THAM LUẬN: MỘT SỐ GÓP Ý NHẰM HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

THAM LUẬN: MỘT SỐ GÓP Ý NHẰM HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

(Tại Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)” do Viện nghiên cứu Lập pháp tổ chức)

            Trình bày: GS. TS Nguyễn Văn Đệ

                                                            Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam

                                                   Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam

I.XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Dự thảo Luật KCB (sửa đổi) nêu quy định xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 109 như sau:

‘‘Điều 109. Xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh

  1. Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm tự chăm lo sức khỏe, phát hiện bệnh sớm cho các thành viên trong tổ chức, gia đình và bản thân; tham gia cấp cứu, hỗ trợ giải quyết các trường hợp xảy ra tai nạn, thương tích tại cộng đồng và tham gia các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có sự huy động của cơ quan có thẩm quyền.
  2. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng; khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.
  3. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
  4. a) Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;
  5. b) Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  6. c) Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế;
  7. d) Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

đ) Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế;

  1. e) Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
  2. g) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
  3. Việc thực hiện thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
  4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

          Đề nghị bỏ Điều 109 về Xã hội hóa trong hoạt động KCB như quy định trong dự thảo Luật. Bởi một số lý do sau:

  1. Luật KCB là luật chuyên ngành về quản lý hoạt động chuyên môn đối với các đối tượng chịu tác động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KCB, cụ thể gồm: cơ sở y tế, người hành nghề, người bệnh, người nhà bệnh nhân. Việc đưa chính sách xã hội hoá vào luật vô tình có thể tạo ra xung đột, chồng chéo với các Luật, Nghị định, Thông tư về xã hội hóa y tế và quy định cơ chế tự chủ khác đã được thể chế hóa từ chủ trương nghị quyết của Đảng như giải trình của Chính phủ tại Báo cáo số 477/BC-CP ngày 07/12/2022 về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật KCB theo ý kiến của ĐBQH. Phần lớn các cơ chế, chính sách về tự chủ ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa.
  2. Chính sách xã hội hoá có tác động rộng lớn, bao quát, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở y tế công lập và tư nhân, thậm chí dễ nảy sinh xung đột giữa hệ thống y tế công lập – tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa y tế công lập – tư nhân nhưng chỉ mới dành một điều trong dự thảo Luật là chưa đủ, thậm chí vô cùng thiếu sót, chưa có sự công bằng giữa cơ sở y tế tư nhân và công lập. Ví dụ: Về chính sách đất đai trong xây dựng Bệnh viện, giữa tư nhân và công lập cũng chưa được làm rõ….

Hiện nay, Nhà nước đang chủ trương cắt giảm đầu tư công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân. Tuy nhiên thời gian qua, tại một số địa phương, cấp ủy, chính quyền lại kêu gọi đầu tư xã hội hoá y tế, mời doanh nghiệp đầu tư trong khuôn viên bệnh viện công, “núp bóng” chủ trương xã hội hóa. Trên thực tế, đây là hình thức đầu tư “công không ra công, tư không ra tư”, dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, để cho nhóm lợi ích lợi dụng cơ sở vật chất, đất đai, thiết bị kỹ thuật, nhân lực, thương hiệu của bệnh viện công (phần góp vốn của nhà nước) phục vụ mục đích của một số cá nhân. Nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng này, đây tiếp tục là mầm mống, nguy cơ nảy sinh tham nhũng, lợi ích nhóm, tư bản thân hữu hoành hành mà Nghị quyết TW 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân đã chỉ ra.

Ngoài ra, việc xây dựng mô hình bệnh viện “công – tư lẫn lộn” đã tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng giữa bệnh viện công – tư phối hợp đối với bệnh viện 100% vốn của tư nhân, làm giảm lòng tin của doanh nghiệp đối với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, khi loại hình bệnh viện công tư lẫn lộn này đi vào hoạt động, dưới áp lực thu hồi vốn, lợi nhuận thì phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân lực chất lượng cao sẽ được huy động cho “khu điều trị chất lượng cao” phục vụ cho những bệnh nhân có điều kiện nhất định về tài chính. Bệnh nhân nghèo, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp sẽ không được thụ hưởng những dịch vụ KCB theo chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Như vậy, bất công giữa người giàu và người nghèo nảy sinh ngay trong lòng loại hình bệnh viện này.

