Tháo gỡ rào cản để thực hiện tốt Luật PPP

 Ngày 13/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo nhằm trao đổi, hiến kế những giải pháp tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – PPP.

Tháo gỡ rào cản để thực hiện tốt Luật PPP - Ảnh 1.

Ảnh: Hội thảo nhằm trao đổi, hiến kế những giải pháp tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – PPP.

Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HP Việt Nam – cho rằng: Mô hình hợp tác công – tư (PPP) là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Đối với mô hình này, nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ.

Về nguyên nhân khiến khu vực tư nhân chưa thật sự mặn mà với các dự án đầu tư theo mô hình PPP, ông Nguyễn Trọng Hiệp cho rằng, xuất phát từ việc Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng và phù hợp, từ đó gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho biết, chất lượng hạ tầng đang là rào cản lớn khi thực hiện các dự án đầu tư vào Việt Nam thời gian qua. Do đó, việc triển khai PPP chưa có định hướng rõ ràng dẫn đến tư duy ngại khó, các dự án cơ sở hạ tầng chưa có thứ tự ưu tiên.

Có 4 hạn chế, tạo rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP, bao gồm: Nhà đầu tư phải bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện trước; sự bất cập trong bình đẳng giữa các bên thực thi dự án; sự thiếu đồng bộ, đầy đủ trong quy định các hợp đồng dự án và những bất cập trong cơ chế giải quyết tranh chấp.

Dưới góc độ quản lý, bà Nguyễn Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh cơ chế, chính sách thì còn rất nhiều yếu tố khác để thực hiện được một dự án PPP thành công. Trong đó phải kể đến những vấn đề nội tại của dự án, ngân sách nhà nước dự kiến cho dự án cơ sở hạ tầng, năng lực thực thi của cơ quan quản lý nhà nước và khả năng đáp ứng của khu vực tư nhân.

Một trong những rào cản là các dự án PPP đòi hỏi thời gian thực hiện dài, có dự án kéo dài khoảng 20-30 năm. Để thu hút tư nhân tham gia vào các dự án PPP, theo ông Đoàn Tiến Giang – chuyên gia PPP của USAID, cần tập trung chú trọng đến tính minh bạch, bao gồm cả quyền lợi, trách nhiệm khu vực công và khu vực tư khi tham gia dự án; cần đảm bảo không làm hại đến quyền lợi khu vực công và khu vực tư nhân và các bên đối tác liên quan, cả những người sử dụng cơ sở hạ tầng khi dự án hoàn thành.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung – Chuyên gia chính sách đầu tư – Chủ tịch HĐQT Công ty DVL VENTURES nêu một số giải pháp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật PPP, khung pháp lý hiện nay mới dừng ở Nghị định là chưa đủ để nhà đầu tư yên tâm, cũng như không thể giải quyết những vướng mắc trong triển khai do còn bị hạn chế bởi các luật hiện hành.

Luật PPP được xây dựng với nhiều nội dung đổi mới, được xem là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong nỗ lực xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP để khơi thông dòng vốn đầu tư theo hình thức PPP.

Bà Nguyễn Hồng Chung cho rằng, cần xây dựng các quy định về lập, công bố danh mục dự án thu hút đầu tư thí điểm theo các hình thức PPP. Bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác kế hoạch trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư theo các hình thức hợp đồng PPP phù hợp với điều kiện thực tế và tạo điều kiện để các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận cơ hội đầu tư.

Cần tiến hành đào tạo, tăng cường nhân sự đáp ứng công tác quản lý Nhà nước, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án PPP. Đồng thời, cử người đi tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng thông qua các khóa học về PPP do những nhà quản lý có kinh nghiệm ở Việt Nam và các nhà tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm từ các quốc gia đã thực hiện PPP thành công tham gia giảng dạy và tập huấn. Cần tăng cường sự giám sát của cơ quan chính quyền trong quá trình thực hiện các mô hình đối tác công tư. Theo đó, khi các rào cản được gỡ bỏ, các dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế, tiềm năng thị trường hạ tầng và dịch vụ công sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế.

“Nhiều tập đoàn tư nhân trong nước ngày càng mạnh lên về tiềm lực tài chính, công nghệ, xây dựng, kỹ năng quản lý và vận hành các dự án quy mô lớn. Đây còn là điều kiện tạo cơ sở kỳ vọng một thế hệ nhà đầu tư PPP mới trong và ngoài nước chuyên nghiệp và có năng lực tốt hơn để tham gia các dự án PPP thế hệ mới trong thời gian tới” bà Nguyễn Hồng Chung nói.

Anh Minh

Nguồn: https://baochinhphu.vn/thao-go-rao-can-de-thuc-hien-tot-luat-ppp-102220713192031311.htm