ sơ, thủ tục gia hạn thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Điều 34 Luật này. Chứng chỉ hành nghề được gia hạn theo quy định tại khoản này có hiệu lực 05 năm kể từ ngày gia hạn.
Theo ý kiến của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn 05 năm là không cần thiết. Việc cấp CCHN hiện nay đang được thực hiện theo quy định của Luật KCB số 40/2009, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Thời gian tới, cần xem xét sửa đổi Thông tư 22/2013/TT-BYT quy định về đào tạo liên tục là đảm bảo yêu cầu và phù hợp nhu cầu gia tăng chất lượng KCB tại Việt Nam.
5. Về điều kiện cấp mới chứng chỉ hành nghề
Điểm a, khoản 1, điều 28 dự thảo Luật nêu:
- Có một trong các giấy tờ sau:
- a) Văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh kèm theo xác nhận thực hành nghề nghiệp đối với đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 18 Luật này;
Việc bổ sung thêm quy định “Văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề KCB” (hiện nay không có trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12) thực chất là gia tăng thêm “giấy phép con”, tạo kẽ hở cho cán bộ tiêu cực trong các thủ tục cấp CCHN khám bệnh, chữa bệnh.
- Đề xuất, kiến nghị:
Với những phân tích nêu trên, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội một số nội dung sau:
– Chưa đồng ý triển khai thực hiện việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia. Một số chức năng, nhiệm vụ trong dự thảo của Hội đồng, đề nghị giao về cho Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Khoa học và Đào tạo Bộ Y tế và các Sở Y tế các tỉnh, thành phố làm đầu mối thực hiện. Việc tổ chức như vậy sẽ đảm bảo tinh gọn bộ máy hành chính, đảm bảo tính hệ thống, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, không làm tăng thêm biên chế, cơ cấu tổ chức, trang thiết, đặc biệt làm giảm “giấy phép con”, hạn chế sách nhiễu đối với người hành nghề KCB và cơ sở KCB.
– Tiếp tục giữ nguyên cách thức cấp CCHN như hiện tại: Bộ Y tế cấp CCHN cho các Bệnh viện tuyến TW, Sở Y tế cấp CCHN cho các bệnh viện trực thuộc quản lý tại địa phương theo thẩm quyền.
– Bỏ quy định về việc cần có văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề trước cấp CCHN tại điểm a, khoản 1, điều 28 của dự thảo, gây sách nhiễu, tạo “giấy phép con”, gây phiền hà, sách nhiễu đối với người hành nghề y.
– Đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT và các Trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành y cung cấp bộ đề chuẩn và tổ chức thi đánh giá năng lực thực hành dành cho các đối tượng sinh viên ngành y trước khi ra trường hành nghề.
Nguồn: Văn phòng Hiệp hội./.