  1. Dù Nhà nước đã chủ trương chỉ đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân không làm, tạo các điều kiện tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển, qua đó cắt giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, dù doanh nghiệp tha thiết xin đầu tư bệnh viện tư nhân hoặc mở rộng quy mô giường bệnh, nhưng một số sở, ngành địa phương vẫn cố tình gây khó dễ cho doanh nghiệp, tiếp tục dành vốn ngân sách để đầu tư cho bệnh viện công lập. Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn: Tại sao lại không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực y tế bằng chính nguồn vốn của họ thông qua chủ trương xã hội hóa? Phải chăng việc đầu tư công mang lại những lợi ích cho riêng họ như: tuyển dụng nhân sự, xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị…. Đây là những nghi vấn có cơ sở, bởi chúng ta đã có không ít bài học đắt giá về đầu tư công không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước, thậm chí là cơ hội cho tham nhũng, lợi ích nhóm hoành hành.

          Trường hợp Ban soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm và giữ lại Điều 109 như trong dự thảo Luật.

          Đề nghị bổ sung thêm nội dung như sau để đảm bảo sự công bằng giữa cơ sở y tế công và tư nhân:

3. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn không tổ chức đấu thầu, đấu giá sử dụng đất đối với các dự án đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;

II. CÁC KIẾN NGHỊ KHÁC TRONG DỰ THẢO LUẬT

1.Hội đồng Y khoa Quốc gia

Điều 2 nêu địa vị pháp lý và quy định các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong đó có “đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.

Hiệp hội nhận được nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, phản ánh, góp ý, xem xét việc giao nhiệm vụ cho Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề KCB, bởi lý do sau:

Theo ước tính, cả nước hiện có 500.000 nhân viên y tế, trong đó có gần 100 nghìn bác sỹ, hơn 200.000 điều dưỡng, còn lại là kỹ thuật viên, họ sinh viên, …. dược sỹ đang hoạt động hành nghề. Như vậy mỗi năm cần phải tổ chức 2 kỳ thi cho tổng số nhân sự này. Công tác tổ chức kỳ thi này bao gồm một khối lượng công việc rất lớn. Từ thông báo tổ chức, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, rà soát hồ sơ, lên danh sách nhân sự, xác định địa điểm thi, nhân sự coi thi, nhân sự đánh giá hồ sơ đạt/không đạt cho đến việc lên danh sách nhân sự đạt trình phê duyệt; in, cấp, trả kết quả…Với một khối lượng công việc như vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn nếu tập trung về một đầu mối.

Câu hỏi đặt ra là: Cách thức tổ chức thi thế nào? Thi trung thời điểm hay khác thời điểm, thi chung hay riêng? Quá trình tổ chức kỳ thi, ôn luyện của người hành nghề có ảnh hưởng đến hoạt động KCB thường ngày của nhân viên y tế hay không? Trong khi hiện nay nhân viên y tế đã chịu quá nhiều áp lực trong công việc (tình hình dịch bệnh, thủ tục hành chính, hoạt động chuyên môn…). Nếu phân quyền tổ chức về các tỉnh, thành phố tổ chức thi, tính khả thi thế nào? Có đạt kết quả như yêu cầu đặt ra hay chỉ nặng tính hình thức?

Hơn nữa, theo Quyết định 956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm nhiệm. Các Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách các lĩnh vực, công việc theo sự phân công của Chủ tịch; có 01 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách giúp Chủ tịch Hội đồng giải quyết các công việc thường xuyên của Hội đồng và những việc khác có liên quan khi được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy quyền.

