Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành cùng tháo gỡ vướng mắc nhiều vấn đề ngành y tế, nhất là các bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư vì quan trọng cho người dân.
Trưa 21/8, sau nhiều giờ lắng nghe bác sĩ, đại diện Bộ Y tế và các bộ ngành chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế, tình trạng thiếu thuốc, y bác sĩ nghỉ việc… Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành Y còn những hạn chế, đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực y tế còn bất cập; nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…).
“Bình thường nói mãi không ai nhận ra, nhưng thực tiễn đã làm bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cản trở hệ thống y tế. Nhưng đây là cơ hội để chúng ta sửa đổi”, Thủ tướng nói và yêu cầu các bộ ngành quyết liệt đưa ra biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Cần xác định việc nào quan trọng thì làm trước, không dàn trải.
Trong đó, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cho cán bộ thực thi công vụ; tránh tâm lý sợ đấu thầu để không ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. “Quy định do chúng ta đặt ra, vướng mắc ở đâu thì phải tháo gỡ ở đó. Các địa phương cũng phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế khi thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý”, Thủ tướng đề nghị.
Đối với mức phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay đã lạc hậu, Thủ tướng cho rằng cần sớm hoàn thành phương án nâng thu nhập cho cán bộ y tế theo đúng tinh thần đây là “nghề đặc biệt” nên cần đối đãi đặc biệt, đồng thời có biện pháp hiệu quả bảo vệ y bác sĩ trong khi làm nhiệm vụ.
Trước đó, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã làm hội nghị phải “nóng” khi thẳng thắn đặt ra 6 vấn đề các bệnh viện đang vướng, đồng thời kiến nghị giải quyết.
Thứ nhất, về đấu thầu mua sắm thuốc, hiện các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng giá dự toán. Nếu theo Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính, sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được. Do đó, ông Thức kiến nghị cho phép bệnh viện xây dựng dự toán bằng giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng mua sắm.
Thứ hai, các loại thuốc hiếm (như thuốc Protamin sulfat dùng trong phẫu thuật tim mạch) và thuốc nhập theo hạn ngạch hiện không có nguồn cung, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn, hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh thành.
Thứ ba, các bệnh viện và cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính yêu cầu phải đầy đủ 3 đặc tố giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm nhưng có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở một quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi.
“Quy định giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên website công khai kết quả đấu thầu (website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu), nhưng 2 website này đều chạy chưa ổn, có lúc muốn tham khảo, tra cứu phải mở… 18 cửa sổ mới tìm được thông tin. Có lúc cả bệnh viện tập trung đấu thầu, không có thời gian cho khám chữa bệnh”, ông Thức nói.
Thứ 4, với quy định mua sắm hiện hành, ông Thức đề nghị nên cho phép chọn mua thuốc, vật tư giá hợp lý, không chọn loại rẻ vì ảnh hưởng chất lượng. “Có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không vấn đề gì, nay mua dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh”, ông Thức nói, đồng thời cho rằng các bệnh viện hạng một đến đặc biệt phải được phép lựa chọn nhà sản xuất có thương hiệu để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu, bởi thương hiệu lớn mới có máy tốt phục vụ điều trị.
Thứ 5, luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhưng không quy định thế nào là cấp bách và ai là người quyết định. “Phải quy định rõ thế nào là cấp bách trong y khoa vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng người bệnh, từ đó cho phép các cơ sở y tế được chỉ định thầu theo luật định để kịp thời có thuốc phục vụ người dân”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu quan điểm.
Cuối cùng, các máy xét nghiệm hiện đại đa phần đều có hóa chất tương thích (máy đóng). Nếu đấu thầu hóa chất cho máy đóng không thực hiện được, vướng các máy liên doanh kết. Do đó, ông Thức kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đồng tình với những đề xuất của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Về đề xuất xin bỏ tự chủ toàn diện của Bệnh viện Bạch Mai, ông Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế này tại các bệnh viện công.
Theo ông Phớc, y bác sĩ giỏi ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K… là xương sống của ngành y tế, nếu để các bác sĩ ở đây đi ra hệ thống tư nhân, trụ cột an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng. “Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế”, ông Phớc nói, đồng thời cho rằng cần làm sớm, nếu muộn thì phải mất 3 năm nữa vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023 để tháng 10 trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại.
Liên quan vướng mắc khiến thiếu thuốc, thiết bị y tế, ông Phớc cho rằng, đầu tiên phải sửa Nghị định 98, Thông tư 14, 15 của Bộ Y tế. Còn thông tư 58 là hướng dẫn chung, Bộ Tài chính sẽ sửa sớm để tính lại giá dịch vụ, khắc phục thiếu thuốc, thiết bị.
Còn Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, dự án Luật Đấu thầu sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 sắp tới. Trong đó có một chương riêng về đấu thầu thuốc và đây là sẽ biện pháp công khai, minh bạch, khắc phục những vướng mắc trong thời gian qua.
Về mua sắm thuốc và thiết bị, theo bà Ngọc, hiện vướng ở hai Nghị định 98 năm 2021 và Nghị định 54 năm 2017. Chính phủ đã có dự thảo Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc đồng thời đề nghị sớm sửa đổi những Thông tư liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề cập nhiều vấn đề hạn chế của ngành. Đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; nhân viên y tế bỏ việc; bệnh viện quá tải; vướng mắc trong đấu thầu…
Theo bà Lan, việc chậm sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý liên quan đến thực hiện phòng, chống dịch, tổ chức hệ thống, giá dịch vụ… đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công dẫn đến hệ quả là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở y tế. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Nhiều máy móc hiện đại đang là tang vật các vụ án đã bị niêm phong, nguy cơ bị hỏng do không được bảo dưỡng, lãng phí nguồn lực.
Nguồn: https://vnexpress.net/thu-tuong-cac-bo-nganh-can-chung-tay-go-vuong-dau-thau-thuoc-4502136.html