Ủy viên Hội đồng có từ 27-29 thành viên do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm gồm: Đại diện của Tổng hội Y học Việt Nam và một số Hội nghề nghiệp chuyên khoa, chuyên ngành khác thuộc lĩnh vực y tế; Đại diện một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; Đại diện một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đại diện của một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế về đào tạo, khám bệnh, chữa bệnh, pháp chế; 01 thành viên đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, về cơ cấu tổ chức, Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ có 01 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách, còn lại hầu hết đều kiêm nhiệm. Điều này đặt ra vấn đề chất lượng quản lý, vận hành các nhiệm vụ được Chính phủ giao như thế nào? Trường hợp bổ sung thêm nhân lực để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ sẽ lại phát sinh thêm bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, … đặc biệt là làm lãng phí nguồn lực y tế tại các Sở y tế các tỉnh, thành phố. Hiện nay các Sở y tế các tỉnh, thành phố đều có Phòng quản lý hành nghề y dược thực hiện chức năng quản lý người hành nghề. Trường hợp Hội đồng Y khoa Quốc gia làm nhiệm vụ của Phòng quản lý hành nghề y dược thì số lượng nhân lực này sẽ sắp xếp, bố trí nhiệm vụ gì?.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi Luật theo hướng thực hiện thi đánh giá năng lực hành nghề cho người đăng ký tham gia hành nghề KCB ngay khi còn trong trường hoặc giao cho Sở Y tế các địa phương tổ chức, đánh giá. Việc tổ chức như vậy phù hợp tình hình thực tiễn, tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của các trường đào tạo và ngành y tế địa phương, giảm thủ tục hành chính, không làm gia tăng chi phí đánh giá, không làm phát sinh thêm công tác tổ chức thi.

  1. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động KCB.

– Khoản 12 Điều 60 quy định cơ sở KCB phải có trách nhiệm “Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động KCB theo quy định của Chính phủ.

– Điều 103 định nghĩa Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp:

  1. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh là loại hình bảo hiểm được sử dụng để chi trả chi phí bồi thường cho bên thứ ba đối với những thiệt hại do tai biến y khoa trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm và các chi phí khiếu kiện pháp lý liên quan tới khiếu nại đó. Trường hợp tai biến do người bệnh tự gây ra thì không phải bồi thường.
  2. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong KCB thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Đề nghị bỏ quy định cơ sở KCB phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bởi:

Quy định như trên khó khả thi, không thực tế và khó áp dụng, gây thiệt thòi cho cơ sở KCB và người hành nghề KCB. Bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chỉ quy định các lĩnh vực, ngành nghề bắt buộc mua bảo hiểm, không có khái niệm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Nếu đưa vào Luật KCB là ép buộc, không đúng, đây dường như là biểu hiện của lợi ích nhóm.

Thực tế, trong quá trình thực hiện quy định cơ sở KCB phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo Luật KCB 2009 đã bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể: Cơ sở KCB phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua bảo hiểm trách nhiệm trong KCB, nhưng rất hiếm có người hành nghề nào hay cơ sở y tế “dám nhận bồi thường” hỗ trợ từ bảo hiểm.

Nguyên tắc bảo hiểm chi trả khi cơ sở KCB hoặc người hành nghề có lỗi, điều này đồng nghĩa là người hành nghề phải chấp nhận để xảy ra sai sót chuyên môn hoặc tai biến do sự cố y khoa phát sinh trong quá trình KCB xảy ra. Điều này là khó khả thi, rất hiếm người hành nghề chấp nhận điều này vì nghề y là nghề đặc biệt, nghề vô cùng nhảy cảm, quá trình hành nghề của người bác sỹ không chỉ ảnh hưởng đến sinh mệnh người bệnh mà còn ảnh hưởng đến sinh mệnh nghề nghiệp, đến danh dự, uy tín cá nhân cũng như gia đình, dòng tộc, đồng nghiệp trong suốt cuộc đời hành nghề. Bởi vậy, không ai dám nhận sai để nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm để rồi phải mang tiếng dằn vặt suốt cuộc đời.

Ngoài ra, trường hợp người hành nghề hoặc cơ sở KCB để xảy ra sai sót chuyên môn, sau đó chứng minh với cơ quan bảo hiểm là mình sai để được hưởng tiền bảo hiểm thì có thể ngay lập tức hệ thống báo chí truyền thông, cơ quan tố tụng và nghiệp vụ chuyên môn, thanh tra sở, thanh tra bộ sẽ vào làm rõ, phân tích, nhẹ thì bị nhắc nhở, kiểm điểm, treo dao, tạm thời rút giấy phép hành nghề, nặng thì bị truy tố, tác động vô cùng lớn đến cơ sở KCB và người hành nghề. Như vậy, trở thành tình huống “chờ được mạ thì má đã sưng

Cả nước hiện có khoảng gần 500 nghìn nhân viên y tế. Nếu quy định bắt buộc cơ sở y tế phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho nhân viên, vậy đối với cơ sở KCB công lập, khoản đóng góp tiền này được lấy từ đâu?, có phải từ nguồn ngân sách hay không? hay từ chính tiền lương của nhân viên y tế?, có đúng quy định của luật ngân sách hay không?. Trong khi lương nhân viên y tế còn thấp, dịch vụ KCB hiện chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu, thành phần giá dịch vụ y tế.

  1. Đình chỉ hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Khoản 2 Điều 55 quy định các trường hợp đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của cơ sở KCB gồm:

“a) Xảy ra sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

  1. b) Không còn bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 49 và khoản 2 Điều 52 của Luật này mà chưa đến mức phải thu hồi theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 56 của Luật này”;

Quy định như trên không phù hợp, tùy nghi, tác động rất lớn đến hoạt động của cơ sở KCB. Bởi trong hoạt động chuyên môn KCB, có nhiều nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa, hầu hết đều do yếu tố khách quan mang lại. Hơn nữa, chủ thể gây ra có thể là do 1-2 cá nhân hoặc một Ekip trực gây ra, nhưng không thể chỉ vì 1-2 người mà đình chỉ cả cơ sở y tế hoặc đình chỉ cả một khoa, phòng thì hoàn toàn không phù hợp.

Ngoài ra, quy định này cũng mâu thuẫn tới việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Bởi khi cơ sở KCB được nhận bồi thường Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đồng nghĩa với việc cơ sở KCB đó phải nhận sai do để xảy ra sự cố y khoa tại cơ sở KCB. Mà đã để xảy ra sự cố y khoa thì đồng nghĩa cơ sở KCB đó cũng đứng trước nguy cơ bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ toàn bộ hoặc đình chỉ một phần hoạt động. Điều này hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của cơ sở KCB.

Như vậy, việc mua Bảo hiểm trách nhiệm vô tình là một cái bẫy đối với cơ sở KCB và quy định như Khoản 2 Điều 55 sẽ khiến cho cơ sở KCB không bao giờ dám thông báo cho cơ quan Bảo hiểm để nhận tiền bồi thường thiệt hại.

  1. Bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa

Khoản 1 Điều 102 quy định cơ sở KCB phải có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh trong trường hợp để xảy ra tai biến y khoa cho người bệnh. Và Doanh nghiệp bảo hiểm đã bán bảo hiểm trách nhiệm cho cơ sở KCB có trách nhiệm chi trả chi phí bồi thường cho cơ sở KCB theo hợp đồng bảo hiểm đã ký.

Quy định này cũng có dấu hiệu ép cơ sở KCB phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho người bệnh, vì hầu hết không cơ sở y tế nào muốn để xảy ra sự cố y khoa và không muốn phải mất tiền đền bù trong trường hợp để xảy ra tai biến y khoa cho người bệnh.

Bên cạnh đó, việc xảy ra tai biến y khoa cần phải được xem xét ở nhiều góc độ, nhiều nguyên nhân, không thể cứ tai biến y khoa là cơ sở KCB đền bù (do yếu tố khách quan, do thiếu trang thiết bị vật tư y tế tuyến trên, ví dụ bệnh nhân tim mạch cấp cứu tại Bệnh viện hạng 3 tuyến huyện thì không thể có thiết bị can thiệp để xử trí kịp thời)

  1. Điều khoản chuyển tiếp.

Khoản 1 Điều 122 quy định Điều khoản chuyển tiếp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.

“1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được tiếp tục hoạt động mà không phải cấp lại giấy phép hoạt động“.

Đề nghị làm rõ thêm, đối với các cơ sở KCB tư nhân đã được Bộ Y tế cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của Luật KCB số 40/2009/QH12 thì sau ngày Luật KCB sửa đổi có hiệu lực sẽ tiếp tục thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế hay chuyển về Sở Y tế các tỉnh, thành phố quản lý. Và có điều chỉnh nội dung cơ quan cấp phép ghi trong Giấy phép hoạt động hay không? (Đổi cơ quan cấp phép từ Bộ Y tế thành Sở Y tế).

Trên đây là tham luận góp ý đối với dự thảo Luật KCB (sửa đổi) theo đề nghị của Viện nghiên cứu lập pháp – Quốc hội tại nội dung Giấy mời số 552/CV-VNCLP ngày 07/12/2022. Kính gửi Viện nghiên cứu lập pháp – Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.